Chung tay kéo giảm nợ tín dụng chính sách

Hiện nợ quá hạn và nợ khoanh tín dụng chính sách của tỉnh ở mức 0,21%, tương đương 11,4 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 về tín dụng chính sách. Ảnh: Huy Anh

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 về tín dụng chính sách. Ảnh: Huy Anh

Để kéo giảm tỷ lệ này, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Đồng Nai và các tổ chức chính trị - xã hội nhận vốn ủy thác đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Những món nợ lâu năm

Toàn tỉnh có gần 127 ngàn trường hợp đang vay vốn chính sách với trên 5,4 ngàn tỷ đồng. 99,9% số tiền cho vay này được ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn. Hiện 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận vốn ủy thác cho vay tín dụng chính sách thông qua 2.558 tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV), tăng 60 tổ so với đầu năm. Trong số này, có 2.181/2.558 tổ TKVV không có nợ quá hạn nhưng có đến 377 tổ TKVV có nợ quá hạn.

Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên, nợ quá hạn và nợ khoanh tín dụng chính sách của tỉnh chủ yếu do những món nợ “dắt dây” từ những năm trước đến hiện tại. Có nhiều nguyên nhân để xảy ra tình trạng này như: người vay đang thi hành án phạt tù, gia đình đã bỏ đi khỏi nơi cư trú, người vay làm ăn thua lỗ lại mắc bệnh hiểm nghèo… Điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chính sách chung của toàn tỉnh.

Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phí Thị Thu Hà cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã giảm được 117 khách hàng có món vay không phát sinh giao dịch từ 3 tháng trở lên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp nợ quá hạn tồn đọng từ nhiều năm trước nhưng chưa giải quyết dứt điểm nên gây ảnh hưởng chung kết quả hiện tại của các tổ TKVV do hội phụ nữ các cấp quản lý.

Theo Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng CSXH Việt Nam Nguyễn Mạnh Tú, thời gian qua, Đồng Nai đã bố trí 1,3 ngàn tỷ đồng từ ngân sách vào tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh. Hiện vốn địa phương của Đồng Nai chiếm 27% vốn Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai, gấp đôi bình quân của nước và đứng thứ 6 toàn quốc.

Tháo gỡ từng trường hợp cụ thể

Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của Đồng Nai tuy thấp hơn mức bình quân của cả nước nhưng một số địa phương trong tỉnh có tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh còn cao. Do vậy, việc đề ra giải pháp khắc phục cụ thể đối với từng trường hợp người vay nợ quá hạn, nợ khoanh được các đơn vị liên quan chú trọng thực hiện nhằm đưa tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của Đồng Nai xuống mức 0,14%.

Theo ông Lê Bá Chuyên, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thực hiện rà soát, lập hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đợt 1-2024 trình cấp thẩm quyền xem xét, đảm bảo quyền lợi của người nghèo và đối tượng chính sách theo đúng quy định và thể hiện đúng chất lượng tín dụng trên địa bàn với 99 món vay, số tiền gốc và lãi gần 2,5 tỷ đồng. Qua đó, UBND tỉnh đã phê duyệt cho phép khoanh nợ với 20 món vay, số tiền gốc, lãi hơn 520 triệu đồng và xóa nợ đối với 7 món vay với số tiền gốc, lãi hơn 538 triệu đồng.

Đến thời điểm này, Ngân hàng CSXH các cấp phối hợp với Công ty CP Kinh doanh nhà Đồng Nai tổ chức tư vấn, hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Đến nay, đã có 103 khách hàng được thông báo đủ điều kiện vay với số tiền 89,1 tỷ đồng.

Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hồ Thị Sự cho hay, các thành viên quản lý tổ TKVV đã phối hợp cùng đoàn thể cơ sở, cơ quan chức năng nỗ lực đeo bám để xác minh hoàn cảnh, tình trạng khó khăn của từng trường hợp cụ thể nhằm tìm ra hướng giải quyết dứt điểm. Với những trường hợp thực sự quá khó khăn không thể hoàn trả vốn chính sách, căn cứ theo quy định để có hướng hỗ trợ bà con. Tuy nhiên, với những trường hợp có tâm lý không muốn hoàn trả vốn nhà nước, các đơn vị kiên quyết thu hồi.

Song song đó, phòng giao dịch ngân hàng CSXH cấp huyện và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp quan tâm kiểm tra, đánh giá thường xuyên thực tế hoạt động của các tổ TKVV, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm củng cố, kiện toàn, sáp nhập đối với các tổ, hội đoàn thể hoạt động yếu, hoạt động không ổn định, không đạt yêu cầu. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tín dụng CSXH nhằm thông tin kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến các tổ chức, cá nhân về hoạt động tín dụng CSXH…

Văn Truyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202409/chung-tay-keo-giam-no-tin-dung-chinh-sach-b5d7aae/