Chung tay phòng ngừa, triệt xóa ma túy

Tội phạm ma túy (TPMT) chính là 'tội phạm của các loại tội phạm khác'. Do đó, phòng, chống hiệu quả với TPMT, kéo giảm người nghiện ma túy góp phần kiềm chế, đẩy lùi nhiều loại tội phạm khác, bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn.

“Tội phạm của các loại tội phạm”

Thời gian qua, Công an tỉnh Long An chủ trì, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và các lực lượng có liên quan triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch, chương trình phòng, chống ma túy. Trong đó, tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là trên tuyến biên giới, địa phương có nhiều người nghiện, địa bàn giáp ranh tỉnh Tiền Giang và TP.HCM.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của TPMT ngày càng tinh vi. Các đối tượng còn “móc nối”, liên kết với nhau hoạt động ở nhiều địa phương, liên huyện, liên tỉnh và cấu kết chặt chẽ với các đối tượng phạm tội khác. Nhiều đối tượng sẵn sàng chống trả khi bị lực lượng chức năng truy đuổi, bắt giữ. Trong đó, có những đối tượng còn trang bị vũ khí “nóng”.

Những năm gần đây, lực lượng công an phát hiện nhiều thanh niên tụ tập sử dụng ma túy trái phép trong quán karaoke (Ảnh tư liệu)

Những năm gần đây, lực lượng công an phát hiện nhiều thanh niên tụ tập sử dụng ma túy trái phép trong quán karaoke (Ảnh tư liệu)

Không riêng gì TPMT, người nghiện ma túy cũng gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình, xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự (ANTT) địa bàn. Qua rà soát, đến đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh có gần 2.300 người nghiện ma túy và hơn 1.300 người nghi nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó độ tuổi từ 18-30 chiếm gần 70%. Tuy nhiên, số liệu người nghiện nắm được chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.

“Tệ nạn ma túy không chỉ ở thành thị mà còn xảy ra ở vùng nông thôn, biên giới” - ông Nguyễn Minh Luân (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) nói. Đơn cử, các xã biên giới của tỉnh có gần 60 người nghiện ma túy. Những trường hợp này rất dễ trở thành đối tượng tiếp tay, buôn bán, vận chuyển ma túy từ bên kia biên giới sang.

Theo Thượng tá Trương Nhật Minh - Trưởng Công an huyện Bến Lức, tác hại, hệ lụy mà ma túy gây ra rất rõ. Công an tỉnh cũng đánh giá, ma túy là nguồn cơn phát sinh tội phạm của nhiều loại tội phạm khác. Thực tế, có nhiều vụ, các đối tượng khi bị bắt đã khai nhận trộm cắp, cướp giật tài sản để lấy tiền mua ma túy sử dụng. Vì vậy, việc đấu tranh, triệt xóa hiệu quả tội phạm, tệ nạn ma túy góp phần kéo giảm nhiều loại tội phạm khác.

Chung tay bài trừ ma túy

Trong cuộc chiến với TPMT, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) trong tỉnh chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch chuyên đề, nghiệp vụ và triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh. Trong 2 năm (2019, 2020), trên tuyến biên giới, lực lượng BĐBP chủ trì phối hợp các lực lượng khác phát hiện, bắt một số vụ tàng trữ, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, thậm chí hàng chục kilôgam, nổi cộm có một vụ gần 70kg ma túy. “Trong các chuyên án bắt giữ TPMT, ngoài khó khăn, nguy hiểm thì có khi còn mất rất nhiều thời gian” - Đại tá Đoàn Văn An - Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên tuyến biên giới của tỉnh, BĐBP bố trí tăng cường 36 tổ, chốt tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Lực lượng ở các tổ, chốt còn có nhiệm vụ bảo vệ ANTT địa bàn, phòng, chống các loại tội phạm. Do công tác quản lý tuyến biên giới được siết chặt, giám sát chặt chẽ 24/24 giờ nên hoạt động của các loại tội phạm, buôn lậu ở biên giới giảm sâu.

Tuy nhiên, ở nội biên, hoạt động tội phạm, tệ nạn ma túy có lúc, thời điểm vẫn phức tạp. Năm 2020, có 247 đối tượng phạm tội về ma túy bị khởi tố bị can, trong đó tàng trữ ma túy 186 bị can, vận chuyển ma túy 8 bị can và mua, bán ma túy 53 bị can. 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát hiện, bắt giữ 99 vụ/112 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Một đối tượng tàng trữ ma túy bị Công an Bến Lức bắt giữ gần đây tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch (Ảnh tư liệu)

Một đối tượng tàng trữ ma túy bị Công an Bến Lức bắt giữ gần đây tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch (Ảnh tư liệu)

Gần đây, trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch nhưng lực lượng chức năng các huyện: Cần Giuộc, Tân Thạnh, Bến Lức,... vẫn phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng tìm cách vượt chốt kiểm soát để đưa ma túy đi tiêu thụ hoặc lấy ma túy về sử dụng.

Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua, ngoài bắt giữ, triệt xóa các ổ, nhóm, đối tượng phạm tội, công an còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các đoàn thể thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy.

Ở cơ sở, nhiều mô hình phòng, chống ma túy hoặc lồng ghép trong các phong trào khác đang phát huy hiệu quả. Đơn cử như mô hình 5 lực lượng cùng quản người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư (gọi tắt là “5 quản 1”) hiện được triển khai, thực hiện ở các xã, thị trấn của huyện Cần Đước. Theo đó, UBMTTQ và các đoàn thể: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên địa phương sẽ kèm cặp, cảm hóa, giúp đỡ 1 người lầm lỗi tại cộng đồng để tiến bộ, từ bỏ những tệ nạn xã hội, hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống.

Đại tá Thái Hữu Đức - Trưởng Công an huyện Cần Đước, cho biết: Mô hình “5 quản 1” được triển khai, thực hiện từ giữa năm 2017, sau đó nhân rộng trên toàn huyện. Trong quá trình triển khai, thực hiện mô hình, các xã, thị trấn khảo sát, lập danh sách những người trong diện cần cảm hóa và phân công thành viên của các đoàn thể quản lý, giáo dục, giúp đỡ".

Sau 4 năm thực hiện mô hình, gần 700 trường hợp được các đoàn thể quản lý, giáo dục, cảm hóa. Đến nay, gần 200 trường hợp tiến bộ, hiện có việc làm ổn định, được đưa ra khỏi mô hình. UBMTTQ và 4 đoàn thể huyện Cần Đước đang quản lý, cảm hóa, giáo dục gần 450 trường hợp (trong đó có gần 400 trường hợp có chiều hướng tiến bộ).

Thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Các cấp, các ngành tăng cường nắm địa bàn, rà soát những trường hợp nghiện ma túy để có giải pháp cụ thể, nếu cần thiết thì đưa đi cai nghiện bắt buộc. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương, gia đình, xã hội, doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác giúp đỡ, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chung-tay-phong-ngua-triet-xoa-ma-tuy-a122191.html