Chung tay, góp sức xây thế vững biên cương Tổ quốc

Kế thừa, phát huy truyền thống của dân tộc và quán triệt quan điểm 'Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng', Đảng, Nhà nước ta đã quyết định lấy Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) 3-3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân (BPTD).

Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) xác định: “Xây dựng nền BPTD và thế trận BPTD vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc”. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống BĐBP, 35 năm Ngày BPTD, Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân về nội dung này.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn công tác tới thăm, chúc Tết, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy (BĐBP tỉnh Nghệ An), ngày 17-1-2024. Ảnh: THÀNH DUY

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn công tác tới thăm, chúc Tết, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy (BĐBP tỉnh Nghệ An), ngày 17-1-2024. Ảnh: THÀNH DUY

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, việc lấy Ngày truyền thống của BĐBP là Ngày BPTD có ý nghĩa như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn: Việc thống nhất lấy Ngày truyền thống của BĐBP là Ngày BPTD có ý nghĩa rất sâu sắc, là vấn đề có tính chiến lược, khẳng định sức mạnh bảo vệ biên giới là sức mạnh tổng hợp và trách nhiệm của toàn dân tộc, đặt ra yêu cầu xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG vững mạnh, rộng khắp, trong đó, nhân dân là chủ thể, LLVT nhân dân là nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách. Trách nhiệm xây dựng nền BPTD và thế trận BPTD là của cả hệ thống chính trị. Để Ngày BPTD thực sự phát huy hiệu quả, từ đầu năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ tư lệnh BĐBP đã ban hành kế hoạch phối hợp tổ chức Ngày hội BPTD với tinh thần “Tất cả hướng về biên giới, hải đảo”.

Thực tế cho thấy, Ngày BPTD 3-3 hằng năm được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú, mang ý nghĩa thiết thực đã thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, nhất là ở khu vực biên giới. Qua đó, nhận thức và trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG được nâng lên rõ rệt; tình cảm và tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đối với BĐBP nói riêng, Quân đội nói chung ngày càng sâu sắc, bền chặt, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn.

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn.

PV: Chúng ta đạt được những kết quả nổi bật gì trong xây dựng nền BPTD và thế trận BPTD, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn: Những năm qua, BĐBP luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, nhất là thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ biên phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, BGQG, giữ vững an ninh, trật tự và phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các thế lực thù địch, tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới...

Đầu năm 2015, Bộ tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG trong tình hình mới. Đây là chủ trương lớn, khẳng định rõ vai trò nòng cốt, chuyên trách của BĐBP, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và vai trò của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG.

Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trao thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Chuyên án A3-124p đấu tranh chống tội phạm ma túy (5-1-2024). Ảnh: HÙNG KHOA

Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trao thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Chuyên án A3-124p đấu tranh chống tội phạm ma túy (5-1-2024). Ảnh: HÙNG KHOA

Qua 35 năm thực hiện Ngày BPTD, khu vực biên giới đã từng bước phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh; phòng tuyến nhân dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới ngày càng vững mạnh. Các cuộc vận động hướng về biên giới, hải đảo được triển khai rộng khắp trong cả nước, huy động được nguồn lực to lớn giúp đỡ các địa phương khu vực biên giới và các đơn vị BĐBP. Kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc ở biên giới, hải đảo khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới. Đến nay, 100% thôn, bản biên giới thành lập tổ tự quản an ninh, trật tự, nhân dân tự nguyện đăng ký tự quản đường biên giới, mốc quốc giới; thành lập hơn 3.000 tổ tàu, thuyền an toàn, đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo và hơn 500 bến bãi an toàn... góp phần xây dựng nền BPTD, thế trận BPTD vững chắc.

PV: Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, đồng chí có thể chia sẻ những việc BĐBP triển khai để góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ biên giới?

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi luôn xác định “Vững biên cương phải từ thế trận lòng dân”. Do đó, BĐBP đã thực hiện tốt phương châm “3 bám” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách) và “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) để thường xuyên phối hợp chặt chẽ và tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai các giải pháp xây dựng nền BPTD, thế trận BPTD; chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện biên giới; đề xuất quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở khu vực biên giới gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh; chủ động, tích cực tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn... Qua đó tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân, xây dựng vùng biên ngày càng vững mạnh, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” bảo vệ biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tà Lùng (BĐBP tỉnh Cao Bằng) hướng dẫn người dân về chủ quyền lãnh thổ, đường biên, cột mốc. Ảnh: CHU ANH

Cán bộ Đồn Biên phòng Tà Lùng (BĐBP tỉnh Cao Bằng) hướng dẫn người dân về chủ quyền lãnh thổ, đường biên, cột mốc. Ảnh: CHU ANH

Hướng dẫn người dân kê khai thủ tục biên phòng tại Cửa khẩu quốc tế Kim Thành II (Lào Cai). Ảnh: CHU ANH

Hướng dẫn người dân kê khai thủ tục biên phòng tại Cửa khẩu quốc tế Kim Thành II (Lào Cai). Ảnh: CHU ANH

Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình, mô hình hướng về biên giới, hải đảo, đem lại hiệu quả thiết thực. Chương trình “Mái ấm biên cương” xây tặng gần 10.000 căn nhà và hàng trăm công trình dân sinh; Chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới” đã trao hơn 30.000 con bò giống; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” huy động gần 300 tỷ đồng hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình... Đặc biệt, Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng” suốt gần 10 năm qua đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ hơn 3.000 học sinh và trực tiếp nuôi dưỡng gần 400 cháu tại các đồn biên phòng, được Bộ Quốc phòng tiếp tục triển khai trong toàn quân thông qua Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”.

Điểm nổi bật là những năm gần đây, BĐBP đã thống nhất với cấp ủy địa phương tăng cường hơn 300 cán bộ cho các xã biên giới, hơn 150 đồng chí tham gia cấp ủy cấp huyện, hơn 500 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã, 3 đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa XV, 255 đồng chí đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; cử hơn 2.000 đảng viên tham gia sinh hoạt ở gần 1.900 chi bộ thôn, bản và phân công gần 10.000 đảng viên phụ trách hơn 40.000 hộ gia đình, trực tiếp giúp đỡ bà con xóa đói, giảm nghèo... BĐBP còn lựa chọn và bồi dưỡng chiến sĩ biên phòng để tạo nguồn cán bộ tại chỗ cho địa phương; đến nay, toàn Đảng bộ BĐBP đã kết nạp được hơn 4.000 đảng viên là chiến sĩ nghĩa vụ, hơn 1.000 đồng chí sau khi xuất ngũ đã trở thành cán bộ cơ sở ở địa bàn biên giới.

PV: Việc xây dựng “thế trận lòng dân” nơi biên giới là vô cùng quan trọng, luôn được BĐBP chú trọng thực hiện. Theo đồng chí, chúng ta cần làm gì để xây dựng “thế trận lòng dân” nơi biên giới thực sự vững chắc trong tình hình mới?

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn: Những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo xây dựng khu vực biên giới, nhưng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết, văn hóa, tập quán... nên đây vẫn là địa bàn chậm phát triển về kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Các thế lực thù địch, phản động không ngừng chống phá hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; hoạt động tôn giáo trái pháp luật, buôn lậu, các loại tội phạm phức tạp... ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.

Việc nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh là yếu tố cơ bản quyết định sự vững mạnh của “thế trận lòng dân” nơi biên giới. BĐBP đã và đang tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”; chú trọng triển khai nhân rộng các phong trào, mô hình củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế-xã hội với những cách làm mới, đáp ứng được tình hình thực tế, nhất là những mô hình, cách làm nhằm nâng cao trình độ nhận thức và tạo việc làm cho đồng bào, để đồng bào ổn định cuộc sống bền vững.

Đề nghị Đảng, Nhà nước, các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa cho khu vực biên giới. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chúng ta cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, nhất là các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chăm lo, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, phát triển giáo dục, y tế... đặc biệt là tạo việc làm để bà con yên tâm an cư, vững vàng bám trụ và tích cực tham gia bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh giúp bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) thu hoạch lúa. Ảnh: THANH GIANG

Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh giúp bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) thu hoạch lúa. Ảnh: THANH GIANG

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Khoai (Cà Mau) tuần tra, kiểm soát trên biển. Ảnh: LÊ KHOA

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Khoai (Cà Mau) tuần tra, kiểm soát trên biển. Ảnh: LÊ KHOA

PV: Thưa đồng chí, nhân Ngày truyền thống của BĐBP và Ngày BPTD, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP có thông điệp gì muốn nhắn gửi?

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn: Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương, cùng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội. Đặc biệt, toàn lực lượng BĐBP luôn tri ân sâu sắc sự yêu thương, đùm bọc, ủng hộ, giúp đỡ tận tình của nhân dân cả nước và đồng bào các dân tộc vùng biên giới trong suốt những năm qua.

Cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Lóng Sập (Sơn La) trong giờ dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc trên địa bàn. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Lóng Sập (Sơn La) trong giờ dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc trên địa bàn. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP đóng quân và làm nhiệm vụ ở địa bàn nhiều khó khăn, vất vả, song luôn xác định tốt tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong tình hình mới, BĐBP tiếp tục nêu cao trách nhiệm, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG; xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho BĐBP và xứng đáng với truyền thống vẻ vang mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã dày công vun đắp.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã không ngừng phấn đấu, hy sinh, lập nhiều chiến công và thành tích vẻ vang. Bộ đội Biên phòng 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; được tặng thưởng Huân chương Sao vàng; 3 Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Độc lập; 3 Huân chương Quân công; 3 Huân chương Lao động; 156 lượt tập thể và 67 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân, lực lượng Bộ đội Biên phòng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

HUY QUANG - CHU ANH (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chung-tay-gop-suc-xay-the-vung-bien-cuong-to-quoc-766919