Chung tay phòng, chống bệnh lao

Ngày thế giới phòng, chống lao (24/3) năm nay có chủ đề 'Yes, we can end TB' (đúng, chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao). Tại Việt Nam, chủ đề của ngày này được nhấn mạnh 'Việt Nam chiến thắng bệnh lao' là sự khẳng định, thể hiện niềm tin và quyết tâm chấm dứt căn bệnh truyền nhiễm này.

Nhân ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3):

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua đường hô hấp và được ví như kẻ giết người thầm lặng bởi thường kéo dài âm thầm, phát hiện muộn. Từ khi phát hiện đến khi bệnh nhân tử vong có thể lây lan sang nhiều người khác. Trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100 nghìn người mắc lao. Việc điều trị và thuốc cấp cho người bệnh đã và đang được áp dụng hiệu quả đối với lao đa kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc.

Cán bộ y tế thôn bản tham gia tuyên truyền phòng, chống bệnh lao.

Cán bộ y tế thôn bản tham gia tuyên truyền phòng, chống bệnh lao.

Lào Cai là 1 trong 15 tỉnh trên toàn quốc chưa có bệnh viện chuyên khoa lao, việc điều trị và khám, chữa bệnh lao được thực hiện tại Khoa Khám bệnh và Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai. Các trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực thực hiện cấp phát thuốc và theo dõi bệnh nhân lao trong cả liệu trình điều trị.

Tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đang điều trị ngoại trú 10 bệnh nhân mắc lao. Tháng 9/2022, anh Lương Văn D. (bản Nà Đình, xã Nghĩa Đô) thấy mệt mỏi, sút cân, ho và có đờm nhiều nên đi khám. Sau khi làm xét nghiệm đã khẳng định anh mắc bệnh lao. Nhập viện điều trị một thời gian, sức khỏe của anh đã ổn định và được chỉ định điều trị ngoại trú. Mỗi tháng, anh D. đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên khám và nhận thuốc 1 lần.

Bác sỹ Hoàng Văn Đoàn, phụ trách Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên cho biết: Với các bệnh nhân lao điều trị tại khoa, để tránh tình trạng lây nhiễm chéo, chúng tôi phân phòng bệnh riêng. Bệnh nhân phải đeo khẩu trang, không khạc, nhổ bừa bãi. Hằng tháng, khi khám và phát thuốc cho người bệnh điều trị ngoại trú, chúng tôi đều tuyên truyền để người bệnh tuân thủ quy trình điều trị. Tuyên truyền bệnh nhân không hút thuốc lá, uống rượu; cần thực hiện các biện pháp để tránh lây cho người thân và cộng đồng. Cứ 3 tháng 1 lần, những người thân trong gia đình bệnh nhân được lấy mẫu tầm soát để kịp thời thực hiện dự phòng và điều trị.

Chương trình Phòng, chống lao quốc gia được thực hiện từ tháng 11/1994. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đầu mối thực hiện mục tiêu chiến lược của chương trình tại địa phương, cũng là đơn vị tham mưu cho Sở Y tế triển khai chương trình. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2022, bệnh nhân lao phát hiện được đưa vào quản lý điều trị có kiểm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong Chương trình Phòng, chống lao có tỷ lệ điều trị khỏi là 72,87%; tỷ lệ điều trị thành công là 95,47%; tỷ lệ thất bại là 0,41% và tỷ lệ chết là 1,65%.

Điều tiên quyết trong thực hiện chương trình phòng, chống lao là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế kết hợp phát hiện thường quy. Toàn tỉnh hiện có 13 phòng xét nghiệm lao, trong đó có 2 phòng xét nghiệm lao tuyến tỉnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh; 11 phòng xét nghiệm tại một số trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện. Năm 2022, các phòng xét nghiệm đã xét nghiệm đờm soi trực tiếp cho 3.518 người và 5.857 mẫu phát hiện, xét nghiệm Xpert sàng lọc người bệnh đa kháng thuốc 159 mẫu. Việc xét nghiệm giúp khẳng định mắc lao, lao kháng thuốc, đồng thời phòng ngừa lây nhiễm chéo và phát hiện sớm lao tiềm ẩn để kịp thời ngăn ngừa lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách chuyên môn, công tác đào tạo và tập huấn về chương trình phòng, chống lao cũng được tổ chức thường xuyên và lồng ghép qua các đợt kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe và huy động xã hội về phòng, chống bệnh lao luôn được quan tâm, đẩy mạnh. Các đơn vị y tế cũng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các buổi truyền thông trực tiếp cho người dân nhằm nâng cao nhận thức về bệnh lao cho người dân và lồng ghép vào các hoạt động y tế khác.

Hiện nay, tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng để phòng bệnh lao. Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng lao BCG cho trẻ trong vòng 1 tháng đến 1 năm sau sinh. Những trẻ tiêm vắc-xin phòng lao muộn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh lao hơn trẻ đã được tiêm phòng.

Cán bộ y tế tuyên truyền về phòng, chống bệnh lao cho người dân.

Cán bộ y tế tuyên truyền về phòng, chống bệnh lao cho người dân.

Theo bác sỹ Trần Thị Lệ Hằng, phòng tiêm chủng vắc-xin An Khang, hầu hết trẻ sau tiêm vắc-xin phòng lao thường có phản ứng tại chỗ tiêm như đỏ, sưng và đau nhẹ. Sau 2 tuần, chỗ tiêm sẽ có một vết loét nhỏ, tuy nhiên sẽ tự lành và để lại sẹo nhỏ có đường kính khoảng 5 mm. Cha mẹ tuyệt đối không sử dụng chất sát trùng, thuốc mỡ hoặc kem, băng bôi, dán trực tiếp lên vị trí vết tiêm. Nếu trẻ có những biểu hiện như sốt cao hơn 39 độ C, sốt kéo dài hơn 24 giờ, quấy khóc, co giật, nôn trớ, bỏ bú, phát ban, thở nhanh, chi lạnh, da nổi vân tím hoặc có các dấu hiệu bất thường khác thì cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Người dân khi có biểu hiện ho khạc đờm kéo dài hơn 2 tuần, sút cân, mệt mỏi, đau ngực, ho ra máu... thì cần đến ngay cơ sở y tế để khám, xét nghiệm và chẩn đoán bệnh. Bệnh lao có thể điều trị khỏi hoàn toàn, bởi vậy việc phát hiện sớm là rất quan trọng để ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng. Mỗi người hãy chung tay tuyên truyền và thực hiện tốt các biện pháp dự phòng để đẩy lùi bệnh lao.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365788-chung-tay-phong-chong-benh-lao