Chung tay bảo vệ san hô Hòn Yến
Tác phẩm “Hoa biển” chụp san hô ở Hòn Yến của NSNA Dương Thanh Xuân. Ảnh: DTX
Bảo vệ san hô, bảo vệ môi trường biển là yêu cầu bức thiết hiện nay. Trong số nhiều vùng biển có rạn san hô ở Phú Yên, thì khu vực danh thắng quốc gia Hòn Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) đang cần được bảo vệ khẩn cấp.
Kỳ 1: Du khách hiếu kỳ, san hô gãy vỡ
Khác với các vùng san hô khác, rạn san hô khu vực Hòn Yến rất đẹp và phong phú về chủng loại, là dạng san hô nước cạn, khi thủy triều rút có thể lộ hoàn toàn lên mặt nước. Điều này khiến nhiều người hiếu kỳ, bởi không cần lặn biển vẫn có thể tiếp xúc được san hô. Tuy nhiên, đây lại là yếu tố bất lợi cho việc bảo vệ, bảo tồn san hô và các loài sinh vật biển ở danh thắng quốc gia này.
Giẫm đạp san hô để check-in
Theo ông Huỳnh Hữu Minh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa Hải, mùa hè, từ khoảng tháng 3 đến tháng 7 âm lịch, theo con nước thủy triều, cứ vào ngày trước và sau ngày đầu tháng, ngày trước và sau rằm là thời điểm nước thủy triều rút cạn đáy vào buổi chiều. Lúc này, rạn san hô mắc cạn lộ thiên, nhiều loài thủy sinh kẹt lại trong những hốc nước. Đây cũng là thời gian cao điểm các du khách, nhiếp ảnh gia ở khắp nơi tập trung, lội trực tiếp xuống nước lấp xấp để khám phá san hô, chụp ảnh. “Và cứ vào mùa nhiều khách du lịch đến với Hòn Yến, địa phương vừa mừng, lại vừa lo cho công tác bảo vệ rạn san hô”, ông Minh nói.
Thời điểm này không khó để bắt gặp những nhóm du khách hiếu kỳ, tò mò muốn tận mắt chứng kiến, tận tay sờ vào cành san hô sống, chạm vào các loại sinh vật biển bị mắc kẹt khi nước cạn để chụp những bức ảnh khoe lên mạng xã hội… Bên cạnh đó cũng có không ít người là dân chơi ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh mong muốn tìm được những góc chụp san hô cùng sinh vật biển mắc cạn với Hòn Yến phía xa xa để có bức ảnh nghệ thuật giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên. Vậy nhưng, chính những bước chân chen lấn, những hành động lội xuống nước để chụp được những bức ảnh như vậy đã vô tình giẫm đạp không thương tiếc lên các rạn san hô non nớt, yếu mềm. Đây là tác nhân khiến san hô Hòn Yến bị hủy hoại, xâm hại nghiêm trọng.
Ông Trương Tấn Lai, Bí thư chi bộ thôn Nhơn Hội (xã An Hòa Hải), đồng thời là đại diện Tổ hợp tác bảo vệ rạn san hô Hòn Yến cho biết vào mùa hè, những ngày thủy triều rút, các thành viên của tổ tăng cường túc trực, đi quanh khu vực giăng phao bù để tuyên truyền, nhắc nhở du khách không trực tiếp lội xuống nước để vui đùa, chụp ảnh với san hô. Bên cạnh đó, hơn 1 năm nay, khi triển khai dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến do Quỹ Môi trường toàn cầu, chương trình các dự án nhỏ tại Việt Nam thuộc chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tài trợ - ông và các tình nguyện viên trong tổ hợp tác đều thường trực, tuần tra, tuyên truyền, nhắc nhở không cho khách vào khu vực bảo vệ san hô.
“Đặc biệt, chúng tôi kiên quyết không cho những người tự xưng là nghệ sĩ nhiếp ảnh, bloger, facebooker, youtuber du lịch quay phim, chụp ảnh san hô để quảng bá du lịch địa phương. Biết rằng mọi người mong muốn có những bức ảnh đẹp, đoạn video ấn tượng, nhưng nhìn những rạn san hô bị gãy nát, hủy hoại, chúng tôi thấy đau lòng. Ưu tiên hàng đầu lúc này là bảo vệ rạn san hô, bảo vệ môi trường”, ông Lai nhấn mạnh.
Ảnh hưởng đến môi trường
Cách đây không lâu, dư luận phẫn nộ, lên án mạnh mẽ hình ảnh người đàn ông nằm lên rạn san hô, vớt sao biển để chụp ảnh, tại một bãi biển ở Việt Nam. Bức ảnh được đăng trên trang thông tin của Bảo tàng Hải dương học với lời kêu gọi: “Sinh vật biển nói chung, rạn san hô cũng như sao biển nói riêng đều chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những hành động như du khách này ở Phú Yên. Các bạn thân mến, tham quan du lịch là nhu cầu thiết yếu của từng cá nhân. Tuy nhiên, việc làm như thế này cần phải lên án mạnh mẽ”.
Theo chủ nhân của bức ảnh, ông đăng vì “muốn cảnh báo, thu hút sự quan tâm của mọi người về thực trạng san hô bị tàn phá ở Hòn Yến…”. Nhưng dù giải thích thế nào về mục đích, động cơ chụp - đăng bức ảnh thì hành vi nằm đè trên rạn san hô là không thể chấp nhận.
Còn nhớ năm 2019, gameshow Cuộc đua kỳ thú phát trên Đài truyền hình VTV3 cũng bị lên án vì đặt bê tông lên trên rạn san hô sống. Chưa hết, các thành viên đội chơi còn trực tiếp cầm sao biển, hải sâm… trên tay. Điều này đã khiến nhiều người cảm thấy tức giận, phản ứng. Ban tổ chức và ê kíp chương trình sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi, đồng thời xin rút kinh nghiệm sâu sắc.
Theo TS Hoàng Xuân Bền, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, việc giẫm đạp, nằm, ngồi… lên san hô là rất không nên vì hành động này vô tình làm gãy, trầy xước, tổn thương san hô. Trong các khu bảo tồn, hành vi này là không được phép, thậm chí đáng lên án. Nếu ngoài các khu bảo tồn thì hành vi này cũng không nên vì khiến san hô gãy vỡ, rất khó phục hồi.
Kỳ cuối: Tăng cường năng lực cộng đồng trong việc bảo tồn san hô
Quần thể Hòn Yến được Bộ VH-TT-DL công nhận Di tích danh thắng quốc gia vào tháng 4/2018. Ngay khi được công nhận, lãnh đạo tỉnh, ngành Du lịch và địa phương đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ rạn san hô tuyệt đẹp nơi đây. Hòn Yến có 17 loài san hô sinh sống, vì là san hô nước cạn, gần bờ nên dễ bị xâm hại nghiêm trọng bởi con người.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/377/280398/chung-tay-bao-ve-san-ho-hon-yen.html