'Chúng ta không thể sống nếu không biết dựa vào lịch sử'
GS Trần Thanh Hiệp khẳng định: 'Chúng ta không thể sống nếu không biết dựa vào lịch sử, không có một quá khứ mà chúng ta đáng trân trọng'.
Thời gian gần đây, phim “Đào, phở và piano” đã gây sốt trên cộng đồng mạng, thu hút đông đảo khán giả, nhất là các bạn trẻ đến các rạp. Điều đó cho thấy, những tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng vẫn có một sức hút nhất định đối với công chúng. Điều đó cũng khẳng định, đề tài về lịch sử vẫn luôn có sức sống nếu được thể hiện bằng những cách làm sinh động, hấp dẫn.
Công bằng mà nói, dù khen cũng nhiều và chê cũng không ít, nhưng “Đào, phở và piano” là một tín hiệu đáng mừng, mở ra hướng đi mới cho các tác phẩm điện ảnh về chủ đề chiến tranh cách mạng. Điều đó cũng sẽ góp phần làm cho các thế hệ người Việt Nam biết đến quá khứ, lịch sử hào hùng của dân tộc qua những thước phim trên màn ảnh.
Nhân dịp này, phóng viên VOV trao đổi với GS.TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình.
PV: Có lẽ đã lâu rồi, mới có một phim điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng như “Đào, phở và piano” thu hút được sự quan tâm, theo dõi đông đảo của công chúng. Từ hiện tượng của “Đào, phở và piano”, ông suy nghĩ như thế nào về sức hút của những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng?
GS Trần Thanh Hiệp: Tôi nghĩ rằng, hiện tượng phim “Đào, phở và piano” thu hút được sự quan tâm và theo dõi của công chúng đặt ra cho chúng ta đôi điều suy ngẫm. Bởi vì, nhìn tổng đề tài gần 40 phim truyện Việt Nam sản xuất, cũng như hơn 200 phim chuyện được cấp phép chiếu trên các hệ thống rạp của Việt Nam, ta thấy một điều là mảng phim về đề tài lịch sử cách mạng, lịch sử kháng chiến, lịch sử dân tộc rất vắng bóng.
Trong 5 phim có doanh thu cao nhất của màn ảnh Việt Nam, thì không có những bộ phim về lịch sử cách mạng. Thế thì làm sao chúng ta có được những phim như “Đào, phở và piano”? Đấy là vấn đề đang đặt ra cho chúng ta. Và tôi nghĩ rằng, những người làm quản lý văn hóa, nghệ thuật cũng như những người làm nghệ thuật trong lĩnh vực điện ảnh phải suy nghĩ.
Khi “Đào, phở và piano” được sự quan tâm của người xem, tôi nghĩ rằng đó là một tín hiệu rất đáng vui mừng. Bởi vì thực ra trong tâm khảm của mỗi con người Việt Nam, lòng yêu nước luôn tiềm ẩn, chỉ là người ta nói ra hay không nói ra mà thôi. Tinh thần đó trong máu và trong tiềm thức của người Việt Nam rồi. Do vậy, khi có những phim hay về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, họ cũng sẵn lòng đến rạp để xem phim.
PV: Lâu nay chúng ta cũng đang dấy lên những mối lo ngại về việc dạy và học lịch sử, nhiều người cũng lo ngại rằng thế hệ trẻ ít quan tâm đến các vấn đề lịch sử. Nhưng qua việc các bạn trẻ đến rạp xem “Đào, phở và piano” chúng ta thấy, họ vẫn có những mối quan tâm và yêu thích lịch sử. Như vậy, nếu có cách tuyên truyền mới, hấp dẫn thì lịch sử sẽ được tái hiện và vẫn có sức sống trong hiện tại, thưa Giáo sư?
GS Trần Thanh Hiệp: Tôi nghĩ rằng điều này hoàn toàn đúng. Bởi vì nếu như thế hệ trẻ không biết, không hiểu lịch sử Việt Nam thì đó là lỗi của thế hệ chúng ta. Nhưng cũng đừng vội quy kết, nghĩ rằng, khi thế hệ trẻ tiếp xúc nhiều, được xem nhiều, ra nước ngoài nhiều thì người ta quên dân tộc, chưa hẳn đã phải vậy đâu. Bản thân mỗi chúng ta cũng thế thôi, khi càng đi xa thì lại càng mong muốn trở về với dân tộc, càng cảm thấy rằng điểm tựa, chỗ neo đậu tâm hồn mình và ký ức của mình, đấy là những năm tháng sinh sống ở Việt Nam và văn hóa Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng, điều đấy nó rất quan trọng. Chúng ta phải truyền tải như thế nào đó để mang đến cho thế hệ trẻ con cháu chúng ta những trang sử hào hùng, những giá trị nhân văn của cha ông đã tạo dựng trong lịch sử.
PV: Sự quan tâm của người dân có được coi là tín hiệu tích cực để cơ quan quản lý mạnh dạn hơn trong việc đầu tư và sáng tạo thêm những bộ phim chất lượng về đề tài lịch sử, thưa ông?
GS Trần Thanh Hiệp: Có chứ, đấy là một tín hiệu rất đáng mừng. Tín hiệu này sẽ giúp chúng ta có những quan tâm hơn nữa đến đề tài lịch sử dân tộc, trong đó có lịch sử cách mạng, kháng chiến.
Bởi vì, thực ra đó là gia tài tinh thần. Văn học nghệ thuật ngoài đáp ứng nhu cầu giải trí hiện nay, thì vẫn phải mang đến cho khán giả nhớ đến những giá trị rất cao đẹp, giá trị nhân văn, giá trị tinh thần. Đó là vốn liếng để chúng ta đến với thế giới.
PV: Trên cộng đồng mạng cũng có nhiều ý kiến khác nhau về phim này, khen cũng có mà chê cũng có. Là Chủ tịch Hội đồng duyệt phim, ông có quan điểm như thế nào?
GS Trần Thanh Hiệp: Khen hay chê thì chúng ta đều trân trọng những ý kiến khác nhau. Một tác phẩm nghệ thuật đưa ra mà khen một chiều thì cũng hồ nghi. Bởi vì cái đẹp của cuộc sống là cái đẹp chưa hoàn thiện, chưa trọn vẹn, vẫn có những điều này, điều kia. Tác phẩm nghệ thuật cũng như vậy.
PV: Cũng có ý kiến cho rằng, do kinh phí đầu tư của Nhà nước còn hạn hẹp nên là phim về đề tài chiến tranh cách mạng nói chung còn đơn giản, chưa có chiều sâu. Như vậy, ngân sách có phải là điều quyết định đến chất lượng của phim không, thưa ông?
GS Trần Thanh Hiệp: Không phải là nhiều tiền là làm được phim hay. Ta phải nói với nhau như vậy. Kinh nghiệm của thế giới thì thấy, nếu làm phim về đề tài chiến tranh rất tốn kém. Nhưng tôi nghĩ không phải cứ dồn nhiều tiền vào làm phim thì chắc chắn là có phim hay, phim tốt. Mà ở đây chúng ta phải tính toán sao cho hợp lý, phải biết chắt chiu những đồng tiền thuế của dân trong việc đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật. Tức là làm sao cho hợp lý, làm sao cho hiệu quả. Điều đó là hết sức quan trọng.
Bởi vì nếu nói rằng “anh đang làm nghệ thuật, tôi cho anh thật nhiều tiền, rồi yêu cầu anh làm ra kiệt tác” thì không có chuyện đó. Nếu không có tiền, không đủ những điều cần và đủ thì cũng không thể có những tác phẩm hay. Nên tôi nghĩ chuyện khen, chê trong tác phẩm nghệ thuật là bình thường.
PV: Nhiều người còn đưa ra lập luận cho rằng, những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng là không cần thiết vì nó tiêu tốn ngân sách Nhà nước mà hiệu quả không cao? Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
GS Trần Thanh Hiệp: Tôi muốn khẳng định điều này, chúng ta không thể sống nếu không biết dựa vào lịch sử, không có một quá khứ mà chúng ta đáng trân trọng. Nói như thế, không phải chúng ta ăn may quá khứ đâu. Nhưng mà những giá trị tinh thần của quá khứ sẽ giúp cho người Việt Nam hôm nay trên con đường đi đến tương lai. Đó cũng là điều các dân tộc họ đang quan tâm.
Muốn làm thức tỉnh dân tộc thì phải khơi dậy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong quá khứ. Cho nên, nếu nói rằng, những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng là không cần thiết vì nó tiêu tốn ngân sách Nhà nước mà hiệu quả không cao, nói như thế có phần hơi định kiến, thiếu khách quan và chưa nhìn ra được giá trị của lịch sử, của quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam trong đời sống hiện nay.
PV: Trên mạng xã hội cũng dấy lên những luồng ý kiến gây nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến nói rằng, những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng nói chung, phim “Đào, phở và piano” nói riêng, hư cấu hơi quá mức về hình tượng người lính, về tinh thần yêu nước? Vậy theo ông, khi làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng có được phép hư cấu hay không?
GS Trần Thanh Hiệp: Khi làm về đề tài lịch sử, trong đó có đề tài chiến tranh cách mạng, kháng chiến, nếu không hư cấu thì anh hãy viết sử. Muốn hay không trong tác phẩm nghệ thuật phải hư cấu. Ở đó, người ta phải thấy được trọn vẹn tinh thần lịch sử, kể cả sự khám phá những tầng hiện thực mà bản thân một cuốn lịch sử bình thường, những cuốn thông sử không thể khai thác hết, không thể truyền tải hết.
Bởi vì muốn hay không, tôi nghĩ rằng, nhu cầu của con người gắn liền với những tác phẩm phản ánh chân thực lịch sử. Và cái sự chân thực lịch sử ấy nó không cấm đoán các nghệ sĩ hư cấu. Miễn là sự hư cấu ấy nó mang đúng tinh thần của lịch sử, chân thực lịch sử và khẳng định được giá trị tốt đẹp của người Việt Nam.
PV: Tức là chúng ta hoàn toàn có thể hư cấu nhưng phải nằm trong một biên độ giới hạn nhất định?
GS Trần Thanh Hiệp: Đúng thế, người ta nói rằng là khi làm về lịch sử đúng như nó có thì đó là câu chuyện của những nhà sử học. Nhưng văn học nghệ thuật phải biết sáng tạo trên cái nền ấy, sáng tạo nên những điều có thể đã xảy ra trong lịch sử. Thế thì biên độ sáng tạo nó rộng. Bản thân người xem cũng như người tiếp nhận cũng phải có những cái nhìn rộng rãi với sự tìm tòi để khai thác đề tài lịch sử.
Cho nên tôi nghĩ, mỗi tác phẩm không phải là một biên bản ghi chép lịch sử, mà thực ra nó là điều có thể xảy ra, miễn là nó chuyển tải được tinh thần lịch sử.
PV: Xin cảm ơn ông.