Chung tay bảo vệ bản quyền trên môi trường số

Việt Nam và Hàn Quốc vừa phối hợp tổ chức diễn đàn 'Chính sách bản quyền trên môi trường số và phương án hợp tác'. Tại diễn đàn, nhiều giải pháp bảo vệ bản quyền của Hàn Quốc được nêu ra có ý nghĩa tham khảo đối với tình hình phát triển sáng tạo trên môi trường số của Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, nhiều bạn đọc sẵn sàng trả phí để nghe sách nói. Ảnh: MINH HOÀNG

Hiện nay, nhiều bạn đọc sẵn sàng trả phí để nghe sách nói. Ảnh: MINH HOÀNG

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Bà Lee Ha Young, Phó trưởng Phòng Hợp tác thương mại văn hóa (Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc), cho biết, quá trình quốc tế hóa, tinh vi hóa việc lưu hành nội dung bất hợp pháp khiến chuyện xem trộm đang ngày càng lan rộng.

Trong bối cảnh đó, Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc hợp tác với các bộ, ngành liên quan công bố chính sách phòng chống việc lưu hành bất hợp pháp nội dung số (gọi tắt là K-content). Chính sách này đi kèm với các biện pháp cụ thể, gồm: Ứng phó nhanh và nghiêm chỉnh; Hợp tác quốc tế; Điều tra khoa học; Thay đổi nhận thức.

Tuy nhiên, một trong những động thái tích cực, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ bản quyền chính là việc thành lập Bảo tàng Bản quyền Quốc gia Hàn Quốc, được đặt tại thành phố Jinju, tỉnh Gyeongnam.

Bảo tàng được thành lập vào ngày 22-11-2023, gồm 5 không gian: Phát hiện bản quyền trong cuộc sống hàng ngày; Hiểu về bản quyền; Trải nghiệm và sử dụng tác phẩm; Không gian sáng tác; Nhận thức về tầm quan trọng của bản quyền. Ngoài 5 không gian này, bảo tàng còn có các tiện nghi khác như phòng học, thư viện, kho tư liệu…

Hiện tại, Bảo tàng Bản quyền Quốc gia Hàn Quốc lưu trữ 839 tài liệu, được sắp xếp thành các nhóm chủ đề khác nhau. Tuy nhiên, theo bà Lee Ha Young, mục tiêu chính của bảo tàng không phải là trưng bày các tài liệu mà là để du khách có thể trải nghiệm những vấn đề liên quan đến bản quyền. Khách tham quan có thể trực tiếp sử dụng tác phẩm, sáng tác và đăng ký bản quyền.

“Thông qua các hoạt động này, khách tham quan sẽ có trải nghiệm và cảm giác trở thành tác giả. Và khi đó, họ cũng sẽ cảm nhận được những quyền lợi chính đáng của mình. Từ đó, giúp họ nhận thức được rằng, mọi người cần phải tôn trọng bản quyền”, bà Lee Ha Young nói.

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Hàn Quốc hiện đang có những hỗ trợ rất lớn cho Việt Nam trong các hoạt động, đặc biệt là trong vấn đề bản quyền.

“Các nội dung của Hàn Quốc đã được khai thác và sử dụng rất nhiều tại Việt Nam, nhất là nội dung số liên quan đến các tác phẩm văn học nghệ thuật. Ngược lại, văn hóa của Việt Nam cũng được khai thác rất nhiều ở thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh việc chia sẻ thông tin về mặt pháp lý, thực tiễn thì Việt Nam và Hàn Quốc có thể hợp tác với nhau trong việc khai thác, thực thi và bảo vệ bản quyền, cùng nhau xử lý các vấn đề vi phạm bản quyền, đặc biệt là trên môi trường số”, bà Kim Oanh thông tin.

Chúng ta đã là thành viên của các hiệp ước quốc tế về bản quyền, mỗi hiệp ước có gần 200 quốc gia thành viên. Chính vì vậy, trong môi trường số rất cần sự hợp tác để có thể cùng nhau thực thi, và chúng ta cũng sẽ được bảo vệ ở mỗi quốc gia thành viên đó.

Bà PHẠM THỊ KIM OANH, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả

Những chuyển biến tích cực

Không riêng gì Việt Nam và Hàn Quốc, bản quyền trên môi trường số đang là vấn đề nhức nhối của không ít quốc gia trên thế giới. Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng mỗi quốc gia mà cần sự chung tay hợp tác giữa các quốc gia với nhau.

Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 8 Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, gồm: Berne (2004), Geneva (2005), Brussels (2006), Rome (2007), TRIPs (2007), WCT (2022), WPPT (2022) và Marrakesh (2023). Cùng với đó, hành lang pháp lý cũng dần được hoàn thiện, bám sát với thực tiễn đời sống. Nhờ vậy, vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số tại Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực.

 Hướng dẫn bạn đọc sử dụng sách nói Voiz FM

Hướng dẫn bạn đọc sử dụng sách nói Voiz FM

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, đến năm 2022, toàn bộ số tiền thu được từ âm nhạc trực tuyến trên thế giới vào khoảng 26,2 tỷ USD, chiếm hơn 80% số tiền từ âm nhạc nói chung. Nếu so sánh với năm 1999, doanh thu từ âm nhạc vật lý chiếm đến hơn 95% thì rõ ràng, tình hình hiện nay đã thay đổi hoàn toàn.

“Theo số liệu của Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam, thì 80% số tiền thu được của đơn vị này đến từ âm nhạc trực tuyến. Trung bình một người Việt Nam chi trả 1 USD/năm (khoảng 25.000 đồng) cho việc nghe nhạc trực tuyến. Con số trên mặc dù chưa lớn nhưng cho thấy, người Việt Nam bắt đầu có thói quen trả tiền để nghe nhạc”, luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ.

Ở lĩnh vực xuất bản, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất bản phẩm điện tử, cũng đang có những chuyển biến tích cực.

Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, tính đến hết năm 2023, có 24/57 nhà xuất bản tham gia xuất bản và phát hành điện tử (tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2022), chiếm 42,1% tổng số nhà xuất bản. Trong năm 2023, xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 4.000 xuất bản phẩm (tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2022) với ước tính khoảng 36.000 bản (tăng 11%). Doanh thu từ hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử đạt hơn 9 tỷ đồng, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. Một số đơn vị có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên như Nhà xuất bản Trẻ (1,2 tỷ đồng), Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam (3,1 tỷ đồng), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (1 tỷ đồng), Nhà xuất bản Hà Nội (1 tỷ đồng).

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Kim Oanh cho rằng, dù vấn đề hành lang pháp lý đã được hoàn thiện hơn, ý thức của mọi người được nâng cao hơn nhưng thực tế vẫn còn không ít xâm phạm xảy ra, đặc biệt là trên môi trường số. Nhiều người vẫn có thói quen dùng miễn phí, hay lợi dụng môi trường số để thu lợi. Để giải quyết vấn đề này, cần sự chung tay hợp tác cùng rất nhiều giải pháp đồng thời để thực thi.

“Phải tiếp tục nâng cao về mặt nhận thức, đặc biệt là sự chủ động của các chủ thể quyền. Trong môi trường số, cần áp dụng các biện pháp công nghệ để có thể theo dõi, khai thác, sử dụng và trả bản quyền một cách công khai, minh bạch”, bà Kim Oanh bày tỏ.

Thông tin từ Cục Bản quyền tác giả cho biết: Theo số liệu khảo sát của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền thì tại Hoa Kỳ đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP và ở Hàn Quốc là 9,89% GDP; tại Trung Quốc đóng góp này chiếm khoảng 7,35% GDP, ở Malaysia là 5,7% và ở Thái Lan là 4,48% GDP.

Tại Việt Nam, qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số liệu có sự sụt giảm, chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022, các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng, ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Những số liệu này cho thấy việc bảo hộ hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chung-tay-bao-ve-ban-quyen-tren-moi-truong-so-post733132.html