Chung tay phòng chống dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Mô hình Chợ xanh 0 đồng do Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên tổ chức, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa). Ảnh: KIM CHI

Công tác xã hội (CTXH) hay trợ giúp xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền và các đoàn thể nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn và khó hòa nhập với cộng đồng. Bằng nhiều cách khác nhau, những người làm CTXH đã và đang chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19, trợ giúp các đối tượng yếu thế.

Trước bối cảnh dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn, để chăm lo cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, ngoài ngân sách nhà nước, việc huy động các nguồn lực hỗ trợ, đóng góp từ cộng đồng rất quan trọng.

Nhường cơm sẻ áo

Trong suốt đợt dịch COVID-19 vừa qua, xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) đã tổ chức nấu hơn 3.200 suất ăn, sáng, trưa và chiều cho lực lượng làm nhiệm vụ ở các điểm chốt chặn và người dân từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương phải cách ly theo quy định trên địa bàn xã. Mỗi phần ăn gồm cơm, rau, canh và món chính thay đổi theo từng ngày để mọi người ngon miệng, tăng cường sức khỏe. Nguồn thực phẩm để nấu các suất ăn này do lãnh đạo xã vận động kêu gọi các nhà hảo tâm, trong và ngoài huyện đóng góp.

Bà Hồ Thị Thu Sa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Bình Đông cho biết: Tình hình dịch diễn biến phức tạp, người dân rất khó khăn. Với tấm lòng tương thân tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cùng chung sức giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt, đồng lòng phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh các suất cơm, UBND xã còn hỗ trợ nhiều phần quà gồm gạo, mì ăn liền và các loại gia vị thiết yếu nhằm đảm bảo cuộc sống của các gia đình nghèo khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Tại huyện Sơn Hòa, trong những ngày phòng, chống dịch bệnh COVID-19, mô hình “Bếp ăn thiện nguyện” là một trong những nghĩa cử ấm áp, sẻ chia, thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng của các tổ chức đoàn thể, nhóm thiện nguyện, tấm lòng hảo tâm, góp phần tiếp thêm nguồn lực cùng địa phương vượt qua đại dịch.

Ông Nguyễn Đình An, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, chia sẻ: Với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, đội hoạt động xã hội thiện nguyện các xã, thị trấn phối hợp với các hội đoàn thể cơ sở kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ cho các bếp ăn nhằm góp phần sẻ chia khó khăn với người dân. Vì bà con từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương nhiều đợt, phải thực hiện cách ly tập trung, nhưng không được hỗ trợ phần ăn nên chính quyền kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay trợ giúp.

Theo bà Sô Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bạc, đến nay, xã đã tiếp nhận 48 công dân về từ vùng dịch, có 7 công dân hết thời gian cách ly. “Để bếp ăn hoạt động được lâu dài phục vụ các công dân về địa phương, xã rất mong các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ, góp sức”, bà Lý nói.

Tại một số địa phương, các nhà hảo tâm cũng chia sẻ với chính quyền để hỗ trợ người dân trong cơn đại dịch. Chị Võ Thị Thanh Thảo, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hòa Mỹ (xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu) vừa trao 2 tấn gạo, 200 thùng mì ăn liền cho người già neo đơn, hộ nghèo ở 2 xã Xuân Cảnh và Xuân Thịnh (TX Sông Cầu). Mỗi địa phương có 100 hộ được nhận. “Bà con còn rất nhiều khó khăn. Của ít lòng nhiều, mình vì mọi người mà trợ giúp họ vượt qua hoạn nạn”, chị Thanh Thảo thổ lộ.

Bà Đỗ Thị Cảnh ở thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh, nói: “Hơn tháng qua, nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương mà người lớn, trẻ em trong gia đình mới có điều kiện ăn uống, không đứt bữa. Dù có thiếu thốn chút ít nhưng cũng đảm bảo cùng mọi người vượt qua đại dịch, để cuộc sống trở lại bình thường, làm ăn sinh hoạt”.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, hiện nay, dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn. Những đối tượng yếu thế trong xã hội như: người lang thang xin ăn, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh… đều là đối tượng trợ giúp khẩn cấp của xã hội. Những người làm CTXH cần tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn.

Chuyên nghiệp hóa công tác xã hội

Trước diễn biến của dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước và các ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Trong đó, việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ cùng với việc hỗ trợ gạo cho người dân là một trong các chính sách nhân văn, kịp thời giúp người dân vượt qua khó khăn. Ngay sau khi nhận được các gói hỗ trợ, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức cấp phát cho người dân theo danh sách đã được phê duyệt trước đó. Việc tổ chức cấp phát đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Đối với gia đình không có phương tiện đến địa điểm nhận hoặc người già, người neo đơn, hộ trong khu phong tỏa, các tổ cấp phát bố trí lực lượng dân quân tự vệ, tình nguyện viên đến giao tận nơi. “Bên cạnh đó, ngoài nguồn lực trợ giúp từ Nhà nước, các sở, ban ngành trong tỉnh cũng đẩy mạnh vận động nguồn lực xã hội để thực hiện chính sách, cùng cộng đồng chia sẻ khó khăn với những người yếu thế, người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh để góp phần cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch hiệu quả”, bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết.

Cũng theo bà Hiền, thời gian qua, với nỗ lực của các cấp ngành, địa phương, lĩnh vực CTXH đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là dưới tác động của đại dịch COVID-19. Hiện nay, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh có đời sống vật chất, tinh thần tương đối đầy đủ. Điều đó một phần nhờ vào sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ xã hội, là giải pháp hữu hiệu bảo đảm quyền lợi cho nhóm người yếu thế, góp phần giảm thiểu những rào cản và bất bình đẳng trong xã hội. “Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh đặt mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển CTXH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương; tiếp tục duy trì củng cố đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH để thực hiện các chương trình đảm bảo an sinh xã hội; từng bước phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trên địa bàn tỉnh”, bà Hiền cho biết thêm.

Tại hội nghị trực tuyến về CTXH do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi cho biết: Quá trình chuyên nghiệp hóa CTXH đã được coi như là một vấn đề quan trọng góp phần giải quyết các vấn đề xã hội do mặt trái của phát triển kinh tế sinh ra. Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là tăng trưởng, phát triển kinh tế phải đi đôi với quan tâm, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, ưu tiên cho mục tiêu giảm nghèo, trợ giúp các đối tượng yếu thế. Hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam không ngừng được hoàn thiện và phát triển. Các chính sách an sinh xã hội ngày càng toàn diện hơn, đối tượng trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng được nâng cao hơn, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn…

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/264707/chung-tay-phong-chong-dich-benh-gop-phan-dam-bao-an-sinh-xa-hoi.html