Chung tay hoàn thiện công trình 'Đá nở hoa'

Công trình 'Đá nở hoa' được Liên đội Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị triển khai từ đầu tháng 5/2020. Dưới đôi tay khéo léo của thầy cô và các em học sinh nơi đây, những viên đá vốn xấu xí, thô kệch được 'biến hóa' thành muôn nghìn bông hoa rực rỡ với nhiều hình vẽ đa sắc màu. Thông qua mỗi thông điệp khác nhau trên 'hoa đá', mỗi ngày đến trường của các bạn học sinh là một ngày bổ ích khi được có thêm những trải nghiệm và bài học thú vị.

 Các em học sinh Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị hoàn thiện công trình “Đá nở hoa” - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Các em học sinh Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị hoàn thiện công trình “Đá nở hoa” - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Có dịp đến thăm Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị cơ sở 1 tại đường Nguyễn Trung Trực, Phường 3, thành phố Đông Hà, chúng tôi không khỏi bị thu hút bởi những viên đá cuội nhiều màu sắc được xếp đặt ngay ngắn trong các bồn hoa của nhà trường. Mỗi viên đá ở đây đều được trang trí bởi một hình vẽ khác nhau rất sinh động và bắt mắt, dưới ánh mặt trời chúng càng trở nên lấp lánh hơn. Theo lời giới thiệu của cô Tổng phụ trách Đội Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị Trần Thị Thu Hà, toàn bộ công trình “Đá nở hoa” này đều do giáo viên phụ trách, đội viên, nhi đồng của các chi đội tham gia thực hiện. Đây là công trình do Liên đội Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị triển khai nhằm chào mừng ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh 15/5 và ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5. Tuy gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng cả thầy và trò Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị đều tâm huyết với mỗi sản phẩm của chính mình.

Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị hiện có 130 em học sinh với 39 đội viên tại cả hai cơ sở. Đặc điểm của các em học sinh ở đây đa phần đều bị mắc các khuyết tật cơ thể như khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ… nên hầu như không thể triển khai nhiều hoạt động đội như ở các trường tiểu học và trung học cơ sở khác. Cô Hà cho biết: “Trước đây, liên đội trường cũng đã triển khai nhiều mô hình, công trình trong đó có mô hình “Bồn hoa em chăm” nhưng không đạt hiệu quả vì phần lớn công việc từ bón phân, nhổ cỏ, vun đất… đều do giáo viên phụ trách chi đội thực hiện. Mất nhiều thời gian chăm sóc nhưng hoa tươi lại không có độ bền cao, nhanh héo, mùa mưa xuống đất bắn lên cả sân trường, gây mất mỹ quan chung. Thế là chúng tôi nảy ra ý tưởng làm một công trình có độ bền cao hơn, ít tốn công chăm sóc hơn để thay thế. Sau khi tìm hiểu thông tin qua mạng Internet, tham khảo từ một số trường học trên toàn quốc, tập thể giáo viên phụ trách và đội viên, nhi đồng Liên đội Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị bắt tay vào thực hiện ngay công trình “Đá nở hoa””.

Đá được lấy tại các địa điểm suối của huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa. Thầy cô Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị sẽ lựa chọn kỹ từng viên đá có các đặc điểm tương đối giống nhau: dẹt, dễ vẽ và cho xe chở về trường rồi phân chia cho từng lớp, chi đội rửa sạch, phơi khô. Những viên đá “thô kệch” sau khi khô sẽ được học sinh và giáo viên mỗi lớp thực hiện vẽ hoa, tô màu vào mỗi giờ ra chơi, giờ sinh hoạt và sau 2 tiết của ngày thứ 4 hằng tuần. Thời điểm COVID - 19 còn diễn biến phức tạp, cách triển khai thực hiện công trình “Đá nở hoa” của Liên đội Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị được xem là một cách làm hay khi vừa đảm bảo giữ khoảng cách giữa học sinh các lớp, vừa hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch đề ra. Dưới bàn tay của các em học sinh Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị, nhiều hình vẽ đặc sắc về cây cỏ, hoa lá, động vật và thế giới xung quanh được hiện lên một cách sống động, đầy ấn tượng. Một số lớp còn liên hệ được với các nhóm thiện nguyện bên ngoài cùng giúp đỡ, tham gia vào hoạt động ý nghĩa này. Sau khi hoàn thành các bức vẽ “Đá nở hoa”, các em học sinh được sự hướng dẫn của giáo viên phụ trách mang đá ra các bồn hoa, sắp xếp chúng một cách trật tự, ngay ngắn. Mỗi lớp sẽ phụ trách việc giữ gìn một bồn hoa và được chấm vào điểm thi đua cho từng lớp. Vào giờ ra chơi, khi nhìn thấy các em học sinh nâng niu, trân trọng ngắm nghía những “bông hoa đá”, chúng tôi hiểu rằng các em đã dành rất nhiều công sức và tình cảm vào tác phẩm của mình. “Để có được những “bông hoa đá” rực rỡ như thế, chúng tôi đã đề xuất với nhà trường sửa sang lại các bồn hoa. Khi hoàn thành công trình này, chúng tôi đã nghĩ nhiều đến độ nguy hiểm của nó vì lỡ đâu các em có thể cầm đá ném nhau trong những giờ ra chơi nên đã đề xuất gắn keo silicon vào mặt dưới của đá”, cô Trần Thị Thu Hà cho biết thêm.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152223