Chung tay bảo vệ môi trường Thủ đô
6 năm triển khai thi hành, Luật Thủ đô đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển kinh tế -xã hội nói chung, trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của Thủ đô nói riêng. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác BVMT ở Thủ đô hiện cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Tại Hội thảo thực trạng tổng quan công tác BVMT trên địa bàn TP và kiến nghị một số giải pháp thực hiện, đề xuất sửa đổi bổ sung Điều 14 Luật Thủ đô do Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường tổ chức mới đây, nhiều ý kiến của đại diện lãnh đạo các Sở ngành, các giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia trong lĩnh vực BVMT đã đề xuất cần có các giải pháp căn cơ cũng như cơ chế đặc thù cho Thủ đô trong lĩnh vực này.
“Khoảng trống” chính sách
Báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường cho hay, 5 năm qua (từ 2015 đến 6 tháng đầu năm 2019, Sở cùng các cơ quan quản lý về BVMT, CA TP đã tiến hành thanh tra, kiểm tra khoảng hơn 11.000 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, dự án, y tế. Trên cơ sở đó đã giải quyết kịp, trình cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BVMT, tài nguyên nước đối với hơn 4.000 cơ sở, vụ vi phạm với tổng mức xử lý trên 65 tỷ đồng.
Theo ông Mai Trọng Thái – Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, ý thức BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học của người dân chưa cao. Tình trạng đổ rác thải phế thải không đúng nơi quy định vẫn xảy ra, nhất là phế liệu xây dựng. Trong khi TP đang quá trình đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng chung cư cao tầng dày, tỷ lệ nhập cư vào TP tăng nhanh, rất khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa có ý thức chấp hành Luật BVMT, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản; không đầu tư xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm. Tại các làng nghề, việc xử lý nước thải rất khó khăn, chưa hiệu quả do việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải còn hạn chế. Hầu hết hộ sản xuất tại làng nghề có quy mô nhỏ, tự phát nên khó khăn trong vấn đề đầu tư kinh phí cho xử lý nước thải…
Hiện “lượng nước thải sinh hoạt được xử lý tại các nhà máy/ trạm xử lý tập trung trên địa bàn TP mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 30% nhu cầu xử lý nước thải. Do đó, ô nhiễm môi trường nước, nhất là tại đầu nguồn, trong khu dân cư, khu đô thị chưa được cải thiện rõ rệt”, ông Mai Trọng Thái thông tin.
Các ý kiến cũng cho hay, Luật BVMT và Luật Thủ đô chưa có quy định về chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường, nhất là cơ chế, chính sách hỗ trợ để di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành. Điều này phần nào làm giảm hiệu quả công tác BVMT ở Thủ đô.
Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường Thủ đô
Đề xuất giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVMT ở Thủ đô, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho rằng, việc xây dựng xử lý nước thải cho một cụm công nghiệp là yêu cầu bắt buộc. Bởi một hệ thống xử lý nước thải tập trung được xây dựng để xử lý một khối lượng nước thải cùng loại của nhiều cơ sở sản xuất sẽ tiết kiệm nhiều hơn từ chi phí xây dựng, thi công đến vận hành và bảo dưỡng hệ thống này.
Đối với cụm công nghiệp có sản xuất với nguy cơ gây độc hại cần thiết kế các vùng đất ngập nước hồ chứa nhân tạo để xử lý nước thải của mình theo phương pháp sinh học. Tuy nhiên, các nhà máy đơn lẻ phải lắp đặt công nghệ tiền xử lý để bảo vệ tính nhất thể và sự hoạt động ổn định của hệ thống đất ngập nước này.
Cũng theo góp ý của Sở Công thương Hà Nội, ban quản lý các cụm công nghiệp cần xây dựng và đầu tư nâng cấp năng lực hoạt động của hệ thống quan trắc môi trường của cụm công nghiệp. Thông qua hệ thống quan trắc môi trường này có thể đánh giá kịp thời, chính xác và kiểm sát được chặt chẽ tình trạng chất lượng môi trường cũng như mức độ ô nhiễm môi trường không khí, nước, mùi, tiếng ồn, trong khu và tác động của nó đối với vụng kế cận. Từ đó có giải pháp kỹ thuật xử lý kịp thời có hiệu quả, đảm bảo chất lượng môi trường nói chung.
Về mặt thể chế, Sở Công thương Hà Nội đề xuất bổ sung thêm nội dung quy định đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp, nhất là các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong nội đô như sau:
“Nghiêm cấm các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp có hành vi xả nước thải, khí thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra ngoài môi trường. Các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong nội đô phải xây dựng kế hoạch di dời sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp”. Cùng với đó đề xuất sửa quy định “xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường” tại khoản 2 Điều 14 Luật Thủ đô thành “xả chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường”.
Đại diện Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cũng kiến nghị UBND TP xem xét, quy định một số cơ chế đặc thù trong công tác BVMT. Cụ thể như đối với các dự án về nước thải, chất thải rắn đô thị trong khi nguồn vốn đầu tư của TP còn hạn chế và không thể đáp ứng ngay trong thời gian ngắn, có thể nghiên cứu áp dụng cơ chế chỉ định thầu… Ngoài ra, áp dụng hệ thống kiểm soát ô nhiễm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp các DN lớn, các khu vực làng nghề của Hà Nội. Hạn chế cấp phép đầu tư cho một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh trong khu vực trung tâm đô thị. Từng bước điều tiết các ngành nghề sản xuất cho phù hợp với khả năng chịu tải của đô thị, hạn chế ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực trong TP như hiện nay.
Sở Tài nguyên và môi trường cũng kiến nghị quy định mức xử phạt riêng đủ mạnh đối với một số hành vi vi phạm về BVMT như đổ trộm rác thải xây dựng, phân bùn bể phốt, chất thải nguy hại, không đầu tư hệ thống xử lý nước thải…
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chung-tay-bao-ve-moi-truong-thu-do-168652.html