Chung tay chăm sóc sức khỏe người dân

Với vai trò nòng cốt trong hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe (CSSK) cộng đồng, các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần cùng toàn xã hội CSSK cho người dân, đặc biệt là người thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin và người tàn tật tỉnh cùng các bác sĩ tình nguyện đến khám, tư vấn sức khỏe và tặng thuốc tại nhà cho ông Nguyễn Đình Sang, thôn Vân Giữa, xã Vân Hội, huyện Tam Dương. Ảnh: Kim Ly

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin và người tàn tật tỉnh cùng các bác sĩ tình nguyện đến khám, tư vấn sức khỏe và tặng thuốc tại nhà cho ông Nguyễn Đình Sang, thôn Vân Giữa, xã Vân Hội, huyện Tam Dương. Ảnh: Kim Ly

Nhiều hoạt động thiết thực

Để làm tốt công tác CSSK người dân, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên (TNV) về hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo và CSSK cộng đồng.

Hội CTĐ tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp khám, chữa bệnh nhân đạo và CSSK cộng đồng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2017-2020 với sự tham gia của đại diện 16 sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.

Hội CTĐ tỉnh được giao là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh được giao làm Trưởng ban. Hằng năm, Hội CTĐ tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch khám, chữa bệnh nhân đạo và CSSK cộng đồng, chỉ đạo Hội CTĐ các huyện, thành phố chủ động phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, an toàn giao thông...

Qua đó, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực và sự tham gia ủng hộ của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo và CSSK cộng đồng.

Hội CTĐ tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị như Bệnh viện Quân Y 109, Bệnh viện K74 Trung ương, Viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh… tổ chức các hoạt động khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho người dân. Trong 5 năm (2016-2021), Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức khám, tuyên truyền, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, duy trì các hoạt động CSSK tại nhà cho gần 115.000 lượt người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, với trị giá hơn 9,34 tỷ đồng; hỗ trợ phẫu thuật thay thủy tinh thể, phẫu thuật tim cho 36 bệnh nhân, trị giá hơn 900 triệu đồng; khám sàng lọc để phẫu thuật chỉnh hình cho người khuyết tật, rà soát dị tật cho hơn 1.000 người.

Trong đợt khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật trên địa bàn huyện Tam Dương gần đây do Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin và người tàn tật tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Đình Sang, thôn Vân Giữa, xã Vân Hội thuộc đối tượng được khám bệnh, nhưng do ông mới bị tai biến, sức khỏe yếu nên không thể đến khám. Trước tình hình đó, cán bộ của trung tâm và các y, bác sĩ TNV đã trực tiếp đến tận nhà để khám sức khỏe tổng thể và phát thuốc cho ông.

Ông Sang chia sẻ: “Đã nhiều lần tham gia chương trình khám, tư vấn sức khỏe, tôi rất xúc động. Lần này do sức khỏe yếu không thể đi lại được, tôi vẫn được các bác sĩ đến tận nhà thăm khám và tặng quà, điều đó làm tôi rất phấn khởi vì được động viên kịp thời khi ốm đau”.

Góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Hội CTĐ tỉnh còn thường xuyên duy trì hoạt động của các đội y, bác sĩ tình nguyện, chốt sơ cấp cứu cộng đồng, đội xe ôm tình nguyện… Hệ thống sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng được quan tâm và phát triển góp phần giảm nguy cơ tử vong và di chứng do tai nạn thương tích gây ra cho người dân.

Hội CTĐ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sơ cấp cứu ban đầu, đẩy mạnh tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho các TNV. Trong 3 năm (2017-2020), Hội CTĐ tỉnh tổ chức 15 lớp tập huấn, cho hơn 800 người là TNV CTĐ, giáo viên, lái xe ôm, lái xe taxi… của 9 huyện, thành phố.

Riêng năm 2021, Hội CTĐ tỉnh đã chủ động phối hợp với Trung tâm Đào tạo cán bộ Hội CTĐ Việt Nam tổ chức các khóa huấn luyện cho 9 tập huấn viên sơ cấp cứu CTĐ là những y sĩ, bác sĩ, dược sĩ của hội về 24 kỹ thuật sơ cấp cứu nâng cao để sơ cấp cứu người gặp tai nạn thường gặp trong cuộc sống. Từ năm 2017 đến nay, đã sơ cấp cứu cho 90 người bị tai nạn giao thông, đuối nước.

Mô hình “Bếp ăn tình thương” được duy trì đều đặn, thường xuyên tại các cơ sở y tế, các bệnh viện. Trong nhiệm kỳ, toàn hội đã cấp hơn 821 nghìn suất ăn miễn phí, trị giá 11,68 tỷ đồng nhằm giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị bệnh viện, cơ sở y tế.

Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Lê Văn Long cho biết: “Công tác CSSK nhân dân dựa vào cộng đồng là 1 trong 7 lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Hội CTĐ. Đối tượng mà hội tập trung hỗ trợ chủ yếu là người cao tuổi, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật...

Thời gian tới, để hoạt động được triển khai hiệu quả hơn nữa, tiếp tục cần sự chung tay của các cấp, các ngành trong việc vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ kịp thời. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”.

Diệu Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/72341/chung-tay-cham-soc-suc-khoe-nguoi-dan.html