Chung tay bảo tồn động vật hoang dã

Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các cơ quan chức năng đã tiếp nhận nhiều động vật hoang dã, trong đó có những loài nguy cấp, quý hiếm, nhóm IIB. Ngoài việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, ngành Lâm nghiệp Phú Yên còn kêu gọi người dân chấp hành Luật Lâm nghiệp, bàn giao các động vật hoang dã, quý hiếm theo quy định.

Niệc nâu (Anorrhinus austeni) được chị Nguyễn Thị Mỹ Trinh giao nộp cho Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa. Ảnh: CTV

Niệc nâu (Anorrhinus austeni) được chị Nguyễn Thị Mỹ Trinh giao nộp cho Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa. Ảnh: CTV

Thả nhiều động vật quý hiếm về tự nhiên

Mới đây, chị Nguyễn Thị Mỹ Trinh (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) đã giao nộp cho Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa một con chim quý hiếm để xử lý theo quy định. Theo nhận dạng ban đầu của cơ quan chức năng, con chim này nặng 0,6kg, có tên gọi là niệc nâu (Anorrhinus austeni). Loài này nằm trong danh mục nhóm IB, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa thông tin thêm, niệc nâu là loài chim trong họ mỏ sừng, sở hữu bộ lông màu nâu với chiếc mũ sừng nằm phía trên mỏ. Chim trống có lông rực rỡ và sáng màu hơn với phần lông mặt màu trắng, các phần dưới màu nâu cam nhạt. Chim mái có bộ lông tối màu hơn, chủ yếu là màu nâu và phần lông trên mặt có màu đen. Môi trường sống của chúng ở rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, ghi nhận đến độ cao 1.800m.

Theo chị Trinh, sau khi phát hiện con chim bay lạc vào vườn nhà, chị cùng người dân xung quanh tháo gỡ, nuôi nhốt. Sau khi tìm hiểu, được biết đây là loài chim quý hiếm cần phải bảo vệ nên chị Trinh đã giao nộp cho Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa.

“Đây là loài chim lần đầu xuất hiện tại TP Tuy Hòa. Chúng tôi cũng đã làm việc và hoan nghênh tinh thần bảo vệ môi trường, động vật quý hiếm của chị Trinh. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định trước khi thả loài chim này về với tự nhiên”, ông Nguyễn Vĩnh Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa cho biết.

Trước đó, anh Nguyễn Tấn Thẻ (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) cũng giao nộp cho Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa một cá thể rùa núi vàng (Indotestudo elongat) nặng gần 1,5kg. Loài này nằm trong danh mục nhóm IIB. Sau khi tiếp nhận, ngành Lâm nghiệp sẽ hoàn thiện các thủ tục để thả về tự nhiên.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong năm 2024, đơn vị này tiếp nhận 7 cá thể động vật hoang dã do cá nhân tự nguyện giao nộp cho Nhà nước và lập hồ sơ xử lý 1 vụ vi phạm về hành vi tàng trữ động vật rừng với số lượng 12 cá thể (chim cắt).

Sau khi hoàn thành các thủ tục, cơ quan chức năng đã chuyển giao 1 cá thể (rùa cá sấu) cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận nuôi dưỡng; thả về môi trường tự nhiên 5 cá thể (1 cá thể khỉ mặt đỏ, 1 cá thể khỉ đuôi dài, 1 cá thể khỉ đuôi lợn, 1 cá thể rùa sa nhân, 1 cá thể rùa núi vàng); tiêu hủy 1 cá thể tê tê Java (bị chết) theo quy định pháp luật; thả 12 cá thể chim cắt về môi trường tự nhiên, kèm quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối tượng vi phạm.

Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa tiếp nhận con chim quý hiếm và Rùa núi vàng (Indotestudo elongat) được người dân giao nộp cho lực lượng kiểm lâm để xử lý theo quy định. Ảnh: CTV

Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa tiếp nhận con chim quý hiếm và Rùa núi vàng (Indotestudo elongat) được người dân giao nộp cho lực lượng kiểm lâm để xử lý theo quy định. Ảnh: CTV

Tăng cường kiểm tra và tuyên truyền

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hằng năm, đơn vị này thường xuyên lên kế hoạch kiểm tra, tăng cường công tác bảo vệ rừng; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và động vật hoang dã trên địa bàn.

Một số địa phương như Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân… có địa hình hiểm trở, tỉ lệ người đồng bào DTTS cao, trình độ học vấn và hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, nên luôn chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ và gìn giữ các loại động vật hoang dã.

Tuy khó khăn, nhưng ngành Lâm nghiệp xác định, ngoài việc xử lý theo quy định, công tác tuyên truyền, phố biến Luật Lâm nghiệp đến với người dân là nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để việc quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.

Mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có văn bản chỉ đạo các đơn vị kiểm lâm tăng cường kiểm soát, rà soát các vùng trọng điểm, tụ điểm khai thác, mua bán, tàng trữ, chế biến lâm sản, săn bắt, mua, bán động vật rừng. Cơ quan chức năng cần xác định các tuyến đường vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái pháp luật từ đó có kế hoạch triển khai xử lý hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Các hạt kiểm lâm ở vùng giáp ranh tổ chức tuần tra, kiểm tra, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật; xây dựng kế hoạch chủ động thông tin phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng cường công tác bảo vệ rừng.

“Chúng tôi hoan nghênh tinh thần bảo vệ môi trường và động vật hoang dã của người dân, khi phát hiện và giao nộp cho lực lượng kiểm lâm xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định công tác tuyên truyền là một trong những phương pháp hiệu quả nhất hiện nay, từng bước giúp người dân nâng cao nhận thức, chung tay bảo vệ rừng và môi trường sống của nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong năm 2024 đơn vị này tiếp nhận 7 cá thể động vật hoang dã do cá nhân tự nguyện giao nộp cho Nhà nước và lập hồ sơ xử lý 1 vụ vi phạm về hành vi tàng trữ động vật rừng với số lượng 12 cá thể (chim cắt).

NGÔ NHẬT

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/324744/chung-tay-bao-ton-dong-vat-hoang-da.html