Chung tay ngăn chặn bạo lực gia đình

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với những hành vi bạo lực gia đình, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Năm 2023, Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy” nhằm đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực trong thời gian tạm lánh, cách ly với đối tượng gây bạo lực hoặc có nguy cơ cao gây bạo lực. Đến nay, toàn huyện có 6 mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại 6 xã: Cốc Ly, Lùng Cải, Cốc Lầu, Bản Cái, Thải Giàng Phố và Tả Van Chư.

Bà Hảng Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà cho biết: Các thành viên tham gia mô hình được tập huấn kiến thức về tư vấn tiếp cận tư pháp, hôn nhân - gia đình, hòa giải mâu thuẫn gia đình; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình, tổ hòa giải, công an xã... trong việc phối hợp với các dòng họ, những người có uy tín hòa giải, tư vấn, ngăn ngừa, phòng chống bạo lực gia đình nếu có sự việc xảy ra.

Để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền trực tiếp, qua loa truyền thanh, qua các hội nghị, sinh hoạt câu lạc bộ. Trong đó, chú trọng thành lập các câu lạc bộ/nhóm “Phòng, chống bạo lực gia đình”, câu lạc bộ “5 không 3 sạch”, câu lạc bộ về bảo vệ phụ nữ và trẻ em... Nhờ đó, đa số người dân nâng cao nhận thức và hành động về phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp... đã chủ động lồng ghép các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình với nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, ngành và triển khai nhiều hoạt động truyền thông. Điển hình như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã duy trì và nhân rộng mô hình truyền thông tư vấn về bình đẳng giới cho thanh niên và vị thành niên, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực; đồng thời, chỉ đạo các địa phương thực hiện các mô hình, hoạt động bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Từ đầu năm đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức xây dựng và nhân rộng 15 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 75 câu lạc bộ tại 15 xã; nhân rộng 5 mô hình Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” tại 5 xã với 50 thôn, bản, tổ dân phố…; 10 mô hình Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 10 xã của các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai... góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Bà Vũ Thị Thanh Nhàn, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao) cho biết: Năm 2024, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam (28/6), sở đã tổ chức phát động Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, tuyên truyền lưu động trên các tuyến phố chính; tổ chức cuộc thi ảnh với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - quốc gia thịnh vượng”. Với các thông điệp được thể hiện sinh động, dễ nhớ như: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Bạo lực gia đình - nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ly hôn”... và các hình ảnh về gia đình, bữa cơm gia đình, khoảnh khắc hạnh phúc của các gia đình. Những hoạt động truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt.

 Các mô hình, hoạt động truyền thông nhằm ngăn chặn bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.

Các mô hình, hoạt động truyền thông nhằm ngăn chặn bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.

Để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình, khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực gia đình, tỉnh Lào Cai tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ giáo dục giới tính, bình đẳng giới, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng xây dựng và phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, như tư vấn giới tính, hôn nhân và gia đình, tư vấn hỗ trợ người bị bạo lực gia đình… Cùng với đó, bảo đảm kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương; đẩy mạnh vận động, khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cộng đồng, người dân tham gia phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình; hỗ trợ nguồn lực để vận hành Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và các mô hình, dịch vụ bảo vệ trẻ em bị xâm hại, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.

Thi Khanh

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chung-tay-ngan-chan-bao-luc-gia-dinh-post391625.html