Chung tay thực hiện nghĩa vụ quốc tế
Trận động đất ngày 6/2 tại hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gây ra thảm kịch tàn khốc, đến nay số người thiệt mạng đã tăng lên trên 21.000. Thảm họa động đất ngày 6/2 có thể sẽ trở thành một trong những trận động đất kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại thế kỷ 21.
Trước những khó khăn mà Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang gặp phải, chiều 9/2, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức lễ xuất quân đội cứu nạn, cứu hộ (CNCH) lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai xảy ra ở rất xa lãnh thổ Việt Nam, phối hợp cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới đang nỗ lực cứu nạn, cứu hộ như El Salvador, Hàn Quốc, Algieria, Nga, Iraq, Mexico...
Hoạt động tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn đối với thảm họa thiên tai trên thế giới là nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, của lực lượng quân đội, công an, y tế…, góp phần hiện thực hóa đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Không chỉ bây giờ mà ngay từ khi thành lập nước, những hiến định về đối ngoại nói chung, nghĩa vụ quốc tế nói riêng được đặt trong tổng thể đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên xác định nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn liền với thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Trong đó khẳng định, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải “ra sức xây dựng đất nước, kiên cường bảo vệ Tổ quốc, đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế”. Đây là những hiến định cơ bản, quan trọng nhất để xác định nghĩa vụ quốc tế của nước ta.
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.
Việc khẳng định nghĩa vụ quốc tế của lực lượng vũ trang nhân dân trong Hiến pháp còn mang ý nghĩa là tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhất để mở rộng quan hệ đối ngoại quốc phòng, an ninh với các nước, cho phép nước ta tham gia vào các hoạt động nhân đạo khu vực và quốc tế, chủ động đối phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống mang tính toàn cầu, thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ xa, tránh khỏi mọi hiểm họa đe dọa đến độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc. Đồng thời, đó còn là sự khẳng định tinh thần yêu chuộng hòa bình, hợp tác, hữu nghị của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thể hiện ý chí, khát vọng hòa bình của toàn thể dân tộc Việt Nam. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế cũng chính là góp phần bảo vệ Tổ quốc XHCN, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Là thành viên của Liên hợp quốc (năm 1977), Việt Nam luôn ủng hộ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, đóng góp tích cực trong giải quyết xung đột, khủng hoảng trên thế giới. Biểu hiện rõ nét là việc Việt Nam luôn chủ động và tích cực thông qua đàm phán hòa bình để giải quyết các vấn đề chủ quyền biên giới trên bộ và trên biển với các quốc gia láng giềng. Bên cạnh đó, nhằm góp phần thúc đẩy vai trò Liên hợp quốc là một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, hiệu quả, Việt Nam tích cực tham gia xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế. Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực và trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, khẳng định vị thế và uy tín quốc tế.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đại. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, những năm qua, lực lượng Quân đội, Công an đã chủ động tham mưu, trực tiếp triển khai tham gia nhiều hoạt động trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước; đồng thời, khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Thông qua hoạt động quan trọng và đầy ý nghĩa này đã truyền đi thông điệp về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân ái, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, góp phần tạo thế và lực, bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, tất cả các quốc gia đều phải gồng mình ứng phó với dịch bệnh, trong đó có Việt Nam. Ngay từ những giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh, bên cạnh việc chia sẻ các kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam đã triển khai thực hiện những hoạt động viện trợ tích cực về vật tư, thiết bị y tế cho các hoạt động chống dịch của các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới, trong đó có cả các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc… Đặc biệt, với một số nước ASEAN như Lào và Campuchia, ngoài sự viện trợ về vật tư, thiết bị y tế như máy thở, quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, hệ thống xét nghiệm và bộ xét nghiệm, Việt Nam còn cử các đoàn chuyên gia y tế sang hỗ trợ các nước chống dịch. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành với sự xuất hiện của biến thể mới, những hoạt động này càng cho thấy tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, gửi đi thông điệp về tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau khi sẵn sàng chia sẻ, đồng hành cùng các nước chống dịch không chỉ làm cho người dân các nước thêm hiểu và thêm yêu mến Việt Nam, mà còn làm đẹp hơn hình ảnh “những người lính mũ nồi xanh” của Liên hợp quốc, qua đó góp phần khẳng định hơn nữa các chiến sỹ mũ nồi xanh của Việt Nam thực sự là các “sứ giả của hòa bình và tình hữu nghị”.
Tại lễ xuất quân, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, xuất phát từ quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ nói chung, giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan thực thi pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng cũng như góp phần chia sẻ những khó khăn mà Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp phải, Bộ Công an Việt Nam chính thức cử đoàn công tác sang Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích hỗ trợ CNCH, tìm kiếm nạn nhân và cung cấp hỗ trợ nhân đạo, giúp người dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả và sớm ổn định đời sống sau thảm họa động đất.
Theo Bộ trưởng, việc tham gia của đội CNCH của Bộ Công an Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng góp, chia sẻ một phần sức lực của Việt Nam đối với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời thể hiện cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ trên thực địa, với vai trò đại diện cho quốc gia và lực lượng Công an Việt Nam, các thành viên của đoàn công tác nỗ lực, cố gắng, tích cực phối hợp với các lực lượng khác, không quản ngại khó khăn nguy hiểm và nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái hỗ trợ lẫn nhau, phát huy bản lĩnh, phẩm chất người chiến sĩ Công an cách mạng.
Nói thêm về chuyến xuất quân mang ý nghĩa quốc tế cao cả này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Công an Việt Nam cử đoàn công tác tới làm nhiệm vụ quốc tế tại một khu vực xảy ra thảm họa ở rất xa lãnh thổ Việt Nam. Đoàn nhận nhiệm vụ ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cử các đoàn CNCH của Việt Nam sang trợ giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và xuất phát sang Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vài giờ sau khi nhận lệnh. Điều này chứng tỏ tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật và tính chiến đấu rất cao của lực lượng CNCH Việt Nam.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/chung-tay-thuc-hien-nghia-vu-quoc-te-i683123/