Chung tay hướng về 'rốn lũ' miền Trung

Chưa kịp khắc phục xong hậu quả của đợt mưa lũ xảy ra từ ngày 5-10, người dân khu vực Trung bộ tiếp tục phải chuẩn bị tâm thế để ứng phó với đợt mưa lũ mới. Trong khi đó, các lực lượng chức năng đang chạy đua với thời gian để cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích trong vụ sạt lở đất tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) do mưa lớn đã xuất hiện trở lại.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế tặng quà người dân vùng ngập lũ. Ảnh: Ngọc Bình

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế tặng quà người dân vùng ngập lũ. Ảnh: Ngọc Bình

Miền Trung tiếp tục có mưa rất lớn

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến trưa ngày 16-10, đợt mưa lũ vừa qua tại khu vực miền Trung đã làm 55 người chết và 7 người mất tích; 649 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 168 điểm quốc lộ bị sạt lở, hư hỏng; 6 tàu vận tải bị sự cố; 4 tàu cá bị chìm. Đến 17 giờ, ngày 15-10, vẫn còn 14.937 hộ dân ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam bị ngập và có nguy cơ sạt lở đất đang phải sơ tán. Trong số đó, 14.867 hộ phải sơ tán do ngập lụt thuộc một số nơi của 7 huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; 70 hộ thuộc huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam phải di dời do nguy cơ sạt lở đất. Các địa phương khác nước đã rút, người dân đã trở về nhà. Các lực lượng chức năng đã hoàn thành việc san gạt đất, thông xe tuyến Quốc lộ 49 vào Thừa Thiên Huế và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (trên các tuyến quốc lộ và đường sắt đã hoàn toàn thông xe).

Chính quyền địa phương và người dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đang tập trung dọn vệ sinh, khôi phục sản xuất, không để dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ, đồng thời, chuẩn bị tích cực nhất để ứng phó mưa lũ sau khi áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền. Để kịp thời ổn định đời sống nhân dân, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 6.500 tấn gạo; 5,5 tấn lương khô; 20.000 thùng mỳ tôm cùng với các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Trong khi đó, các đơn vị BĐBP từ Nghệ An đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 58.881 phương tiện với 293.292 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng ngày 17-10, áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền khu vực các tỉnh Trung bộ và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Điều đáng lo ngại là hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới kết hợp với các hình thái thời tiết đang tồn tại ở khu vực Trung bộ gây mưa lớn trở lại cho khu vực này tạo nên một đợt lũ mới.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hiện có một dải hội tụ nhiệt đới bắc qua Trung Trung bộ kết hợp với không khí lạnh có cường độ khá mạnh và áp cao cận nhiệt đới gây mưa lớn diện rộng ở khu vực miền Trung. Cụ thể, từ ngày 17 đến ngày 19-10, có thể xuất hiện mưa lớn tại Hà Tĩnh, Quảng Bình với lượng mưa 400-700mm. Từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, lượng mưa từ 300-500mm, có nơi trên 500mm. Từ Đà Nẵng vào Phú Yên là 200mm. Từ ngày 16 đến ngày 21-10, trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ ở hạ lưu các sông từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, thượng nguồn các sông ở Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai có khả năng lên mức báo động (BĐ) 2 - BĐ3 và trên BĐ3; riêng các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế vượt mức BĐ3.

Bên cạnh việc giúp nhân dân dọn vệ sinh nhà cửa, khôi phục lại cuộc sống, các đơn vị BĐBP đã quyên góp, ủng hộ đưa tới từng gia đình các loại lương thực, thực phẩm để đảm bảo các hộ dân vùng ngập lũ không thiếu ăn.

Chạy đua với thời gian tìm kiếm người mất tích

Liên quan đến công tác tìm kiếm người mất liên lạc ở khu vực Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ và Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 4 và các đơn vị quân đội, huy động hơn 1.100 người, 257 phương tiện các loại và 3 chó nghiệp vụ của BĐBP để tìm kiếm. Các lực lượng cứu hộ đã tìm được 13/13 thi thể nạn nhân.

Huấn luyện viên và chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm người bị mất tích tại Tiểu khu 67. Ảnh: Ngọc Bình

Huấn luyện viên và chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm người bị mất tích tại Tiểu khu 67. Ảnh: Ngọc Bình

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quyết định truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc (sinh năm 1986), Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế và Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường (sinh năm 1991), Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80 đã dũng cảm hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3. Trước đó, ngày 15-10, 2 đồng chí Tôn Thất Bảo Phúc và Nguyễn Cảnh Cường đã được truy thăng quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá.

Lực lượng chức năng đang tiếp tục san gạt đất trên tuyến giao thông từ Tiểu khu 67 đi Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 để thực hiện tìm kiếm 16 công nhân mất tích. Trên hướng đường thủy, lực lượng chức năng tiếp tục vượt lòng hồ thủy điện Hương Điền để vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu vào khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4. Tuy nhiên, mưa lớn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác cứu hộ, cứu nạn.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chung-tay-huong-ve-ron-lu-mien-trung-post434149.html