Chung tay làm đổi thay thôn, bản

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay mô hình 'Xây dựng làng, bản văn hóa - quốc phòng' của Lực lượng vũ trang tỉnh Hòa Bình đã được nhân rộng ra 29 thôn, bản; góp phần giúp đồng bào ở các bản nghèo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, từng bước xây dựng đời sống văn hóa.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay mô hình “Xây dựng làng, bản văn hóa - quốc phòng” của Lực lượng vũ trang tỉnh Hòa Bình đã được nhân rộng ra 29 thôn, bản; góp phần giúp đồng bào ở các bản nghèo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, từng bước xây dựng đời sống văn hóa.

Chúng tôi cùng các cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến thăm xóm Mom, xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình (trước đây thuộc xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn). Xóm Mom có hơn 700 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mường, phần lớn làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Trước thực tế nêu trên, đầu năm 2019, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn (nay là Ban CHQS thành phố Hòa Bình) đã lựa chọn xóm Mom để triển khai mô hình “Xây dựng làng, bản văn hóa - quốc phòng”.

Đến Nhà văn hóa xóm Mom, vừa thấy xe của đoàn công tác, ông Nguyễn Xuân Lợi, Trưởng xóm Mom cùng nhiều người dân đang phơi thóc tại đây tạm dừng công việc để ra đón đoàn. Ông Lợi phấn khởi khoe: “Năm nay được mùa, nhiều gia đình trong xóm không còn chỗ phơi thóc, cho nên mang ra sân nhà văn hóa phơi nhờ. Đây là sân bê-tông do cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Kỳ Sơn giúp làm từ năm ngoái để phục vụ bà con sinh hoạt tập trung, bảo đảm rộng và sạch sẽ”. Dẫn khách vào hội trường Nhà văn hóa xóm còn vương mùi sơn mới, ông Lợi giới thiệu: Ngôi nhà này cũng vừa được cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Kỳ Sơn sửa lại, bởi trước đây tường nhà bị bong tróc, mái nhà nhiều chỗ bị dột. Nhà xuống cấp, có thời điểm khóa cửa cả tháng vì không ai ra đây hội họp. Từ ngày bộ đội mua vật liệu về trát lại tường, lợp lại mái, ốp trần nhựa và lát nền gạch hoa, làm cho ngôi nhà như được thay áo mới. Nhân dân trong xóm rất phấn khởi, mọi người đi làm đồng hay ghé qua đây ngồi nghỉ ngơi; các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ của người dân cũng diễn ra thường xuyên hơn, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết.

Là người trực tiếp chỉ huy bộ đội sửa nhà văn hóa nêu trên, Đại úy Nguyễn Thi Hào, lúc đó là Tiểu đoàn trưởng dự bị động viên Ban CHQS huyện Kỳ Sơn (nay là Phó Tham mưu trưởng Ban CHQS thành phố Hòa Bình) cho biết: Để có nguồn kinh phí mua vật liệu, đơn vị đã vận động cán bộ, nhân viên, lực lượng dân quân tự vệ và các doanh nghiệp ủng hộ. Ngoài ra, đơn vị còn huy động hàng trăm ngày công bộ đội thường trực và dân quân phối hợp nhân dân thi công liên tục gần một tháng. Bên cạnh sửa nhà văn hóa, thời gian qua đơn vị còn phối hợp giúp bà con xây cổng làng, làm đường bê-tông, trồng hoa hai bên đường, hỗ trợ một số hộ nghèo, gia đình chính sách làm sân, xây nhà vệ sinh..., góp phần giúp xóm Mom từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, được cấp ủy, chính quyền và người dân đánh giá cao.

Hiện nay, toàn bộ Ban CHQS 10 huyện, thành phố thuộc tỉnh Hòa Bình đều đang triển khai mô hình “Xây dựng làng, bản văn hóa - quốc phòng”. Trong đó, có những đơn vị kinh phí hạn hẹp, song vẫn tích cực tham gia bằng cách huy động ngày công bộ đội giúp dân làm đường giao thông, sửa nhà, hướng dẫn bà con cách chăn nuôi, trồng trọt theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp... Mỗi đơn vị một cách làm riêng, song tất cả đều hướng đến bốn mục tiêu mà mô hình xác định đó là: “làng, bản ấm no, không còn nghèo đói; sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh; gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền; làng xóm yên vui”.

Đại tá Triệu Kim Thắng, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình cho biết: Hòa Bình là tỉnh miền núi, nhân dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều bản, làng ở vùng sâu, vùng xa, cuộc sống rất khó khăn, cho nên việc xây dựng các làng, bản văn hóa - quốc phòng là cách làm sáng tạo của lực lượng vũ trang tỉnh để giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện mô hình, lực lượng vũ trang tỉnh đã phối hợp các cấp, các ngành ở địa phương nâng cấp, xây mới được tám nhà văn hóa, sáu cổng làng, tặng hai bộ thiết bị hội trường, với tổng trị giá gần 400 triệu đồng; giúp nhân dân di chuyển hơn 1.300 chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ra xa nhà ở, làm mới gần 1.300 nhà vệ sinh, đào gần 1.000 giếng nước sạch; tham gia hàng chục nghìn ngày công sửa đường giao thông, nạo vét kênh mương thủy lợi... Mô hình nêu trên đã góp phần thay đổi diện mạo ở những bản nghèo, qua đó củng cố tình đoàn kết quân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, khu vực phòng thủ vững chắc. Đồng chí cho biết, thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, khảo sát cụ thể từng bản, làng và kết hợp chặt chẽ với việc triển khai một số chương trình, đề án như 134, 135... của Chính phủ. Ban CHQS các huyện, thành phố phát huy vai trò là cơ quan trung tâm trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch; đồng thời phối hợp các cấp, các ngành để huy động nhân lực, vật lực cùng thực hiện.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/chung-tay-lam-doi-thay-thon-ban-614960/