Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

Phú Yên đang đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm rác thải nhựa. Nhằm ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường do sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy gây ra, các cấp Hội LHPN Phú Yên đã và đang tích cực triển khai các giải pháp để chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Báo Phú Yên ghi nhận một số ý kiến tâm huyết về vấn đề này.

CHỊ NGUYỄN THỊ PHƯƠNG LIÊN, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI LHPN TỈNH: Tích cực triển khai các hoạt động, giải pháp

Môi trường là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, cuộc sống và hệ sinh thái. Nhận thức vai trò quan trọng của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, từ nhiều năm nay, các cấp Hội LHPN tỉnh đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho hội viên, phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường. Các cấp hội đã và đang nỗ lực triển khai các hoạt động tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ sử dụng các sản phẩm dễ tiêu hủy, thân thiện với môi trường; hạn chế việc sử dụng túi ni lông, phân loại rác tại nguồn, tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; thành lập các mô hình CLB Phụ nữ nói không với túi ni lông; phụ nữ đi chợ bằng giỏ... Đồng thời thành lập các CLB Biển xanh - Làm sạch bờ biển ở các xã, phường vùng ven biển của huyện Tuy An, TP Tuy Hòa và TX Đông Hòa.

Mới đây, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức tập huấn truyền thông giảm thiểu - phân loại rác tại nguồn cho các thành viên nòng cốt của hội. Thông qua đó, chúng tôi muốn kêu gọi phụ nữ và mọi người nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để giảm thiểu sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần, cùng tham gia các hoạt động thực hành giảm nhựa, thực hành tiêu dùng xanh, hạn chế rác thải nhựa…

Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường, hệ sinh thái gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường cho người dân và các hộ kinh doanh, buôn bán. Những mô hình hay sẽ được các cấp hội nhân rộng.

CHỊ NGUYỄN THU TRANG, QUẢN LÝ ĐÔ THỊ GIẢM NHỰA CỦA WWF TẠI VIỆT NAM: Phụ nữ có vai trò quan trọng trong hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa

Với mục tiêu xây dựng tương lai đáng sống cho chúng ta và thế hệ mai sau, trong đó con người và thiên nhiên có thể chung sống hài hòa, từ năm 2018 đến nay, rác thải nhựa đã trở thành chủ đề trọng tâm làm việc của WWF quốc tế cũng như WWF tại Việt Nam. Trong đó, chương trình đô thị giảm nhựa là một sáng kiến của WWF được triển khai trên toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai chương trình này trên 10 địa phương, trong đó có Phú Yên.

Phú Yên là một trong những tỉnh, thành đi đầu trong việc tham gia chương trình này và là đô thị thứ hai trong cả nước đăng ký cam kết trở thành đô thị giảm nhựa. Chúng tôi xác định hội LHPN là một trong những đối tác chính để đồng hành cùng WWF triển khai các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa ở địa phương. Vì phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, bởi họ là người trực tiếp đi chợ, chăm sóc con cái; xử lý nguồn rác thải trong gia đình. Hoạt động đầu tiên mà chúng tôi triển khai là tập huấn nguồn cho các thành viên nòng cốt của các cấp hội LHPN về kỹ năng truyền thông và kiến thức phân loại rác.

Tiếp theo, chúng tôi làm thí điểm mô hình phân loại rác và ủ phân compost tại hộ gia đình, phối hợp cùng Sở TN-MT, UBND TP Tuy Hòa tổ chức truyền thông phân loại rác tại chợ phường 7, khuyến khích nữ tiểu thương phân loại rác, thu gom riêng rác hữu cơ tại chợ và thực hiện ủ rác tại bãi rác… Những hoạt động này nhằm quản lý, phân loại rác thải tại nguồn, giảm tải cho các bãi rác, hạn chế việc ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

CHỊ NGUYỄN TRẦN LÊ UYÊN, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI LHPN HUYỆN SƠN HÒA: Nâng cao nhận thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Đến nay, 11/11 hội LHPN xã, thị trấn đăng ký với cấp ủy, chính quyền thực hiện công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với các hoạt động như: ra quân dọn vệ sinh các tuyến đường của các xã, thị trấn, thành lập các nhóm dọn vệ sinh các tuyến đường liên thôn, xây dựng các đoạn đường xanh sạch đẹp, các mô hình phụ nữ thu gom rác thải, hạn chế sử dụng túi ni lông, vận động phụ nữ giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi, đúng thời gian quy định...

Hội LHPN huyện cũng hướng dẫn các cơ sở hội trong quá trình hội họp không sử dụng chai nhựa khi uống nước, hạn chế việc sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời thành lập các mô hình phòng chống rác thải nhựa như: “Hãy nói không với chai lọ nhựa” (xã Suối Trai), “Dùng giỏ nhựa đi chợ” (xã Sơn Hội), “Phân rác tại nguồn” (xã Sơn Long); “Xây dựng đoạn đường xanh, sạch, đẹp” (xã Suối Bạc)...

Với đặc thù là huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vì vậy công tác vận động phụ nữ địa phương thực hiện bảo vệ môi trường gặp không ít khó khăn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chị em chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, thực hiện phân loại rác tại nguồn, vận động chị em tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm; làm chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm cách xa nhà ở, đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới địa phương.

CHỊ NGUYỄN THỊ MINH THỦY, CHỦ TỊCH HỘI LHPN PHƯỜNG PHÚ ĐÔNG (TP TUY HÒA): Chung tay làm sạch môi trường biển

Hội LHPN phường Phú Đông rất quan tâm đến việc phân loại rác thải nhựa trên địa bàn dân cư, bởi những tác hại, ảnh hưởng của nó đến môi trường và sức khỏe con người. Ngoài truyền thông nhóm thông qua hình thức tuyên truyền sân khấu hóa tổ chức vào các ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và Phụ nữ Việt Nam 20/10, chúng tôi còn tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi hội cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn; vận động các chi hội thu gom rác thải đưa về nơi tập kết.

Ngoài ra, thường trực hội đã chỉ đạo chị em trong CLB Biển xanh - Làm sạch bờ biển ra quân dọn vệ sinh dọc bờ biển, thu gom xốp thải từ các ghe thuyền đánh lưới trôi dạt; thu gom túi ni lông, các hộp xốp nhựa đựng thức ăn của các quán bán đồ ăn vặt ven biển. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho hội viên, phụ nữ cũng như chủ một số quán ăn và bà con nhân dân trên địa bàn phường.

Đặc biệt, sau khi tham gia tập huấn về công tác phân loại rác thải tại nguồn do Hội LHPN tỉnh phối hợp với WWF tổ chức, tôi càng nhận thức rõ hơn về những tác hại của rác thải nhựa đến môi trường. Tôi nghĩ cần phải kịp thời ngăn chặn, nâng cao nhận thức và ý thức trong toàn thể hội viên, phụ nữ về vấn đề này. Qua đó giúp chị em hiểu, biết rõ hơn về tác hại của rác thải nhựa, cũng như vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc phân loại rác thải tại nguồn, chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ tương lai cho chính chúng ta và cả cộng đồng.

Phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc chung tay giảm thiểu rác thải nhựa vì một môi trường xanh sạch đẹp, an toàn và bền vững cho hôm nay và cả thế hệ mai sau.

NGỌC DUNG (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/268325/chung-tay-giam-thieu-rac-thai-nhua.html