Chung tay ngăn chặn nạn tảo hôn

Thời gian qua, công tác truyền thông giảm tảo hôn ở vùng sâu, vùng xa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, nhiều địa phương có cách làm hay khi thành lập các câu lạc bộ ngay trong trường học, giúp linh hoạt hình thức tuyên truyền về vấn đề này. 'Mưa dầm thấm lâu', chính các em học sinh sẽ đi đầu, chủ động góp phần chặn đứng nạn tảo hôn ở thôn, bản của mình.

16 năm gắn bó với công tác Hội Phụ nữ, cũng là 16 năm chị Vừ Y Nải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) miệt mài “đấu tranh” với nạn tảo hôn. Từ ngày đầu tuyên truyền, chị Nải đã “lên dây cót tinh thần” trước những khó khăn mình sẽ gặp phải: “Một số người dân không biết chữ. Họ cho rằng, con gái 15-16 tuổi phải lấy chồng, không thì ế, nên nhiều nhà ép cưới. Những đứa trẻ chưa kịp sống với tuổi thiếu nữ đã phải làm mẹ. Đau lòng lắm!”.

Một trong những nguyên nhân khiến một số em có cơ hội tự do tìm hiểu, yêu đương sớm là việc sử dụng mạng xã hội. Khi internet phủ sóng tới những bản làng xa xôi nhất thì cơ hội trò chuyện, giao lưu với bạn khác giới cũng nhiều hơn.

Ngoài ra, dù đã được tuyên truyền, hiểu rõ tảo hôn là trái pháp luật, bị xử phạt nhưng một bộ phận người dân vẫn vướng vào vì tâm lý: Muốn có thêm người đỡ đần việc nhà. Tuy nhiên, đó là câu chuyện khó khăn của hàng chục năm trước. Bây giờ, mọi sự đã thay đổi nhiều.

Quay lại trường học với thầy cô, bạn bè, không ai nghĩ cô học trò bé nhỏ Lầu Đua Chì mới 12 tuổi, học lớp 7 Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) suýt chút nữa đã trở thành “vợ người ta”. Ở Kỳ Sơn, người H’Mông có tục lệ chỉ cần cô gái theo chàng trai về nhà, làm vía trong 3 ngày, thì coi như họ đã thành vợ chồng. Khi đó, cô gái được nhà trai chấp nhận. Nhưng đây cũng là thời gian vàng để “giải cứu” các cô dâu nhí. Ngay khi biết Chì đã về nhà trai ở làng bên, đại diện nhà trường, Hội Phụ nữ xã và chính quyền địa phương lập tức vào cuộc, tới tận nhà để thuyết phục; đồng thời có thêm sự góp sức của thành viên câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi - cũng chính là những người bạn cùng trường rủ rỉ tâm sự, khuyên nhủ. Cô bé 12 tuổi nhỏ bé, gương mặt đen nhẻm vì cháy nắng, loang lổ nước mắt, hiểu rằng: Lấy chồng là phải nghỉ học, không được đến lớp, gặp thầy gặp bạn nữa.

Nói về câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, đây được coi là làn gió mới góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực về nhận thức cho các em, đặc biệt là học sinh trung học cơ sở-lứa tuổi có tỷ lệ tảo hôn cao.

Mô hình nằm trong Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của mô hình là trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng về quyền trẻ em; phòng chống xâm hại tình dục; phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng tránh bạo lực học đường; kỹ năng giao tiếp ứng xử trên không gian mạng…

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đã thành lập và duy trì hoạt động hơn 1.556 câu lạc bộ, với sự tham gia của 113.610 em học sinh, đạt 86,4% chỉ tiêu đề ra. Điều này chứng tỏ mô hình đã đi đúng hướng và có sự lan tỏa mạnh mẽ.

Ở các địa phương miền núi phía bắc, huyện Bắc Hà (Lào Cai) là một trong những địa phương đang triển khai thành công mô hình nêu trên. “Sau ba năm triển khai, có thể khẳng định, mô hình “Thủ lĩnh của sự thay đổi” thật sự hiệu quả. Tỷ lệ nghỉ học vì tảo hôn gần như không còn. Nhiều em trở thành “thủ lĩnh” trên mặt trận tuyên truyền. Hiện chúng tôi đã nhân rộng được tất cả 13 câu lạc bộ trên địa bàn huyện”- bà Bùi Thị Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Hà khẳng định.

Trường THCS và THPT Bắc Hà là một trong những ngôi trường được lựa chọn làm mô hình điểm của Trung ương về câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi trên toàn quốc. Đều đặn vào thứ năm hằng tuần, sẽ diễn ra chương trình phát thanh do các thành viên câu lạc bộ thực hiện. Đề tài chủ yếu là các bài viết tuyên truyền về tảo hôn, bình đẳng giới hay các vấn nạn diễn ra trong trường học, cộng đồng.

Hai phát thanh viên thường xuyên là em Hàng Thị Xuân và Vàng Thị Mây, đang học lớp 9. Dù mới gắn bó với câu lạc bộ được gần hai năm, nhưng các em đều là thành viên tích cực nhất trong mọi hoạt động. Đặc biệt, vì nhà xa, cả hai cùng ở bán trú tại trường, nên cứ rảnh rỗi, Mây và Xuân lại đến phòng của các bạn nữ để trò chuyện, chia sẻ những kiến thức mình biết về nạn tảo hôn, bình đẳng giới. Đôi khi, chính những lời khuyên chân thành của những người bạn đồng trang lứa lại là liều thuốc hữu hiệu nhất để các em ở lại trường học. Xuân cho biết: “Em từng chứng kiến một số bạn chưa đủ tuổi đã kết hôn, sau đó không có điều kiện kinh tế để nuôi con, sống rất vất vả. Vì thế khi tham gia câu lạc bộ, em muốn đồng hành, giúp các bạn tiếp tục con đường học hành để thoát nghèo, có một tương lai tốt hơn”.

Ngoài ra, để chuẩn bị các buổi sinh hoạt tháng, dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo dẫn trình viên, các thành viên có thể tổ chức vẽ tranh, thuyết trình theo chủ đề, hay lồng ghép những câu chuyện đau lòng về tảo hôn thành vở kịch nhỏ biểu diễn trên sân khấu trường. Cứ như vậy, mưa dầm thấm lâu, vài năm trở lại đây, trường đã không còn trường hợp nào tảo hôn hay bỏ học.

“Cuộc chiến” với tảo hôn vẫn còn dài, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân. Các mô hình như câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã góp phần thay đổi nhận thức các thế hệ học sinh dân tộc thiểu số ngay trên ghế nhà trường; cùng chung sức xóa dần các hủ tục nơi bản làng vùng cao.

TRANG NHUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chung-tay-ngan-chan-nan-tao-hon-post868910.html