Chung tay ngăn chặn tình trạng học sinh tự chế tạo pháo nổ dịp Tết
Mặc dù lực lượng Công an và các ngành chức năng đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng cứ đến Tết Nguyên đán tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến khá phức tạp, nhất là chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo nổ trái phép. Đặc biệt là tình trạng thanh thiếu niên, học sinh mua nguyên liệu và học cách chế tạo pháo trên mạng để sử dụng trái phép, gây hậu quả khôn lường.
Ngày 10/01, Công an xã Bình Triều (H.Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết vừa tuyên truyền, vận động em P.N.H (SN 2010, ngụ thôn Vân Tây) giao nộp 151 viên pháo nổ tự chế và một số nguyên vật liệu như: bột lưu huỳnh, KCl, natri, bột than, giấy chế tạo pháo... mà thiếu niên này mua trên TikTok để về tự chế pháo nổ. Qua làm việc, Công an xã Bình Triều yêu cầu gia đình cam kết quản lý em H., không được để tái phạm dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm do hành vi chế tạo pháo trái phép gây ra.
Ngay trong ngày đầu thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ công tác tuyên truyền, vận động gia đình, 17 học sinh (lớp 7 và 8) trên địa bàn các thôn: Xuân Lư, Thạch Khê, Phú Cường 1 (xã Quế Mỹ, H.Quế Sơn, Quảng Nam) tự nguyện đến cơ quan Công an giao nộp 95 viên pháo nổ tự chế (khoảng 9kg); 1,5kg thuốc pháo và các vật liệu khác dùng để chế tạo pháo. Qua làm việc, các em đều khai vật liệu dùng để chế tạo pháo được mua trên mạng xã hội và tự tìm hiểu cách thức chế tạo. Sau đó, các em cất giấu ở nơi vắng vẻ, nhà hoang, khi rảnh rỗi sẽ chế tạo và sẽ dành đốt dịp Tết cho vui. Đa phần các em chỉ mới 12 - 14 tuổi, nhận thức chưa đầy đủ về tác hại cũng như nguy cơ của việc chế tạo, sử dụng pháo nổ.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, Công an TP.Quảng Ngãi cũng vừa tiếp nhận giao nộp hàng chục quả pháo nổ thành phẩm và số lượng lớn nguyên liệu dùng để chế pháo nổ từ phụ huynh của 2 cháu bé trên địa bàn. Theo đó, T. và Đ. (cùng 12 tuổi, đều ngụ xã An Phú, TP.Quảng Ngãi) lén lên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội mua các loại hóa chất và nguyên liệu với mục đích chế tạo pháo. Sau đó, các cháu lên Youtube học cách chế pháo từ video hướng dẫn. Phát hiện sự việc, anh V. (40 tuổi, cha cháu T.) và chị N. (37 tuổi, mẹ cháu Đ.) liền đi báo Công an; giao nộp 48 quả pháo thành phẩm, 60 vỏ quả pháo (hình dạng quả bóng khoảng 0,3cm), 64 cuộn giấy nén (chưa có bột nổ), 2 quả pháo dạng cuộn giấy có dây dẫn, cùng nhiều dây cháy chậm, các hũ đựng hóa chất dùng để chế tạo pháo. Qua sự việc, Công an xã An Phú đánh giá cao ý thức của phụ huynh, chủ động phối hợp với Công an giải quyết sự việc thay vì dung túng cho hành vi sai của con trẻ.
Trước tình trạng thanh, thiếu niên, nhất là học sinh, sinh viên tự nghiên cứu trên các trang mạng xã hội, mua hóa chất để chế tạo, sản xuất pháo trái phép gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Công an tỉnh Quảng Nam đề nghị Sở GD&ĐT phối hợp, chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp với công an địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý, sử dụng pháo trái phép.
Đồng thời, đề nghị lực lượng Công an và ngành giáo dục các cấp chỉ đạo tăng cường quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025. Trong đó, lồng ghép nội dung tuyên truyền về hậu quả, tác hại và các chế tài xử lý vào các buổi sinh hoạt lớp để học sinh nhận thức và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo. Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết với nhà trường không chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ và đốt pháo trái phép dưới mọi hình thức.
Được biết, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Quảng Nam xảy ra 19 trường hợp bị tai nạn do pháo; 2 người chết, 1 người bị thương do chế tạo pháo; 17 người bị thương tích do sử dụng pháo. Phần lớn các trường hợp bị tai nạn do pháo đều liên quan đến học sinh.