Chung tay quản lý, bảo vệ môi trường
Môi trường là một khái niệm rộng, nhưng trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin đề cập đến một số thành phần cơ bản của môi trường như: đất, nước, không khí, tiếng động... trên địa bàn tỉnh ta.
Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường của tỉnh Ninh Bình đã được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đề cao và kiểm soát một cách tích cực, chủ động nên đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật.
Còn nhớ những năm đầu mới tái lập tỉnh, vấn đề ô nhiễm môi trường của cả tỉnh nói chung và đặc biệt là thị xã Ninh Bình lúc bấy giờ là khá nghiêm trọng. Than xỉ, khói bụi từ nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình khi đó tràn ra xung quanh. Nhiều người dân mưu sinh chủ yếu bằng nghề lấy than qua lửa đốt gạch, nung vôi bằng những lò thủ công bụi, khói mù mịt. Nước thải, rác thải sinh hoạt, y tế chưa được thu gom, xử lý theo đúng quy định tràn lan... Thị xã Ninh Bình có danh xưng là thị xã 4B (bụi, bẩn, buồn, bực) từ ngày đó....
Những năm sau đó và nhất là sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường được thành lập năm 2003, công tác quản lý, bảo vệ môi trường được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách chủ động, quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng liên quan đến môi trường được ban hành và triển khai thực hiện như: Quy hoạch môi trường tỉnh Ninh Bình; Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường tỉnh Ninh Bình... Bằng sự quyết tâm và nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, đến nay, chất lượng môi trường của tỉnh Ninh Bình đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm khói, bụi đã được khắc phục hoàn toàn.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã lắp đặt được 47 trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục tại 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh và truyền dữ liệu 24/24h về cơ quan quản lý chuyên ngành, đạt tỷ lệ 86,3%. Có 4 trong tổng số 5 khu công nghiệp; 8/15 cụm công nghiệp đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung khi nước thải ra đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với rác thải, về cơ bản các nguồn thải lớn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được kiểm soát. Hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh Ninh Bình đều đã được đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế theo quy định. 92,5% rác thải sinh hoạt của thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp được thu gom, xử lý. 83,5% các đơn vị cấp xã đã hình thành mô hình tổ thu gom rác thải nông thôn. Và điều quan trọng hơn cả là ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của người dân cả ở thành phố và nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt.
Đi khắp nơi trong tỉnh ta hôm nay, điều nổi bật có thể nhận thấy là hạ tầng kinh tế xã hội ở 2 thành phố và khu vực nông thôn đều được đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Môi trường ngày càng sáng-xanh-sach-đẹp, trở thành nơi đáng sống, đáng về.
Ninh Bình đã được nhiều tổ chức du lịch có uy tín trên thế giới bình chọn là "một trong những điểm đến tuyệt vời nhất", "một trong những điểm đáng đến nhất thế giới"... Đạt được thành quả về môi trường của tỉnh Ninh Bình như ngày hôm nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, tỉnh ta vẫn cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ môi trường, làm cho môi trường ngày càng tốt hơn. Các yếu tố nguy cơ đe dọa ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn dấu hiệu phức tạp. Điều gì sẽ xảy ra nếu có một ngày nào đó, nước thải, rác thải... nguy hại ở một hoặc nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xả, đổ trộm ra sông, ngòi; khói bụi độc hại thải ra không khí? Khi đó môi trường bị ô nhiễm, chắc chắn cuộc sống của con người bị đe dọa. Ô nhiễm nước, thực phẩm sẽ gây ra căn bệnh ung thư quái ác. Ô nhiễm không khí gây ra các loại bệnh về đường hô hấp. Ô nhiễm tiếng ồn, âm thanh gây căng thẳng, mệt mỏi... ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Nếu bị ô nhiễm môi trường, thì du lịch Ninh Bình chắc cũng không thể tồn tại được.
Do vậy, quản lý, bảo vệ môi trường có vai trò vô cùng quan trọng, cấp thiết đối với cả hệ thống chính trị và toàn thể mọi người dân Ninh Bình. Đây là trách nhiệm chung của tất cả mọi người, trong đó các cơ quan có chức năng quản lý về môi trường như: Sở Tài nguyên- Môi trường, Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh)... giữ vai trò chủ công. Để môi trường ngày càng tốt hơn, lực lượng chức năng cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường, thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nước thải, khí thải, rác thải... của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân về môi trường. Nâng cao chất lượng thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Thực hiện nhất quán chủ trương "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế". Xây dựng kế hoạch phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường của nhiệm kỳ 2020-2025 là: 90% chất thải rắn được thu gom, xử lý hợp vệ sinh khu vực đô thị; 85% chất thải rắn được thu gom, xử lý hợp vệ sinh khu vực nông thôn; 100% khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Đối với từng cá nhân, cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và có các hành động hàng ngày dù nhỏ thôi nhưng cũng góp phần bảo vệ môi trường như: không vứt rác bừa bãi; đổ, xả nước thải đúng nơi quy định; hạn chế dùng túi ni lon, túi nhựa; tiến hành phân loại rác tại nhà trước khi đem cho tổ thu gom; trồng nhiều cây xanh, cây hoa; tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phố....
Hàng ngày, mỗi người chỉ cần một hành động nhỏ bảo vệ môi trường nhưng sẽ góp phần lan tỏa trong các thành viên của gia đình, tổ dân phố, xóm làng... sẽ trở thành phong trào lớn. Ai cũng có ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường sẽ làm cho phố, xóm đẹp; xã, phường đẹp; huyện, thành phố đẹp và cả tỉnh Ninh Bình sẽ xanh, sạch, đẹp.
Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta và con cháu mai sau. Vì vậy, mọi người hãy chung tay quản lý, bảo vệ môi trường.