Chung tay ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Thời gian qua, hội phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động nhằm đưa quy định pháp luật về chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thấm sâu vào đời sống của người dân. Qua đó góp phần ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Hội LHPN tỉnh thành lập các mô hình CLB nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, qua đó ngăn chặn, chấm dứt tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ảnh: THÁI HÀ

Hội LHPN tỉnh thành lập các mô hình CLB nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, qua đó ngăn chặn, chấm dứt tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ảnh: THÁI HÀ

Chưa kịp lớn đã làm vợ, làm mẹ

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết là những hủ tục lạc hậu hiện vẫn còn tồn tại, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thực trạng này đã và đang là trở ngại đối với phát triển KT-XH bền vững, sự tiến bộ của xã hội; khiến nhiều đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” đã phải làm vợ, làm mẹ.

Vợ chồng Ra Lan Thị Thúy (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) cưới nhau khi mới 15 tuổi. Cha mẹ chồng mất sớm, cuộc sống vốn đã không dễ dàng khi cả hai không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập bấp bênh nay lại càng khó khăn hơn khi vợ chồng em phải nuôi con nhỏ 2 tuổi cùng các em đang tuổi ăn học. So Rộng, chồng Thúy cho biết anh phải lao động cật lực, không dám nghỉ ngày nào vì gia đình sẽ thiếu ăn. Cuộc sống hôm nay lo ngày mai, thiếu thốn thường xuyên khiến vợ chồng Ra Lan Thị Thúy nhiều lần hối hận khi cưới nhau quá sớm. “Các bạn trẻ như em đừng nên lấy chồng sớm, lấy chồng sớm khổ lắm”, Ra Lan Thị Thúy cám cảnh.

Cũng tại xã Sơn Hội, vợ chồng La O H’Thảo vì không nghe lời khuyên can của gia đình, kết hôn khi chưa đủ tuổi quy định nên cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả. H’Thảo cho biết, vợ chồng chị quen nhau qua mạng xã hội khi đi làm thuê ở tỉnh Bình Dương. Được thời gian ngắn, H’Thảo và chồng quyết định đến với nhau khi chưa đủ 18 tuổi. Lập gia đình, cả hai nghỉ việc công ty về quê sinh sống trong lúc ở quê chẳng có công ăn việc làm ổn định. Đời sống, kinh tế chật vật, gia đình La O H’Thảo mâu thuẫn thường xuyên. “Em đi làm rẫy, thu nhập bấp bênh chỉ đủ mua sữa cho con; chồng làm việc lo chi tiêu gia đình. Sinh con lúc tuổi còn nhỏ, vợ chồng chưa chuẩn bị gì về kinh tế nên hay cãi vã lắm”, H’Thảo chia sẻ.

Chị Rơ Ô Hờ Nhoen, Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa cho biết: “Tảo hôn là hủ tục tồn tại từ lâu đời trong buôn làng và đang dần được xóa bỏ. Dù vậy, từ ngày có điện thoại di động, trai gái trong các thôn, buôn gọi điện rủ nhau đi chơi dễ hơn. Địa phương động viên bọn trẻ không nên lấy chồng lấy vợ, sinh con sớm nhưng nhiều gia đình không nghe. Nhiều em về ở với nhau phát sinh nhiều mâu thuẫn nên chỉ thời gian ngắn thì bỏ nhau, để con cái nheo nhóc lại cho ông bà nuôi”.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng

Thời gian qua, hội LHPN các cấp trong tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động; thành lập các mô hình CLB nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên, phụ nữ.

Trong đó, CLB “Phụ nữ DTTS nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” giúp các thành viên, hội viên, phụ nữ có con sắp đến tuổi kết hôn hiểu được tác hại của việc kết hôn sớm để tuyên truyền, vận động, giúp con em mình có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc sau này. Các tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ, thay đổi hành vi trong hôn nhân, ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, 15 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi được ra mắt, đi vào hoạt động tại các trường tiểu học, THCS của 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh, góp phần trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết, qua đó nâng cao nhận thức cho các em học sinh về tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Em Hồ Ngọc Kim Linh (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) cho biết: “Em rất vui khi tham gia CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi. Mới đây, CLB sinh hoạt với chủ đề: Hệ lụy của nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, kỹ năng ứng xử trên không gian mạng. Qua đó, em biết hiện nay có nhiều bạn sử dụng điện thoại rồi quen nhau qua mạng, sau đó kết hôn khi chưa đủ tuổi. Tham gia CLB, em biết cách đề phòng và tuyên truyền để bạn bè cùng hiểu rõ về hệ lụy này”.

Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho hay, thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025, hội LHPN các cấp đã cùng với các cấp, ngành, địa phương tập trung phổ biến, tuyên truyền cho đồng bào vùng DTTS và miền núi nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS. Nội dung và hình thức phù hợp đã tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn tỉnh giảm theo từng năm.

Cũng theo bà Trần Thị Binh, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ tiếp tục quan tâm, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lồng ghép nhiều hình thức phong phú, phù hợp, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS miền núi.

32 DTTS ở Phú Yên lưu giữ nhiều văn hóa, tập tục truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết hiện vẫn còn tồn tại trong cộng đồng các DTTS đã gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội. Đây đều là những hành vi trái với quy định của pháp luật. Gia đình cần ngăn chặn, xóa bỏ tập tục liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết, cùng nhau gắn kết cộng đồng, xây dựng xã hội văn minh.

Ông La Văn Nghĩa, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/318773/chung-tay-ngan-chan-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet.html