Chung tay 'Thắp sáng tương tai' cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Chiến tranh đã lùi xanh nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn còn hết sức nặng nề, dai dẳng. Nhiều gia đình có 3-4 nạn nhân là chất độc da cam/dioxin đang sống trong nghèo khổ và bệnh tật.

Anh Nguyễn Ngọc Phương (ở xã Quế An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) do di chứng của chất độc da cam nên chỉ cao gần 1m nhưng vẫn vượt qua hoàn cảnh giúp đỡ những trẻ em khó khăn, tàn tật khác. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Anh Nguyễn Ngọc Phương (ở xã Quế An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) do di chứng của chất độc da cam nên chỉ cao gần 1m nhưng vẫn vượt qua hoàn cảnh giúp đỡ những trẻ em khó khăn, tàn tật khác. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chiến tranh kết thúc cũng là lúc mong ước trở về gây dựng cuộc sống bên vợ, con của cựu chiến binh Lê Đình Dễnh (xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) thành hiện thực. Thế nhưng, mong ước tưởng chừng như rất đỗi giản dị ấy đã không được trọn vẹn khi bốn người con gái của ông lần lượt ra đời đều mang trong mình dị tật do chất độc da cam/dioxin.

Vợ của cựu chiến binh Lê Đình Dễnh, bà Nguyễn Thị Đàn kể: "Lúc còn bé những tưởng các cháu bị thiếu canxi, hai vợ chồng cứ đi lấy canxi về cho uống, phải đến mười năm sau mới biết các cháu bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Lúc đấy, gia đình tôi suy sụp. Sức khỏe các cháu thì hay ốm đau, có những lúc vợ đưa một cháu đi viện, chồng ở nhà một mình chăm ba đứa. Cuộc sống vô cùng vất vả, hai vợ chồng cũng chỉ biết động viên nhau vượt qua khó khăn."

Từ những ngày ẵm bồng trên tay nuôi nấng đến 7-8 tuổi mới biết đi cho đến nay các con của ông bà năm nay đã ngoài 40 tuổi nhưng nhận thức vẫn chỉ như một đứa trẻ, mọi sinh hoạt đều trông chờ vào bố mẹ. Do nhiễm chất độc da cam/dioxin, sức khỏe cựu chiến binh Lê Đình Dễnh cũng không tốt. Vậy là hơn 40 năm, đôi vai của bà Nguyễn Thị Đàn phải gồng gánh cả chồng và bốn người con bị nhiễm chất độc da cam.

Đã có lúc bà Đàn ốm vì kiệt sức, chính quyền, đoàn thể đề xuất đưa con bà tới các trung tâm bảo trợ để chăm sóc. Thế nhưng bà Đàn kiên quyết không đồng ý, với bà các con là tài sản lớn nhất của cuộc đời. Bà Đàn nói: "Con có tàn tật nhưng vẫn là con mình đẻ ra, phải yêu thương chứ không thể nào buông được."

 Bà Nguyễn Thị Đàn chia sẻ những khó khăn, vất vả khi cả 4 người con đều là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Đàn chia sẻ những khó khăn, vất vả khi cả 4 người con đều là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Cựu chiến binh Lê Đình Dễnh cũng tâm sự: “Hàng trăm nghìn người đã ngã xuống vì chiến tranh, mình giành được sự sống trở về thì đó là điều hạnh phúc nhất nên dù khó khăn thế nào thì vợ chồng tôi cũng động viên nhau vượt qua.”

Đến bây giờ, mong muốn lớn nhất của bà Đàn là chỉ mong đủ sức khỏe tốt để chăm sóc các con trong quãng thời gian còn lại. Bà Đàn chia sẻ: “Tôi cũng mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm đến thân nhân của nạn nhân chất độc da cam/dioxin để cho tôi có một khoản lương nuôi các cháu.”

Hoàn cảnh của gia đình cựu chiến binh Lê Đình Dễnh có lẽ không phải là hiếm trên khắp đất nước Việt Nam, khi mà có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm trực tiếp chất độc da cam/dioxin, trong đó có 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam với nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ. Nỗi đau ấy đã và đang kéo dài dai dẳng qua nhiều thế hệ.

Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết: “Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng hậu quả của chất độc hóa học gây ra trên đất nước ta vẫn còn hết sức nặng nề và lâu dài. Đời sống của phần lớn nạn nhân gia đình nạn nhân chất độc da cam còn rất khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất, tinh thần.”

“Hiện nay trên cả nước ta có nhiều gia đình có 3-4 nạn nhân là chất độc da cam/dioxin đang sống trong nghèo khổ và bệnh tật. Nhiều gia đình quanh năm chỉ có tiếng khóc, tiếng gào thét của con đẻ là nạn nhân chất độc da cam. Nhiều người mẹ, người vợ của nạn nhân vẫn hằng ngày hằng giờ khóc thầm lặng nữa chăm sóc cho con với nỗi đau cắn xé lòng. Nạn nhân da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ,” Trung tướng Nguyễn Hữu Chính nói.

Chất độc da cam/dioxin đã gieo rắc nỗi đau đến tận cùng qua nhiều thế hệ với hàng triệu, hàng triệu mảnh đời bất hạnh trên khắp đất nước Việt Nam trong suốt những năm qua.

Trong 13 năm qua, nhân dân cả nước đã ủng hộ hơn 30 tỷ đồng thông qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400. Năm 2023, Chương trình nhắn tin Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam đã thu về được hơn hai tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng quà các nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên cả nước hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân tại các trung tâm bảo trợ xã hội.

 Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. (Ảnh: Hoàng Hiếu/ TTXVN)

Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. (Ảnh: Hoàng Hiếu/ TTXVN)

Giữa tháng 7/2024, Chương trình gây Quỹ Cộng đồng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024 với chủ đề “Thắp sáng tương lai” đã được phát động. Mục tiêu của chương trình là trong năm 2024 sẽ vận động được trên 2 tỷ đồng để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Trung tướng Nguyễn Hữu Chính chia sẻ: “Chủ đề ‘Thắp sáng tương lai’ là thông điệp mà chúng tôi mong muốn kêu gọi, vận động nguồn lực trong nước và ngoài nước để hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn, thiết thực hơn, bền vững hơn cho nạn nhân chất độc da cam, giúp họ vơi bớt khó khăn, tạo động lực vươn lên để có cuộc sống và tương lai tươi sáng hơn.”

Hành trình xoa dịu nỗi đau da cam/dioxin khi có sự đóng góp của cộng đồng sẽ càng thêm ý nghĩa. Hàng nghìn, hàng triệu tấm lòng sẽ giúp mỗi nạn nhân chất độc da cam/dioxin sẽ có thêm động lực và niềm tin để vượt lên số phận, vượt qua chính mình./.

Các cá nhân, tổ chức có thể ủng hộ Chương trình gây Quỹ Cộng đồng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024 bằng 2 hình thức:

- Ủng hộ trên App thiện nguyện MB triển khai vận động bằng hình thức chuyển khoản đến số TK: 1961, đây là con số ứng với năm thảm họa da cam tại Việt Nam (1961). Thông tin ủng hộ được công khai, minh bạch ngay trên website thiennguyen.app và ứng dụng (App) thiện nguyện.

- Ủng hộ bằng cách quét mã QR, ủng hộ qua Ví điện tử VTC Pay, thông tin ủng hộ được thông báo chi tiết tại website https://1400.vn/xoadiunoidaudacam.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chung-tay-thap-sang-tuong-tai-cho-cac-nan-nhan-chat-doc-da-camdioxin-post969701.vnp