Chung tay phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
HBĐT) - Trong cuộc sống hàng ngày luôn tiềm ẩn những tình huống bất ngờ, nguy hiểm, khó lường trước được hậu quả có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất kỳ nơi đâu với tất cả mọi người. Điều này lại càng nguy hiểm đối với trẻ em bởi đây là đối tượng chưa đủ kiến thức, kỹ năng để xử lý tình huống nên rất dễ xảy ra các vụ việc tai nạn thương tích (TNTT). Vì thế, bảo đảm an toàn cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình mà cần sự chung tay của toàn xã hội, mang đến môi trường sống thật sự an toàn, lành mạnh, thân thiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần.
HBĐT) - Trong cuộc sống hàng ngày luôn tiềm ẩn những tình huống bất ngờ, nguy hiểm, khó lường trước được hậu quả có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất kỳ nơi đâu với tất cả mọi người. Điều này lại càng nguy hiểm đối với trẻ em bởi đây là đối tượng chưa đủ kiến thức, kỹ năng để xử lý tình huống nên rất dễ xảy ra các vụ việc tai nạn thương tích (TNTT). Vì thế, bảo đảm an toàn cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình mà cần sự chung tay của toàn xã hội, mang đến môi trường sống thật sự an toàn, lành mạnh, thân thiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần.
Nguy hiểm thường trực, hậu quả khôn lường
Trẻ em thường gặp một số TNTT như: Đuối nước, tai nạn giao thông, ngã, bỏng, điện giật... Theo rà soát của Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), từ đầu năm đến ngày 17/11, trên địa bàn tỉnh có 37 trẻ em tử vong do TNTT, trong đó, tai nạn đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 30 trẻ tử vong, tiếp theo là tai nạn giao thông với 4 trẻ tử vong và 3 trẻ tử vong do các TNTT khác.
Trong năm 2020, toàn tỉnh có 303 trẻ bị TNTT (có 25 trẻ tử vong). Những con số này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng trẻ em bị tử vong do TNTT. Thế nhưng các vụ việc thương tâm vẫn liên tiếp xảy ra. Thời điểm cuối tháng 5/2021, tại huyện Cao Phong xảy ra vụ đuối nước làm 4 trẻ tử vong. Vào một buổi chiều nóng nực đầu mùa hè, 6 học sinh trường TH&THCS xã Tây Phong rủ nhau ra khu vực chân đập thủy điện suối Tráng, thuộc xóm Dài, xã Bắc Phong để tắm. Do không biết bơi, nước suối sâu, 4 trong 6 trẻ đã bị đuối nước. Một vụ việc khác xảy ra vào khoảng 14h30’ ngày 17/10/ 2021, cháu S.M.Q (sinh năm 2011) và cháu L.H.Đ (sinh năm 2012) cùng trú tại xóm Chum Nưa, xã Mường Chiềng (Đà Bắc), chở nhau bằng xe đạp đi qua ngầm Chiềng Cang, xã Mường Chiềng. Do mất lái, 2 cháu bị ngã, rơi xuống ngầm và bị nước cuốn vào cống. Cháu L.H.Đ trôi ra ngoài, được người dân vớt lên, may mắn thoát chết. Cháu S.M.Q bị mắc kẹt trong cống, sau đó đã tử vong. Nhận được tin báo, Ban tìm kiếm cứu nạn UBND xã Mường Chiềng đã huy động lực lượng tổ chức tìm kiếm. Đến khoảng 20h20’ cùng ngày, cháu S.M.Q mới được tìm thấy. Gần đây nhất, tại thôn Liên Phú 3, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) xảy ra vụ đuối nước làm 2 trẻ em tử vong. Khoảng 10 giờ ngày 14/11, người dân phát hiện có 2 trẻ em bị ngã xuống ao, lập tức hô hoán, cứu vớt và đưa đi cấp cứu nhưng 2 cháu không qua khỏi. Các nạn nhân là hai chị em trong một gia đình: N.T.M (sinh năm 2015) và N.T.D (sinh năm 2019). Theo thống kê, từ đầu năm đến ngày 17/11, huyện Lạc Sơn là địa phương có số trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất toàn tỉnh với 9 trẻ, huyện Cao Phong 4 trẻ, huyện Kim Bôi 3 trẻ, huyện Đà Bắc 3 trẻ… Tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn giao thông xảy ra ở các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, TP Hòa Bình.
Trẻ em thường rất tò mò, hiếu động, thích khám phá lại chưa đủ kiến thức, kỹ năng để xử lý khi gặp các tình huống bất ngờ, nguy hiểm thì sự chủ quan, lơ là, bất cẩn trong quản lý, giám sát trẻ của người lớn cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị TNTT. Từ các vụ việc đã xảy ra cho thấy, thực trạng nhiều bậc phụ huynh, thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ lơ là, buông lỏng sự giám sát, quản lý dẫn đến việc trẻ dễ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây TNTT. Bên cạnh đó là việc thiếu sân chơi an toàn cho trẻ, không có rào chắn, không có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm… Hàng ngày, ngoài thời gian học tập tại trường, thời gian trẻ ở cùng với gia đình cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT, như các trường hợp: Chấn thương do vấp ngã, leo trèo; bị động vật cắn, đốt; bỏng nước sôi; bị thương bởi các vật sắc nhọn…
Em Đặng Quỳnh Anh, học sinh lớp 7B, trường THCS Lý Tự Trọng (TP Hòa Bình) chia sẻ: "Trước đây, em từng bị ngã xe đạp khi tham gia giao thông nhưng rất may mắn chỉ bị xây xát nhẹ. Sau đó, bố mẹ em đã hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông như: Luôn đi bên phải đường, đi chậm để khi gặp các tình huống bất ngờ có thể xử lý dễ dàng, quan sát đèn và các biển báo giao thông…”.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần chung tay giảm thiểu tình trạng trẻ em bị TNTT. Trong đó tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT ở trẻ em.
Sở LĐ-TB&XH tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành văn bản về tăng cường các biện pháp phòng, chống TNTT, đuối nước và xâm hại trẻ em; tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 và phòng, chống TNTT, đuối nước trẻ em trong mùa hè. Đồng thời, xây dựng các văn bản triển khai hướng dẫn thực hiện công tác trẻ em tới 10 huyện, thành phố; phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có hỗ trợ trẻ em bị TNTT, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông… thông qua nhiều văn bản chỉ đạo, phóng sự, chuyên mục đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hoạt động ngoại khóa giáo dục về kỹ năng sống, tự bảo vệ bản thân như: Kỹ năng an toàn trong môi trường nước, phòng tránh TNTT, phòng chống bạo lực học đường… được các trường học tổ chức thường xuyên.
Song song với đó, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, từ đầu năm đến nay, Đoàn thanh niên các cấp đã tích cực thực hiện nhiều hoạt động: Cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm có thể xảy ra đuối nước; tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước, TNTT, xâm hại trẻ em; lắp đặt biển cảnh báo TNTT cho trẻ em tại khu dân cư; mở một số lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ dịp hè…
Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Trong thời gian qua, các cấp, ngành, Ban bảo vệ trẻ em các địa phương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hạn chế xảy ra vụ việc trẻ em bị TNTT. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn tái diễn trên địa bàn tỉnh với các trường hợp trẻ em bị TNTT như: Ngã, đuối nước, tai nạn giao thông… làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, đặc biệt có những vụ việc trẻ em tử vong do TNTT. Trong nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện công tác trẻ em của tỉnh, hướng dẫn Ban điều phối chỉ đạo công tác trẻ em các huyện, thành phố và Ban bảo vệ trẻ em các xã, phường, thị trấn chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm hơn nữa của gia đình, cộng đồng trong việc phòng ngừa, phát hiện kịp thời nguy cơ, tình huống có thể gây TNTT, hạn chế tối đa vụ việc trẻ em bị TNTT. Đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ ngay tại gia đình, nhà trường… Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp để duy trì, nhân rộng các câu lạc bộ trẻ em, tập trung tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng phòng tránh TNTT cho trẻ. Cùng với đó là những mô hình truyền thông, thảo luận nhóm, hoạt động tư vấn tại cộng đồng nhằm nâng cao kỹ năng, ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ em ngay tại gia đình. Từ những vật dụng nhỏ nhất trong gia đình đều phải có cách phòng ngừa, hạn chế khả năng trẻ phải tiếp xúc với các nguy cơ gây TNTT.
Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì gia đình, phụ huynh, người chăm sóc trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em. Sự quan tâm, giám sát chặt chẽ của người lớn trong quá trình vui chơi, giải trí sẽ làm giảm tối đa nguy cơ trẻ phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm. Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết, quy tắc để bảo vệ bản thân khi không có sự giám sát của người lớn như: không được vui chơi gần đường giao thông, không tự ý sử dụng các thiết bị điện, khi gặp động vật nguy hiểm phải xử lý như thế nào… Chị Bùi Thị Thu, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) bộc bạch: "Các thành viên trong gia đình tôi luôn cố gắng để tạo môi trường sống thật sự an toàn cho con. Ở những nơi có thể sẽ gây nguy hiểm cho con tôi luôn có các biện pháp bảo vệ như: Bậc thềm, cầu thang dễ bị trượt ngã phải có lan can, tay vịn chắc chắn; khi con tự chơi trong nhà, cổng luôn phải đóng đề phòng trường hợp con chạy ra ngoài; ổ cắm điện, các thiết bị điện để ngoài tầm với của con…”.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, bảo vệ trẻ em khỏi những ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý, sức khỏe do TNTT gây ra, mỗi gia đình cần quan tâm, giám sát, nhắc nhở con em mình về những nguy cơ có thể gây nguy hiểm, từ đó phòng tránh các vụ việc TNTT. Cùng với đó là sự chung tay của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực… góp phần đem đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Linh Nhật
Nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng ngừa
Đinh Văn Duẩn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Phong
Những năm qua, công tác phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ em được huyện Cao Phong quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em vui chơi, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn xảy ra vụ việc trẻ em tử vong do đuối nước thương tâm.
Để kịp thời chấn chỉnh, tránh xảy ra các vụ việc TNTT ở trẻ em, trong thời gian tới, huyện đề ra một số biện pháp cụ thể: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống TNTT, đuối nước ở trẻ em; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực có nguy cơ gây TNTT, đuối nước cho trẻ; tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, học sinh và gia đình về phòng, chống TNTT ở trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước; kiểm tra, rà soát khu vực hay xảy ra tai nạn đuối nước, nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa như: Bố trí rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các ao, hồ, suối, bãi tắm, khu vực nước sâu nguy hiểm…
Đa dạng hình thức tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ
Bùi Thị Mai, Bí thư Đoàn xã Vũ Bình (Lạc Sơn)
Từ đầu năm đến nay, Đoàn xã Vũ Bình (Lạc Sơn) đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần đảm bảo an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ em trên địa bàn như: Tổ chức 2 lớp dạy bơi an toàn cho 58 trẻ em; cắm 11 biển cảnh báo ở khu vực nguy hiểm; tuyên truyền những nội dung liên quan đến phòng, chống TNTT cho học sinh tại 2 điểm trường; gắn 2 biển cổng trường an toàn giao thông… Trong thời gian tới, Đoàn xã tiếp tục phối hợp lực lượng công an, ngành, đoàn thể xã tăng cường tuyên truyền; lắp đặt pano, áp phích nội dung liên quan đến TNTT ở những khu đông người; thành lập đội đoàn viên, thanh niên xung kích, tình nguyện thường xuyên giám sát khu vực nguy hiểm như gần đường dân sinh, gần ao, hồ, suối; lồng ghép tuyên truyền, dạy kỹ năng sống, kỹ năng xử lý một số tình huống TNTT cho trẻ trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em…