Chung tay chăm lo, bảo vệ trẻ em

Nhằm tạo sân chơi bổ ích cho trẻ, tỉnh Long An huy động nguồn lực tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện.

Phòng, chống tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em

Những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường, bạo hành, đuối nước, xâm hại tình dục trẻ em liên tục xảy ra. Đây là nỗi bức xúc của xã hội, nỗi lo lắng của phụ huynh và những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 50 vụ trẻ em bị xâm hại, bạo lực; 11 trường hợp trẻ em tử vong do bị đuối nước. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tình hình thực tế ở địa phương. Xác định được tầm quan trọng của công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, xâm hại, bạo lực trẻ em, các cấp, các ngành đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, đặc biệt quan tâm đến phát huy vai trò của gia đình trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Theo đó, các cấp, các ngành đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước; hành vi, phương thức, thủ đoạn xâm hại, bạo lực ở trẻ em; Luật Trẻ em; cách phòng, chống tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em,... Qua đó, nhận thức của phụ huynh ngày càng nâng lên, nhất là hiểu được sự tổn thương về thể chất và tinh thần khi trẻ phải đối mặt với xâm hại, bạo lực.

Em Nguyễn Lê Phúc Bảo (hàng đầu) luôn được chị Lê Thị Hằng Như tạo điều kiện tham gia các trò chơi vận động và được giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế tai nạn, thương tích

Em Nguyễn Lê Phúc Bảo (hàng đầu) luôn được chị Lê Thị Hằng Như tạo điều kiện tham gia các trò chơi vận động và được giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế tai nạn, thương tích

Chị Lê Thị Hằng Như (phường 6, TP.Tân An) chia sẻ: “Tôi thường hướng dẫn con gái nhận biết các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể; đồng thời, nhắc nhở con không nhận bất cứ tiền, quà, sự giúp đỡ nào của người khác mà không rõ lý do; không tiếp xúc với người lạ khi ở một mình;... Còn đối với con trai, tôi tạo điều kiện cho con tham gia các trò chơi vận động cùng bạn bè trong xóm nhưng luôn quan sát nhằm tránh tình trạng trẻ hiếu động, tinh nghịch dẫn đến tai nạn, thương tích”.

Vào mùa hè, Long An nói riêng, cả nước nói chung thường xảy ra các vụ trẻ em tử vong do đuối nước. Nguyên nhân các vụ đuối nước ở trẻ là người lớn lơ là, bất cẩn; trẻ đi tắm sông nhưng không có người lớn trông coi;... Trước tình trạng này, các địa phương trong tỉnh chủ động tổ chức nhiều lớp phổ cập bơi cho trẻ.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Đước - Lê Hoàng Vũ cho biết: “Hiện toàn huyện có 7 hồ bơi, trong đó, 6 hồ bơi tư nhân và 1 hồ bơi được xây dựng từ ngân sách nhà nước. Năm 2022, huyện được chọn làm điểm thực hiện dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn huyện”. Trong đó, huyện chọn 3 xã: Tân Ân, Long Sơn và Long Trạch làm điểm. Năm 2022, huyện mở được 20 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em, mỗi lớp 20 em tham gia. Dự kiến, năm 2023, huyện mở ít nhất 20 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em; kêu gọi các hồ bơi tư nhân tiếp tục mở các lớp phổ cập bơi cho trẻ”.

Em Nguyễn Ngọc Gia Hân (bên phải) có sân chơi lành mạnh, bổ ích nhờ tham gia học bơi

Em Nguyễn Ngọc Gia Hân (bên phải) có sân chơi lành mạnh, bổ ích nhờ tham gia học bơi

Hồ bơi Ánh Xuân (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) là điểm đến lý tưởng cho trẻ mỗi khi mùa hè về. Em Nguyễn Ngọc Gia Hân (10 tuổi, ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) nói: “Hè này, em được gia đình đưa đến hồ bơi Ánh Xuân học bơi. Sau 10 buổi học, em đã bơi được một số kiểu. Em rất mừng khi biết bơi, vì rất sợ bị đuối nước”.

Được biết, tháng 6/2016, hồ bơi Ánh Xuân đưa vào hoạt động với diện tích trên 1.200m2, chia thành 2 hồ (hồ trẻ em và hồ người lớn). Mùa hè, trung bình, hồ bơi đón trên 200 lượt trẻ đến vui chơi hoặc tập bơi. Nhằm đáp ứng nhu cầu học bơi cho trẻ, hồ bơi mời 6 giảng viên dạy bơi và bố trí 2 cứu hộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra an toàn tại các hồ bơi.

Huy động nhiều nguồn lực chăm lo cho trẻ em

Theo Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em có 9 nhóm quyền cơ bản, gồm: Được khai sinh và có quốc tịch; được chăm sóc, nuôi dưỡng; được sống chung với cha mẹ; được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể nhân phẩm và danh dự; được chăm sóc sức khỏe; được học tập; được vui chơi, giải trí hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, du lịch; được phát triển năng khiếu; có tài sản. Tuy nhiên, việc thực hiện các nhóm quyền của trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội chưa được quan tâm đúng mức; còn nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa, biên giới đang gặp nhiều khó khăn trong học tập, vui chơi, giải trí vì hoàn cảnh gia đình; các điểm vui chơi chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em; các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Xuất phát từ thực tế trên, tỉnh huy động nhiều nguồn lực chăm lo đời vật chất và tinh thần cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nhân các dịp lễ, tết, đầu năm học mới. Em Nguyễn Thị Trúc Linh (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ) cho hay: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mẹ em phải đi làm việc xa nhà, lâu lâu mới về thăm. Sau khi mẹ đi, hai chị em được bà ngoại đón về chăm sóc. Tuy nhiên, nhà bà ngoại em rất nghèo, không có đủ tiền lo chi phí cho hai chị em đi học. May mắn, tụi em nhận được quà như quần, áo, sách, vở, nhu yếu phẩm, xe đạp, học bổng từ các cô, chú mạnh thường quân. Qua đó, giúp gia đình vơi bớt phần nào khó khăn, hai chị em được cắp sách đến trường”.

Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tuổi trẻ trong tỉnh chủ động tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa với các chuyên đề như chăm sóc sức khỏe, xử lý tình huống khẩn cấp, sinh hoạt tập thể, cảm xúc yêu thương, rèn luyện đạo đức,... Còn các cấp Đoàn, Hội, Đội tại cơ sở tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 365.106 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 18%), trong đó, 2.830 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 12.426 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Để thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trong Tháng hành động Vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa đề nghị các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là việc triển khai, thực hiện Luật Trẻ em; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm để lắng nghe tiếng nói của trẻ em; tổ chức rà soát, nắm chắc số liệu về trẻ em, huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em; cần có sự phối hợp đồng bộ nhằm giúp trẻ em được tiếp cận các dịch vụ xã hội,...

Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, bởi trẻ em hôm nay chính là thế giới ngày mai. Tin rằng, với sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh, trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, vững vàng hơn trong cuộc sống./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chung-tay-cham-lo-bao-ve-tre-em-a157141.html