'Chúng ta phải dự phòng tổng thể trên các bệnh truyền nhiễm và trên các đường lây trước sự xuất hiện của nhiều dịch bệnh mới'
Đó là chia sẻ của GS.TS Phan Trọng Lân - Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế với báo chí bên lề hội thảo 'Các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam'.
PV: Thưa ông, việc phòng bệnh truyền nhiễm quan trọng như thế nào trong tình hình có nhiều dịch bệnh mới nổi như hiện nay?
Bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới càng ngày càng diễn biến khó lường. Có nhiều nguyên nhân, từ vấn đề toàn cầu hóa đi lại rất nhanh giữa các khu vực, vấn đề biến đổi khí hậu, đô thị hóa và già hóa dân số cũng ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.
Thời gian qua xuất hiện nhiều dịch bệnh mới. Những dịch bệnh đã có trước đây có sự thay đổi hơn, như bệnh đậu mùa khỉ ở khu vực Châu Phi, đến nay đã lan ra trên toàn cầu và trên những đối tượng đặc biệt, những đường lây đặc biệt.
Chúng ta thấy rằng với sự nóng lên toàn cầu, những bệnh như sốt xuất huyết trước đây mang tính khu trú thì hiện nay cũng đã có những diễn biến lây lan mạnh. Đặc biệt, có những bệnh do véc-tơ truyền (bệnh dịch hạch, sốt rét, sốt xuất huyết, các bệnh thương hàn, lỵ trực trùng, amíp, sốt do chuột cắn, ỉa chảy... - PV) và những bệnh lây truyền của virus Zika (lây nhiễm chủ yếu qua vết cắn của muỗi aedes đang mang bệnh, phổ biến ở các quốc gia vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ngoài ra, loại virus này còn có thể lây qua đường quan hệ tình dục, đường truyền máu và lây từ mẹ sang con - PV).
Do đó, các biện pháp phòng, chống đòi hỏi phải mang tính toàn cầu và mang tính tổng thể. Không chỉ riêng ngành y tế mà đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền, của các đoàn thể và đặc biệt của mỗi người dân. Để làm sao công tác này mang tính chất của toàn xã hội. Như vậy chúng ta mới kiểm soát được một cách hiệu quả. Một trong những vấn đề quan trọng đó là trong mọi tình huống chúng ta đều có thể sẵn sàng đáp ứng một cách hiệu quả, an toàn để mang lại lợi ích sức khỏe, bảo vệ người dân.
PV: Như vậy chúng ta sẽ tập trung vào những vấn đề nào để dự phòng được các dịch bệnh đang lưu hành và đối phó với dịch bệnh mới xuất hiện?
Đối với các dịch bệnh đang lưu hành thì chúng ta thực hiện đơn lẻ các biện pháp của từng bệnh. Tuy nhiên, với sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch bệnh mới thì để tận dụng các nguồn lực tối đa của xã hội, chúng ta phải dự phòng tổng thể trên các bệnh truyền nhiễm và trên các đường lây. Đặc biệt là chúng ta có sự sẵn sàng từ trước.
Ví dụ đối với Bộ Y tế, để đối phó các bệnh truyền nhiễm phải có cái kế hoạch ngay từ đầu năm và phân công một cách rất rõ ràng, từ vấn đề chuyên môn kỹ thuật, vấn đề chỉ đạo điều hành cho đến vấn đề hậu cần, để các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống và bảo vệ trên địa phương mình.
Việc phòng, chống dịch không mang một công thức cơ bản nào mà phụ thuộc vào các đặc điểm dịch tễ, biện pháp phòng, chống của từng địa phương cụ thể hóa trong các biện pháp triển khai.
PV: Thưa ông, để có thể dự phòng và định hướng đúng cho các địa phương phòng chống dịch hiệu quả thì Cục Y tế Dự phòng tập trung vào những công việc gì?
Như tôi đã nói, chúng tôi sẽ tập trung vào nhiệm vụ giám sát và sau đó hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật một cách thuần thục cho cả hệ thống y tế. Đồng thời hướng dẫn cho các đoàn thể và cả mỗi người dân một cách nhanh chóng, kịp thời để nhằm phát hiện sớm các trường hợp, khoanh vùng xử lý một cách triệt để, không để dịch xảy ra.
PV: Sốt xuất huyết là một trong những bệnh dịch truyền cũng khá là lâu và lưu hành quanh năm nhưng hiện nay nó có một số thay đổi về vấn đề phòng, chống dịch. Theo ông nên có những biện pháp dự phòng như thế nào để cho có hiệu quả một cách tổng thể và lâu dài?
Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh lưu hành do đó việc phòng, chống đòi hỏi liên tục, thường xuyên triển khai một cách đồng bộ trong toàn xã hội. Làm thế nào từ vấn đề đô thị hóa, xây dựng về mặt chính sách, nhằm loại bỏ được những cái ổ có thể sản sinh muỗi, véc-tơ. Xu hướng sốt xuất huyết sẽ tập trung vào các khu đô thị hóa, bên cạnh diệt muỗi, phải bao gồm kiểm soát véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết cho từng địa phương. Đồng thời chúng ta quản lý tốt các ca bệnh. Ngoài ra chúng ta còn ứng dụng các cái biện pháp mà khoa học mang lại, ví dụ như vaccine.
Phải nói rằng nếu có vaccine thì chúng ta sẽ đỡ hơn rất nhiều trong các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Biện pháp cơ bản kể cả sau này có vaccine là kiểm soát các ổ bọ gậy, nguồn muỗi là cái căn cơ và nó nằm trong từng ngôi nhà, từng cái khu phố. Do đó, mỗi tuần người dân bỏ ra 10 phút để kiểm tra, phát hiện và loại trừ các loại bọ gậy nguồn thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ kiểm soát và nếu có dịch xảy ra nó cũng hạn chế một cách thấp nhất các tác động của bệnh.
PV: Xin ông cho biết về triển vọng vaccine sốt xuất huyết và những bước tiến của y học trong việc tạo ra vaccine sốt xuất huyết?
Đối với mỗi ngành khoa học thì nó đòi hỏi các bằng chứng, đặc biệt là vaccine. Làm thế nào chúng ta có được vaccine an toàn, hiệu quả? Bên cạnh giảm số ca mắc, tỉ lệ bệnh nặng thì làm sao giảm được sự lây nhiễm và phòng được cả 4 tuýp sốt xuất huyết (virus sốt xuất huyết bao gồm 4 chủng dengue: Den1, Den2, Den3 và Den4). Hi vọng rằng với sự vào cuộc của các nhà khoa học trên thế giới cũng như của Việt Nam, đặc biệt các thử nghiệm lâm sàng thì Việt Nam sớm lưu hành những vaccine tốt, hiệu quả để giúp cho ngành y tế bớt những vất vả, ít nhất là trong phòng chống sốt xuất huyết.
Khi các vaccine đã được nghiên cứu thành công ở nước ngoài và đưa vào Việt Nam sẽ tiếp tục được triển khai các giai đoạn khác nhau nhằm đánh giá hiệu quả trong việc sử dụng, sự thích hợp và sự chấp thuận của cộng đồng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!