Chung tay bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn

Chiều 12/6, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Chung tay bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn' nhằm đánh giá kết quả việc bảo đảm cung cấp nước an toàn năm 2019 so với mốc kế hoạch Chương trình Quốc gia năm 2020 đến năm 2025; những vấn đề còn vướng mắc, đề xuất các ý kiến bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn; từ đó kiến nghị các giải pháp bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, nước có vai trò rất quan trọng trong sản xuất cũng như đời sống xã hội, việc cấp nước cho người dân trong sản xuất và đặc biệt phục vụ sinh hoạt được nhà nước các cấp chính quyền quan tâm. "Bức tranh" cấp nước hiện nay đã được cải thiện nhiều so với 20 năm trước, cụ thể, mạng lưới cấp nước tốt hơn, chất lượng nước cung cấp cũng tốt hơn, đặc biệt những vùng đô thị hay một số vùng nông thôn phát triển.

Vận hành hệ thống nước sạch. Ảnh minh họa: TTXVN

Vận hành hệ thống nước sạch. Ảnh minh họa: TTXVN

Mặc dù vậy, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau mà việc bảo đảm cấp nước an toàn vẫn chưa được như mong muốn. Nhiều chỉ số về yêu cầu chất lượng nước đảm bảo cho vấn đề sức khỏe, cuộc sống người dân. Hệ thống các chỉ tiêu đưa ra như vậy nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Lâm Thành cho hay, ngoài những vùng đô thị hay những vùng nông thôn có nguồn nước tốt, chất lượng nước, chỉ số sạch đảm bảo, còn lại những vùng khác còn xuất hiện tình trạng khan hiếm nguồn nước như vùng núi đá Hà Giang, Cao Bằng... Không có nguồn nước dồi dào thì việc xử lý nước và cung cấp nước sạch cũng bị hạn chế.

Các đại biểu cho rằng, chất lượng các công trình cấp nước chỉ tương đối tốt ở một số vùng, còn lại nhiều vùng nông thôn dùng nước ngầm, nước giếng khoan hay các vùng miền núi sử dụng các công trình nước tự chảy thì chất lượng nước thấp. Qua quá trình giám sát, công tác bảo quản, duy tu bảo dưỡng công trình nước không được duy trì tốt, đặc biệt cơ chế bảo vệ cộng đồng từ người dân cũng ảnh hưởng đến cung cấp nguồn nước và chất lượng nước, việc xả thải còn nhiều.

Đối với các vùng đồng bằng hay khu đô thị có khu công nghiệp, tình trạng xả thải, xả chất độc hại ra môi trường rất nguy cấp, đáng báo động. Một số hệ thống sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ… ô nhiễm rất cao.

Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, hiện nay, khoảng trên 30% là các doanh nghiệp đã lập và thử nghiệm cấp nước an toàn. Cấp nước đô thị có hơn 100 doanh nghiệp thì trên 30% triển khai kế hoạch cấp nước an toàn. Ông Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, khi các đơn vị đã thành lập kế hoạch cấp nước an toàn thì qua đó công tác kiểm soát tốt hơn, giảm thiểu rủi ro. Việc tuyên truyền cho người dân sử dụng nước tiết kiệm hoặc xây dựng các biện pháp khắc phục sự cố hay xây dựng các giải pháp hạn chế rủi ro… đã đem đến hiệu quả cao hơn.

Khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm có liên quan tới vấn đề nước

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm có liên quan tới vấn đề nước và vệ sinh môi trường; có 250.000 người nhập viện vì tiêu chảy mỗi năm. Do đó nước ảnh hưởng tất cả các bệnh liên quan, từ bệnh lây nhiễm, đến bệnh không lây nhiễm.

Ông Nguyễn Lâm Thành phân tích, bên cạnh những kết quả đạt được, ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng nông thôn, nhu cầu về nước sinh hoạt, nước sạch vẫn bị thiếu hụt cả nguồn nước mặt lẫn nguồn nước ngầm. Chất lượng nguồn nước cũng chưa đảm bảo do chưa có công trình đầy đủ. Ở đô thị dân cư tập trung, mức sống cao hơn nên khả năng xây dựng công trình nước tập trung cũng như khả năng chi trả cũng tốt hơn. Trong khi nông thôn dân cư phân tán nên xây dựng được công trình nước hợp bảo đảm vệ sinh cũng rất khó khăn.

Bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nước, ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng, công tác vận động tuyên truyền hay tiến hành xử phạt cũng cần phải có Luật để đầy đủ hơn, rõ ràng hơn trong phân vai trách nhiệm giữa xã hội, nhà nước và cả cộng đồng, tuy nhiên việc này nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Ngoài ra bám sát những nội dung, yêu cầu, quy định của pháp luật, những định hướng trong Nghị quyết của Đảng, Chính phủ để cụ thể hóa thêm hành lang pháp lý. Hoàn thiện dần hệ thống pháp luật và nâng lên thành Luật để giải quyết căn cơ, chặt chẽ và đúng tiêu chí trong đời sống xã hội, và đặc biệt trong xu hướng xã hội phát triển hiện đại thì nước là một nhu cầu tất yếu và quan trọng.

Nói về nguyên nhân khiến khu vực nông thôn trên cả nước còn rất chậm và hạn chế, ông Nguyễn Hồng Tiến cho biết: Việc xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch cấp nước an toàn thuộc trách nhiệm chỉ đạo của các cấp chính quyền, chỉ đạo cho các cơ quan có liên quan trên địa bàn triển thực hiện. Nhưng thời gian công tác chỉ đạo chưa thường xuyên nên công tác chỉ đạo còn nhiều vướng mắc.

Liên quan đến đầu tư xây dựng, theo ông Nguyễn Hồng Tiến, khu vực nông thôn là khu vực phân tán nên yêu cầu đầu tư cao, khả năng thu về thì nhỏ giọt nên việc thu hút đầu tư ở nông thôn còn khó khăn. Thêm vào đó, chi phí đầu tư lớn, giá nước thấp nên khả năng thu hồi vốn thấp nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư. Rất nhiều công trình cấp nước an toàn được đầu tư xây dựng nhưng quản lý vận hành không chuyên nghiệp, đầu tư không đồng bộ nên tỷ lệ thất thoát, thất thu cao.

Các đại biểu cho rằng, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện về các quy định pháp luật về cấp nước an toàn. Về lâu dài xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều đương nhiên. Công tác vận động tuyên truyền hay tiến hành xử phạt cũng cần phải có Luật để đầy đủ, rõ ràng hơn trong phân vai trách nhiệm giữa xã hội, nhà nước và cả động đồng mà khâu tổ chức thực hiện là rất quan trọng...

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/chung-tay-bao-dam-cap-nuoc-an-toan-khu-vuc-nong-thon-20200613090523089.htm