Chung tay bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng
Năm 2022, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết 9 vụ khiếu nại của NTD, tổng giá trị hàng hóa được giải quyết gần 800 triệu đồng.
Trong năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Tại khu vực Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có vai trò là trung tâm, liên kết, điều phối vùng, vì vậy, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng càng được ngành công thương tỉnh chú trọng, mang lại lợi ích tiêu dùng và thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định. Ông Nguyễn Văn Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Thưa ông, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Đắk lắk thời gian qua được thực hiện ra sao? Sở Công Thương tỉnh đã tiếp nhận bao nhiêu phản ánh khiếu nại về vấn đề này và giải quyết ra sao?
Năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới. Hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa và dịch vụ cũng trở lại ổn định so với các năm trước dịch. Trong điều kiện đó, người tiêu dùng cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã có thể thực hiện mua sắm nhộn nhịp và sử dụng dịch vụ đa dạng. Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vẫn được triển khai, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn kịp thời, với những nội dung về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và các chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp nhận, tư vấn giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng,...
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động nhưng chúng tôi cố gắng triển khai thực hiện tốt quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Năm 2022, Văn phòng Tư vấn và giải quyết khiếu nại - Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giải quyết khiếu nại đã tiếp nhận, giải quyết và tư vấn giải quyết 9 vụ khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ qua các vụ khiếu nại là khoảng gần 800 triệu đồng, người tiêu dùng đã được hỗ trợ thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Các vụ khiếu nại đã được Văn phòng Tư vấn và giải quyết khiếu nại hướng dẫn theo trình tự quy định để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Theo ông, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh gặp những khó khăn gì?
Với sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, sự phát triển các hình thức kinh doanh mới, đặc biệt là thương mại điện tử, các quy định hiện hành đã có nhiều bất cập, hành lang pháp lý chưa theo kịp sự phát triển của hình thức kinh doanh mới.
Mặc dù nhận thức của người tiêu dùng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã từng bước được nâng lên, tuy nhiên vẫn chưa triệt để, tình trạng mua hàng không lấy hóa đơn, không xem xét xuất xứ hàng hóa, không xem hạn sử dụng sản phẩm, chủ yếu là mua hàng với giá rẻ, mẫu mã đẹp mà không quan tâm đến chất lượng hàng hóa… vẫn còn nhiều. Ngay cả khi phát hiện mình bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng cũng ngại khiếu kiện, nên chấp nhận thua thiệt, từ đó dễ bị các nhà sản xuất, kinh doanh bất chính lợi dụng, xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng… Một số doanh nghiệp còn chạy theo lợi nhuận, chưa quan tâm đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng dẫn đến vẫn còn sự tranh chấp, khiếu nại của người tiêu dùng với doanh nghiệp...
Trong thời gian tới sau khi dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi được Quốc hội thông qua, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan phù hợp được sửa đổi sẽ là căn cứ để triển khai tốt hơn công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nói riêng cũng như của cả nước nói chung.
Thời gian tới, với chức năng nhiệm vụ của mình, Sở có kế hoạch cụ thể nào đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thưa ông?
Thời gian tới, Sở tập trung thực hiện các nội dung công tác trọng tâm nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước như sau:
Triển khai tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng hàng năm;
Tiếp tục công tác tuyên truyền, giới thiệu hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, phổ biến Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các chủ trương chính sách của nhà nước về tiêu dùng;
Phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát thị trường, cảnh báo cho người tiêu dùng lưu ý thận trọng khi mua sắm hàng hóa. Chú trọng nắm diễn biến thị trường trong các dịp tập trung mua sắm của người tiêu dùng đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và các dịp lễ hội, hội chợ;
Tăng cường công tác trực, tiếp nhận, tư vấn giải quyết các vụ khiếu nại phát sinh của người tiêu dùng. Ưu tiên tập trung giải quyết các vụ khiếu nại về chất lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ và cam kết bảo hành sản phẩm của các cơ sở kinh doanh nhà sản xuất;
Tổ chức sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã được Bộ Công Thương cung cấp về trang thiết bị để thực hiện vận hành tổng đài 18006838 về giải đáp thắc mắc, tư vấn bảo vệ người tiêu dùng nhằm phục vụ người tiêu dùng khu vực miền Trung Tây Nguyên;
Tiếp tục triển khai lồng ghép hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Với chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2023 là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, Sở Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có triển khai hoạt động nào, thưa ông?
Thực hiện Kế hoạch số 5763/BCT-CT ngày 27/9/2022 của Bộ Công Thương và Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 4/11/2022 của UBND tỉnh về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023.
Với chủ đề: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh triển khai các hoạt động tuyên truyền thiết thực như: Tổ chức tuyên truyền trên băng rôn, khẩu hiệu tại một số tuyến đường trung tâm các huyện, thị xã, thành phố; tăng cường đưa tin, bài tuyên truyền về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên báo đài, các phương tiện truyền thông; tiếp tục thực hiện quy trình tiếp nhận, tư vấn và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng qua Tổng đài 1800.6838 (tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng)…