Chung tay cùng nông dân khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3

Cơn bão số 3 đổ bộ khiến bà con nông dân bị thiệt hại nặng nề, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập sâu. Những cây chuối gãy gập đôi thân, những buồng chuối non đổ gục, hay những quả bưởi đang đến ngày thu hoạch bị rụng la liệt…. chỉ còn lại khung cảnh tan hoang trên những cánh đồng, mảnh vườn và tiếng thở dài của người nông dân nhìn bao công sức tan theo mưa bão.

“Trắng tay” sau bão

Mặc dù đã được Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo bão số 3 là cơn bão mạnh, người dân đã chủ động chằng chống cây trồng, vật nuôi bằng mọi cách, nhưng khi đổ bộ, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, người nông dân chỉ biết lặng nhìn bao mồ hôi, công sức tan tành theo bão.

Nhiều vườn chuối đang cho buồng tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì bị tàn phá nặng nề sau cơn bão số 3.

Nhiều vườn chuối đang cho buồng tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì bị tàn phá nặng nề sau cơn bão số 3.

“Người nông dân trắng tay sau bão” là những lời tâm sự đau đến xé lòng khi chúng tôi ghé thăm vườn chuối của gia đình bà Nguyễn Thị Tuất (người dân tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì). Trước khi bão đổ bộ vào, gia đình bà đã chằng chống cẩn thận, nhưng sau đêm 7/9, nhà cửa, ruộng vườn, cây cối đều bị tàn phá nặng nề. “Chỉ sau một đêm, cơn bão đã khiến hầu hết vườn chuối của nông dân trong xã bị đổ gục hoàn toàn, thời tiết năm nay rất khắc nghiệt”, bà Tuất chia sẻ.

Những nải chuối vẫn còn xanh non nằm lăn trên mặt đất và thân chuối đổ gục, không đau lòng sao được khi người dân đã dành bao tâm huyết, thời gian, mồ hôi, công sức để chăm bón cho từng cây, từng quả trong vườn. Còn khoảng 5 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, gia đình bà Tuất cũng như mọi người nông dân sẽ thu về “thành quả” khi đưa những buồng chuối đẹp ra tiêu thụ thị trường với mức giá dự kiến khoảng 250.000 - 300.000 đồng/buồng.

Tương tự gia đình bà Tuất, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì) cũng bị thiệt hại ước tính khoảng vài chục triệu đồng vì hơn 500 gốc chuối đã đổ gục hoàn toàn. “Khi cây chuối bị đổ gãy, nông dân chúng tôi chỉ biết chặt bỏ”, ông Thắng buồn bã cho biết.

Bà Nguyễn Thị Tuất thẫn thờ bên những buồng chuối đã bị đổ gục của gia đình

Bà Nguyễn Thị Tuất thẫn thờ bên những buồng chuối đã bị đổ gục của gia đình

Cùng cảnh ngộ sau bão, hiện đang chuyên canh khoảng 5 sào trồng cây bưởi diễn tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, ông Nguyễn Văn Hậu chia sẻ: “Năm nay bưởi diễn được mùa, những quả bưởi có dáng tròn đều, mã sáng sẽ được người dân ưa chuộng và mua về thắp hương hoặc mua mang đi biếu vào dịp Tết Nguyên đán. Thế nhưng sau trận mưa bão vừa qua, vườn bưởi nhà tôi bị thiệt hại nặng nề, quả rụng gần hết, gốc cây chìm sâu trong nước”.

Sống tại khu vực ngoài đê, nằm bên bờ sông Tích Giang, gia đình bà Hoàng Thị Hoa (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) nhấp nhổm, lòng như lửa đốt khi hai ao cá của gia đình bà đã chìm trong nước, số phận đàn trâu cũng rất mong manh. Mấy bao thóc trong kho của bà dù đã được vận chuyển lên nhà cho an toàn, nhưng thóc vẫn bị ẩm mốc. Cả gia tài của vợ chồng bà Hoa là mấy con bò, con trâu, mấy nghìn con vịt và hai ao cá đang lênh đênh giữa dòng nước lũ.

Bà Hoàng Thị Ký (xã Cấn Hữu, Quốc Oai) cho biết, mưa lớn kéo dài khiến cả xóm Bến Vôi ngập lụt, đàn gà của gia đình bà vì ngấm nước mà bị chết dần. Những ngày nước lũ ngập cao, bà phải kê thêm các tấm gỗ, chằng chống để dựng tạm một chuồng, mong cứu vớt được số gà ít ỏi còn lại. Không chỉ thiệt hại về vật nuôi, bà Ký còn gần như mất trắng khi số thóc mới thu hoạch đã ngập hết, lương thực còn sót lại của bà là vài cân gạo, mỳ tôm và đồ khô.

Kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Thủ đô, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, tính đến ngày 15/9, trên địa bàn Thành phố, diện tích canh tác nông nghiệp bị ngập khoảng 24.031ha; lúa đầy nước 3.464ha; lúa ngập sâu 8.868ha; lúa bị đổ 11.019ha; thủy sản 137ha; cây ăn quả 187ha; rau màu mùa vụ 356ha…

Riêng tại huyện Quốc Oai, tính đến 17 giờ ngày 15/9, toàn huyện có 568ha lúa bị đổ; 255ha lúa bị ngập; 36ha rau màu bị ngập; 105ha diện tích thủy sản bị ngập; 9.884 con gia cầm bị chết, thất lạc.

Hình ảnh vườn chuối bị đổ gục, ngập sâu trong nước khiến nhiều người xót xa.

Hình ảnh vườn chuối bị đổ gục, ngập sâu trong nước khiến nhiều người xót xa.

Tan hoang, đổ nát, bộn bề, mất trắng là những thứ còn lại trên những mảnh ruộng, bờ ao sau bão. Còn xót xa, lo lắng là tâm trạng chung của những người nông dân khi bất lực nhìn tài sản mình bỏ công trồng trọt, chăm sóc bị cuốn đi sau một ngày đêm giông bão. Vẫn biết làm nông nghiệp luôn phải chấp nhận những rủi ro từ thiên nhiên, song những người nông dân vẫn luôn cần sự giúp đỡ hỗ trợ của địa phương, cơ quan chức năng để vững tin làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Trước những hậu quả nặng nề mà cơn bão số 3 để lại, nhằm chung tay cùng người dân từng bước khắc phục hậu quả sau mưa bão, thể hiện tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, thời gian vừa qua, các ban ngành, đoàn thể và người dân cả nước đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, đồng sức đồng lòng, cùng nhau ủng hộ cho người dân vùng ngập lụt. Để giúp bà con nông dân khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, giảm bớt thiệt hại về kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn Thành phố và những cá nhân đã phát động hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp bà con nông dân.

Với tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ khẩn trương, ngay sau khi chương trình giải cứu được phát động, nhiều lực lượng như thanh niên, Công an đã chung tay giúp người dân thu hoạch, vận chuyển đến điểm tập kết, kịp thời tiêu thụ, giúp giảm thiệt hại về kinh tế cũng như đẩy nhanh tiến độ cải tạo, khôi phục lại diện tích sản xuất bị thiệt hại.

Hành động giải cứu nông sản không chỉ giúp người nông dân giảm bớt khó khăn mà còn có ý nghĩa tinh thần to lớn. Đó là những hình ảnh đẹp sau cơn bão dữ, góp phần phát huy truyền thống tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta trong lúc khó khăn.

N.Hoài - N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chung-tay-cung-nong-dan-khac-phuc-hau-qua-sau-con-bao-so-3-177513.html