Chung tay làm sạch môi trường mạng

Lãnh đạo, các chuyên gia ngoài việc nêu các biện pháp pháp lý, kỹ thuật... thì còn kêu gọi người dùng ý thức hơn trong việc sử dụng mạng xã hội.

Thứ trưởng Bộ TT&TT NGUYỄN THANH LÂM:

Các cơ quan truyền thông giúp phát hiện sai phạm để xử lý

Để ngăn chặn các nền tảng xuyên biên giới, các kênh xấu, độc vi phạm pháp luật Việt Nam (VN), chúng ta sẽ đi theo phương án chặn dòng tiền trên không gian mạng để không chảy về nội dung xấu, độc. Các doanh nghiệp không đưa dòng tiền của mình vào các nội dung xấu, độc.

Các nền tảng xuyên biên giới và các kênh xấu, độc đang để người xem có thể cho tặng vào các kênh có nội dung phản cảm, lệch chuẩn nên sẽ phải xem xét lại việc hợp tác từ các kênh thanh toán của VN đến các nền tảng này. Các cơ quan truyền thông sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước phát hiện sai phạm để xử lý, làm lành mạnh môi trường mạng.

Bộ TT&TT đánh giá công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng để tạo nhận thức chung của cộng đồng cùng chung tay làm sạch môi trường mạng.

................................................................

Một chuyên gia về mạng xã hội (MXH):

Có cách dọn "rác" TikTok

Không phải không có cách kiểm soát nội dung của TikTok. Bằng chứng là Douyin, phiên bản TikTok ở Trung Quốc, hoàn toàn kiểm soát nội dung độc hại.

Từ năm 2018, Douyin cấm người dùng chưa đủ tuổi tham gia livestream và “donate” (thưởng tiền), chỉ hiển thị nội dung trong danh sách cho phép với nhóm người dùng thanh thiếu niên. Sau đó, vào năm 2019, Douyin giới hạn người dùng thanh thiếu niên chỉ được xem 40 phút mỗi ngày trong khung giờ từ 6 giờ đến 22 giờ. Cách khác, TikTok hoàn toàn có cách để thực hiện.

Ở VN, có TikToker bị khóa tài khoản vĩnh viễn vì vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn cộng đồng nhưng sau đó dễ dàng lập tài khoản khác với hàng ngàn lượt theo dõi để tiếp tục công việc review của mình... Sự dễ trong việc đăng ký tài khoản và cách lọc nội dung mang tính sơ sài khiến cho việc dọn “rác” trên TikTok chưa thực hiện được.

...............................................

ThS tâm lý NGUYỄN THỊ ĐÀO LƯU, giảng viên khoa Xã hội & Nhân văn ĐH Văn Lang:

Kiểm soát chặt chẽ vì gây nhiều hệ lụy

Nếu tiếp xúc lâu dần với những nội dung thiếu lành mạnh, người dùng sẽ dễ bị “đầu độc” về tư duy và nhận thức, ảnh hưởng đến mặt cảm xúc - hành vi của cá nhân. Chẳng hạn, người ta sẽ dễ dàng bốc đồng, nổi giận khi đối diện với một vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Riêng với nạn nhân của những nội dung bẩn, nội dung độc hại thì rõ ràng những tổn thương tâm lý là điều dễ dàng xảy ra.

Vì vậy, mỗi người khi sử dụng MXH cần xây dựng cho bản thân một “bộ lọc” vững chắc. Thứ nhất, tiếp thu những nội dung phù hợp và loại bỏ những nội dung không hữu ích, nhìn nhận thông tin một cách đa chiều để đưa ra những cái nhìn khách quan.

Thứ hai, cẩn trọng trước khi bắt chước hoặc học theo những trào lưu trên MXH. Hãy luôn nhắc nhở chính mình rằng MXH là kênh giải trí, mà đã là giải trí thì hàm lượng khoa học sẽ không ở mức quá cao để chúng ta học.

Thứ ba, tạo ra những nguyên tắc sử dụng MXH cụ thể về thời lượng sử dụng, mục đích và những nội dung theo dõi để tránh những vấn đề nảy sinh không mong đợi.

Cuối cùng, không nên tiếp tay cho các trào lưu bẩn bằng cách chia sẻ, làm theo hoặc tuyên truyền về những nội dung không lành mạnh. Thay vào đó, hãy thẳng thắn lên án, chặn nội dung hoặc báo cáo về các nhà điều hành.

...................................................

Ông HOÀNG ĐÌNH CHUNG, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số VN):

Nâng cao vai trò quản lý và ý thức người dùng

Các nền tảng MXH không chỉ thu hút sự quan tâm, sử dụng của người VN mà còn trên toàn cầu, đáp ứng được nhu cầu kết nối, chia sẻ cho các người dùng tham gia với sự hỗ trợ và hiểu người dùng sâu sắc.

Cơ quan chức năng VN đã có nhiều cảnh báo về sức ảnh hưởng và nguy cơ khi dùng các nền tảng này như gây nghiện, thu thập dữ liệu của người dùng, nhiều nội dung xấu, độc... nhưng những cảnh báo này dường như chưa đủ sức nặng tại VN, cũng có thể đến từ sự dễ dãi của người dùng...

Không phủ nhận mặt tích cực của MXH nhưng nó cũng tồn tại nhiều tiêu cực, mặt trái, những nội dung xấu, độc, có hại tràn lan không kiểm soát...

Pháp luật VN đã tương đối đầy đủ để điều chỉnh hành vi của người dùng và các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, tuy nhiên vai trò và trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Quan trọng hơn nữa chính là ý thức sử dụng của người dùng cần được nâng cao hơn nữa.

Bên cạnh đó, cần có chế tài nghiêm trong việc xử lý vi phạm nếu tiếp tục tái diễn. Có những hành động đối xử công bằng giữa nền tảng trong nước và nền tảng quốc tế, kiểm soát nguồn nội dung được đăng tải trên các nền tảng.

Theo tôi, TikTok là nền tảng có sức hút, có nhiều ưu điểm và Nhà nước cần kiểm soát, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ trung gian phải tuân thủ thực hiện. Chúng ta cần có chế tài, kiểm soát để giữ được những ưu điểm, tạo ra một sản phẩm lành mạnh, có lợi cho cộng đồng.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/chung-tay-lam-sach-moi-truong-mang-post728013.html