Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn trên địa bàn biên giới

Mặc dù tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng giảm so với những năm trước đây, tuy nhiên, vấn nạn này vẫn chưa thể chấm dứt, để lại nhiều hệ lụy ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP vẫn đang nỗ lực triển khai các giải pháp để đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đồng thời, hỗ trợ nhân dân xây dựng cuộc sống mới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai, BĐBP Quảng Bình tổ chức tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn bằng mô hình “Tiếng loa Biên phòng”. Ảnh: Châu Thành

Cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai, BĐBP Quảng Bình tổ chức tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn bằng mô hình “Tiếng loa Biên phòng”. Ảnh: Châu Thành

Khu vực biên giới thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chủ yếu có địa hình đồi núi cao, khí hậu khắc nghiệt, là địa bàn định cư chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như Rục, Sách, Mày... Nhìn chung, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, có một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn duy trì những phong tục, tập quán lạc hậu trong cuộc sống, sinh hoạt. Trong đó, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn diễn ra khá phổ biến. Theo số liệu từ UBND huyện Minh Hóa, trong năm 2021, trên địa bàn các xã biên giới của huyện vẫn còn tồn tại 19 cặp nam nữ chưa được chính quyền địa phương cấp Giấy chứng nhận kết hôn vì chưa đủ tuổi pháp luật quy định.

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tập trung chủ yếu vào đối tượng thanh niên nghèo, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, không có cơ hội đến trường, ít giao tiếp với xã hội. Phần lớn các cặp đôi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không nắm vững kiến thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nên không thực hiện các biện pháp tránh thai, dẫn tới có thai trước hôn nhân khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Bên cạnh đó, tảo hôn cũng xảy ra ở những đối tượng là học sinh. Những người có hành vi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật, mà đang kéo theo nhiều hệ lụy khác cho bản thân, gia đình và xã hội. Trong đó, ảnh hưởng lớn đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phát triển kinh tế-xã hội địa phương...

Ngoài ra, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tác động đến chất lượng nòi giống, cuộc sống, tâm sinh lý, thể chất trẻ em. Kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật và hôn nhân cận huyết thống sẽ sinh ra một thế hệ kế thừa còi cọc, suy dinh dưỡng, khả năng chống chọi với bệnh tật kém nên dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo.

Thời gian qua, huyện Minh Hóa đã triển khai các biện pháp để hạn chế, tiến tới ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tại các xã biên giới, UBND huyện Minh Hóa tăng cường mỗi xã 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch đạt chuẩn. Những cán bộ công chức trên đồng thời trở thành tuyên truyền viên tích cực, phối hợp với BĐBP, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, cán bộ thôn bản, người có uy tín... để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, chú trọng đến đối tượng thanh niên trẻ, phụ nữ trong độ tuổi chuẩn bị lập gia đình.

Các nội dung tuyên truyền gồm: Nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng tránh thai cho phụ nữ, nam giới, trẻ vị thành niên tại cộng đồng bản làng. Những nội dung thông tin này cũng được dạy học ngoại khóa cho học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn.

Bên cạnh đó, huyện Minh Hóa nỗ lực thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả mô hình các câu lạc bộ gia đình và pháp luật, dân số - kế hoạch hóa gia đình tại 15 thôn, bản của 4 xã biên giới, bảo đảm tư vấn, can thiệp kịp thời trong phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chính quyền địa phương cũng chú trọng xây dựng các mô hình hỗ trợ pháp lý ban đầu tại cộng đồng nhằm hỗ trợ kiến thức pháp luật, hôn nhân, dân số - kế hoạch hóa gia đình ngay tại thôn, bản; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngay từ cơ sở thôn, bản; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Các xã cũng tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín để đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... vào hương ước, quy ước thôn, bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xử lý các trường hợp vi phạm, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và BĐBP cũng chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào, hạn chế sự xâm nhập các luồng văn hóa xấu, độc vào đời sống nhân dân.

Trung tá Lê Quang Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ra Mai, BĐBP Quảng Bình cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Trong đó, chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cùng với công tác tuyên truyền, chúng tôi cũng chú trọng giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống”.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đồng thời, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên, sẽ góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở khu vực biên giới. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cùng với BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chung-tay-day-lui-nan-tao-hon-tren-dia-ban-bien-gioi-post449206.html