Chung tay ngăn 'chảy máu' dải rừng tự nhiên độc đáo của Việt Nam
Những năm gần đây, vấn nạn khai thác trái phép, xâm phạm đến rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) tuy có chiều hướng giảm, song vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết dứt điểm, trong đó đáng ngại là tình trạng người dân sống bám vào rừng, có nguồn lợi, sinh kế gắn liền trực tiếp với rừng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng…
Trung tá Phạm Hoàng Anh, Trưởng Công an huyện Nam Đông cho biết, từ năm 2020 - 2024, trên địa bàn huyện xảy ra tổng cộng 11 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến các hành vi xâm hại đến rừng với tổng số 27 đối tượng bị xử lý, tổng số năm phạt tù lên đến 83 năm, bình quân mỗi đối tượng chịu mức hình phạt tù trên 3 năm.
Vụ việc mới đây nhất, đó là Trần Viết Thế Sơn - cán bộ kiểm lâm huyện Nam Đông bị TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù và 80 triệu đồng về tội "Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan". Các đồng phạm trong vụ án này có liên quan đến việc khai thác cây gỗ trái phép ở Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã - một dải rừng tự nhiên mang nhiều yếu tố độc đáo của quốc gia…
Công an huyện Nam Đông đã kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm hành chính với tổng cộng 24 vụ việc với 37 đối tượng. Bình quân hàng năm gọi hỏi, răn đe gần 50 lượt người dân có biểu hiện nghi vấn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng… Điều đáng lo, nhiều trường hợp người dân khai thác các nguồn lợi từ các khu vực rừng thuộc VQG Bạch Mã vẫn còn diễn ra cho đến tận bây giờ.
Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã cho biết, những năm gần đây, nhờ tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp địa bàn giữa Công an các xã: Thượng Lộ, Hương Lộc, Thượng Nhật, Thượng Long, Hương Phú (huyện Nam Đông) với VQG Bạch Mã và lực lượng chức năng nên số vụ vi phạm liên quan các hành vi xâm hại đến rừng giảm mạnh.
Cụ thể, năm 2020, lực lượng chức năng phát hiện 28 vụ vi phạm; năm 2021 phát hiện 23 vụ; năm 2022 phát hiện 10 vụ; năm 2023 phát hiện 8 vụ. Và từ đầu năm 2024 đến tháng 10, chỉ phát hiện 3 vụ. Trong đó, có 2 vụ, VQG Bạch Mã đang phối hợp với Công an huyện Nam Đông điều tra, xác minh làm rõ. Ngoài ra, thu giữ nhiều súng tự chế và đã bàn giao cho Công an huyện...
Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, VQG Bạch Mã đã sử dụng công cụ Smart vào công tác tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học và quản lý cơ sở dữ liệu. Từ đầu năm 2024 đến nay, VQG Bạch Mã đã thực hiện 459 đợt tuần tra kiểm soát tại rừng (mỗi đợt có từ 3-5 người thực hiện từ 3-5 ngày). Qua đó, phát hiện có 92 điểm bẫy bắt thú rừng, lực lượng đã tháo gỡ 1.211 sợi dây bẫy thòng lọng, 254 cái bẫy kẹp, 15 cái bẫy răng cưa, 3 cái bẫy sập và 72 lán trại (cả cũ và mới) dựng trái phép trong rừng.
Bên cạnh công tác tuần tra kiểm soát tại rừng, các Trạm Kiểm lâm đã tổ chức tuần tra kiểm soát thường xuyên hơn 5.000 lượt tại các khu vực cửa rừng và các vị trí xung yếu trên địa bàn VQG Bạch Mã với mục tiêu phát hiện, ngăn ngừa các hành vi xâm phạm lên tài nguyên rừng và đa dạng sinh học của vườn. Đồng thời tổ chức linh động chốt chặn tại các khu vực đường La Sơn - Túy Loan; chốt Tà Rày, Chà Măng; chốt Cổng Trời và một vài vị trí xung yếu tại các cửa rừng. Nhờ đó đã hạn chế thú rừng bị mắc bẫy, ngăn chặn sớm nhiều đối tượng xâm phạm vào rừng trái phép (với các mục đích khác nhau như đi chặt cây, lấy mật ong, lấy mây, lá nón...).
Từ đầu năm đến nay, VQG Bạch Mã đã phối hợp với UBND các xã triển khai thực hiện hỗ trợ sinh kế cho người dân 41 thôn vùng đệm của 3 tỉnh với tổng kinh phí 1,96 tỷ đồng. Ngoài ra, vườn đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 3 nhóm hộ và 31 cộng đồng thôn tiếp giáp với diện tích 6.881ha; qua đó người dẫn được chi trả để chung tay giữ rừng.
Công an huyện Nam Đông cho biết, để ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, thời gian qua, lực lượng Công an xã đẩy mạnh phối hợp với VQG Bạch Mã và chính quyền địa phương các xã vùng đệm tổ chức tuyên truyền tận nhà và ký cam kết với gần 200 đối tượng có nguy cơ tác động đến tài nguyên rừng của VQG Bạch Mã.
Mới đây, vào chiều 11/11, qua sự kết nối của Công an huyện Nam Đông và VQG Bạch Mã, hàng chục thanh niên ở huyện miền núi Nam Đông, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Cơtu vừa được một công ty đóng trên địa bàn giới thiệu và ký thỏa ước tuyển dụng vào làm việc với mức lương trung bình từ 7-10 triệu đồng/tùy từng vị trí. Việc kết nối giúp số thanh niên có việc làm cũng là một cách làm thiết thực nhằm chung tay ngăn chặn nguy cơ xâm hại rừng …
Tại hội nghị tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và giới thiệu việc làm do Công an huyện Nam Đông và VQG Bạch Mã phối hợp tổ chức vào ngày 11/11 mới đây, Trung tá Phạm Hoàng Anh, Trưởng Công an huyện Nam Đông cho rằng, những người dân có sinh kế gắn liền với rừng, đến nay vẫn còn tác động đến rừng là vi phạm phạm luật, nên cần tuyên truyền, vận động họ để từ bỏ ngay các hành vi vi phạm.
"Công an huyện rất mong các cấp, các ngành và các doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện để họ có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện hoàn cảnh của bản thân. Nếu được vậy, chúng tôi tin chắc rằng tài nguyên rừng tự nhiên sẽ sớm được bảo vệ và phục hồi …", lãnh đạo Công an huyện Nam Đông bộc bạch.
VQG Bạch Mã có tổng diện tích lên đến 37.423,10ha, trong đó, vùng đệm (khu vực bao quanh Vườn) thuộc địa giới hành chính của 15 xã, thị trấn của 3 huyện: Phú Lộc, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) và Đông Giang (Quảng Nam). VQG Bạch Mã là trung tâm của dải rừng tự nhiên còn lại duy nhất của Việt Nam nối từ biển Đông đến biên giới Việt - Lào. Do có vị trí địa lý thuận lợi, là phần cuối của dãy Trường Sơn Bắc, nơi giao lưu của hai luồng khí hậu Bắc và Nam Việt Nam và có địa hình chuyển tiếp từ vùng núi thấp đến đai cao trên 1.700m, VQG Bạch Mã là một trong những khu vực giàu đa dạng sinh học của Việt Nam và trên thế giới. Kết quả điều tra, thống kê năm 2020 cho thấy VQG Bạch Mã có khu hệ động thực vật rất phong phú với 2.421 loài thực vật và 1.728 loài động vật, trong đó có nhiều loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam 2007, nhiều loài trong Danh lục IUCN năm 2016 và nhiều loài đặc hữu.