Chung tay hỗ trợ giúp đồng bào miền núi Nghệ An vượt qua lũ dữ
Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão, từ ngày 21 đến sáng 23/7, trên địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An liên tục xảy ra mưa to đến rất to, nước lũ lên nhanh đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của nhân dân. Nhiều khu vực, bản làng bị cô lập do nước lũ bao vây với mực nước sâu, cao điểm có nơi sâu đến hơn 3m.

Người dân di chuyển trong vùng ngập lụt.
Nhằm sớm giúp đồng bào các dân tộc trong vùng thiên tai vượt qua khó khăn, hoạn nạn, đảm bảo cao nhất tính mạng, tài sản cho nhân dân, các lực lượng chức năng đang ngày đêm chung tay triển khai những việc làm đầy trách nhiệm, thể hiện tính nhân văn cao cả, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.
Bộ đội biên phòng “kích hoạt” tinh thần xung kích trên tuyến đầu
Tại địa bàn biên giới xã Nhôn Mai, sáng sớm ngày 23/7 trời đã ngớt mưa. Tuy nhiên, hậu quả của lũ dữ vẫn hằn nguyên trên các bản làng. Thống kê sơ bộ trên địa bàn toàn xã có hơn 20 bản bị cô lập hoàn toàn do các tuyến đường bị sạt lở, nước lũ ngập sâu trong nhiều giờ. Đặc biệt, tuyến Quốc lộ 6 huyết mạch đi qua địa bàn bị chia cắt tại nhiều điểm. Chỉ tính riêng tại bản Nhôn Mai có 5 ngôi nhà bị sạt lở, 4 nhà bị cuốn trôi và 6 nhà có nguy cơ cao tiếp tục sạt lở.
Ngay từ sáng sớm, lực lượng Bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Nhôn Mai (Bộ đội biên phòng Nghệ An) đã thiết lập các tổ, đội trực tiếp xuống địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng công an, dân quân, người dân địa phương giúp các hộ bị ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất đá di dời đến nơi an toàn; chủ động phòng ngừa rủi ro tiếp theo.

Người dân dùng thuyền để di chuyển trong vùng ngập lụt.
Thống kê trên toàn tuyến biên giới gần 470 km, mưa lũ đã làm sập và cuốn trôi nhiều ngôi nhà, hàng trăm hộ dân ở các xã biên giới như Nhôn Mai, Mỹ Lý, Thông Thụ, Tri Lễ phải di dời đến nơi an toàn, phòng tránh các nguy cơ ngập lụt, sạt lở, sụt trượt đất đá, vách núi... Nhiều trường học, trạm y tế, chuồng trại và công trình hạ tầng bị hư hỏng nghiêm trọng.
Thượng tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An) cho biết: Những ngày qua, bất kể đêm ngày, thời tiết mưa gió, bất lợi song đơn vị đã huy động tối đa lực lượng tham gia giúp nhân khắc phục hậu quả, di chuyển đồ đạc, vật dụng và người dân đến nơi an toàn; tìm kiếm nạn nhân mất tích trên địa bàn. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ai cũng quyết tâm cao độ với tinh thần sẵn sàng, khẩn trương, an toàn. Trong sáng ngày 23/7, đơn vị tiếp tục hỗ trợ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Tình trạng ngập lụt gây nên những xáo trộn, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Mỗi ngày, trong lúc khó khăn hoạn nạn, người dân đều cảm thấy an tâm, tin tưởng khi được cán bộ, chiến sĩ biên phòng trực tiếp đến động viên, thăm hỏi, chia sẻ khó khăn và tham gia hỗ trợ giúp dân nhanh chóng vượt qua hậu quả của mưa lũ, thiên tai.
Chị Vi Thị Hòa, bản Cầu Tám, xã Mường Xén, không giấu được xúc động cho biết: Mưa lũ đến nhanh, bất ngờ đã cuốn trôi hết cả đồ đạc, nhà cửa bị ảnh hưởng nhiều lắm. May mắn là những ngày qua có các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng vượt đường xa xôi, hiểm trở đến giúp gia đình.
Tại Đồn Biên phòng Tam Quang, Đồn biên phòng Thông Thụ, lực lượng biên phòng đã hỗ trợ sơ tán dân khi nước lũ tiếp tục lên; cùng các lực lượng tích cực vận động nhân dân rời khỏi vùng nguy hiểm, phòng ngừa sạt lở đất và lũ ống.
Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết, trong những ngày qua, đơn vị đã thành lập các đoàn công tác tiền phương đến những điểm xung yếu trên các địa bàn trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó, cứu hộ và khắc phục hậu quả. Các đồn biên phòng duy trì quân số ứng trực 24/24, sẵn sàng giúp dân bất cứ hoàn cảnh nào. Các đơn vị trên tuyến biên giới vẫn bám sát cơ sở, phối hợp địa phương giúp dân ổn định tình hình, không để bị động, bất ngờ.
Niềm hạnh phúc trên những chuyến ca-nô vượt điểm ngập

Các lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an xã Con Cuông hỗ trợ đưa đón người dân qua các điểm ngập sâu trên Quốc lộ 7.
Chiều 23/7, nước lũ trên sông Lam tiếp tục dâng cao do lượng nước ồ ạt từ thượng nguồn đổ về. Hàng chục ngôi nhà ở xã Con Cuông ven bờ sông Lam đã bị ngập lại càng ngập nặng hơn. Mực nước ngập có nơi sâu gần 4m. Người dân tiếp tục di chuyển đồ đạc, vật nuôi lên chỗ cao hơn, an toàn. Đồng thời kết bè mảng bằng thân nứa, dùng thuyền nhỏ để di chuyển trong khu vực ngập lụt. Nhiều gia đình có nhà bị ngập sâu đã di chuyển đến nhà làng xóm ở chỗ cao để tá túc, sinh hoạt.
Điểm ngập trên tuyến Quốc lộ 7 tại bản xóm Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông càng dâng cao, dòng chảy xiết, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khó lường đối với người và phương tiện đi qua. Cũng trong chiều 23/7, nhiều người dân lao động địa phương, sinh viên công tác, học tập ở các tỉnh miền xuôi khi trở về quê nhà để thăm thân, thăm gia đình đều bị điểm ngập này “chặn lối”. Không ít người trong tâm trạng nôn nóng, sốt ruột, lo âu vì không biết hiện trạng ngập lụt tại gia đình ở phía bên kia điểm ngập ra sao.
Thấu hiểu và sẻ chia với người dân, lực lượng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã điều động nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng 2 phương tiện xuồng, ca-nô và hàng chục áo phao để chở nhiều chuyến miễn phí người dân vượt qua điểm ngập.
Em Lương Thị Hoa, sinh viên trường Đại học Vinh cho biết: Suốt hành trình từ thành phố Vinh về thăm bố mẹ ở xã Con Cuông, tâm trạng của em chỉ mong sao về nhà thật nhanh để biết tình hình ngập lụt của gia đình, bố mẹ và người thân có an toàn hay không. Khi đến điểm ngập này, nhìn thấy dòng nước cuộn chảy, ngập sâu trên suốt chiều dài gần 500m, bản thân em và các bạn cùng xóm biết chắc là sẽ không thể tự thân qua nổi. Phải ngủ nhờ người dân ven đường để chờ sáng mai nước rút sẽ di chuyển qua thì không đành, vì ai cũng sốt sắng. Rất may em và mọi người đã được lực lượng chức năng giúp đỡ đưa qua điểm ngập bằng xuồng máy, ca-nô với đầy đủ áo phao bảo hộ cứu nạn.

Lực lượng thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đưa người dân qua điểm ngập trên quốc lộ 7 để về với gia đình.
Chiều xuống, tại những khu vực ngập sâu, cô lập trên địa bàn xóm Vĩnh Hoàn, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh người dân dùng thuyền nhỏ chở những thùng mỳ tôm, nước lọc, củi khô, dụng cụ bát đũa, bếp ga, chăn màn đi phát cho các gia đình bị cô lập. Trong lũ dữ, sự quan tâm giữa người với người, tình đoàn kết, nghĩa xóm làng lại được nhân lên.
Ông Lô Văn Hà, xóm Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông, người thực hiện những chuyến thuyền tiếp tế, đưa lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng ngập cho biết: "Nhà cửa của gia đình cũng bị ngập, không thể sinh hoạt được. Nhưng ở gần Quốc lộ 7 nên dễ xoay xở, có điều kiện thuận lợi hơn nhiều hộ gia đình khác bị cô lập ở khu vực xa. Những gia đình đó chồng đi làm ăn xa, trong nhà chỉ có người già, trẻ em, phụ nữ, không thể chèo thuyền đi mua lương thực, thực phẩm. Chính vì vậy nên tôi và nhiều người đã thực hiện những chuyến thuyền mang những đồ dùng thiết yếu đến cho họ. Chỉ mong sao mực nước xuống mau để người dân chúng tôi đỡ vất vả, khổ sở".

Trên tuyến Quốc lộ 7 qua địa bàn xã Tương Dương, Mường Xén, Con Cuông, có nhiều điểm ngập sâu từ 1 - 1,5m, lực lượng chức năng phải gác trực để cấm phương tiện và người dân qua lại.
Chung tay cùng các lực lượng trong việc hỗ trợ người dân ứng phó, khắc phục hậu quả nặng nề của mưa lũ, tuổi trẻ Nghệ An đã thành lập 130 đội hình thanh niên tình nguyện với hơn 1.300 đoàn viên, thanh niên trực tiếp tham gia hỗ trợ người dân tại các vùng xung yếu, ảnh hưởng nhanh chóng khắc phục hậu quả.
Bà Nguyễn Thị Phương Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai thực hiện một số nội dung quan trọng. Trọng tâm là thành lập các đội hình Thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân. Nhiệm vụ sau bão tập trung di dời người và tài sản đến nơi an toàn; phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an toàn giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường, thu dọn cây cối, vật cản trên đường sau bão; hỗ trợ khắc phục hậu quả, sửa chữa nhà cửa, công trình bị ảnh hưởng sau bão; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại.