Chung tay vì 'lá phổi xanh' thành phố

Xung quanh các ao, hồ, từ mờ sáng cho đến tối khuya, thường là nơi diễn ra nhiều hoạt động như tập thể dục, ngắm cảnh, dạo mát của người dân. Vào những ngày hè nắng lửa, nhiều người còn ước, hồ sẽ biến thành 'nhà' của người dân xung quanh...

Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều ao, hồ nhất cả nước, tạo nên không gian bình yên. Mỗi hồ có vẻ đẹp và giá trị lịch sử riêng biệt, làm nên một phần hồn cốt của Thăng Long nghìn tuổi, và được ví như những “tấm gương soi thành phố”. Những ao, hồ giữa lòng Thủ đô cũng là điểm nhấn khác biệt thu hút khách nước ngoài. Nhưng trong thực tế, không ít hồ từng và đang bị ô nhiễm, cần những nỗ lực chung tay của các cấp, ngành và người dân.

Vẻ đẹp ao cá tại phường Vĩnh Tuy (Q. Hai Bà Trưng)

Vẻ đẹp ao cá tại phường Vĩnh Tuy (Q. Hai Bà Trưng)

Muôn sắc ao hồ

Nhắc tới ao hồ Hà Nội không thể không nhắc đến hồ Gươm hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm. Ban đầu, hồ có tên Lục Thủy (có nghĩa là nước xanh): Hà Nội có Hồ Gươm/ Nước xanh như pha mực/ Bên hồ ngọn Tháp Bút/ Viết thơ lên trời cao (Trần Đăng Khoa). Hồ Gươm đẹp và duyên dáng. Mùa nào cây cối cũng xanh tươi, đủ loại: liễu, hoàng đàn, sấu, lộc vừng, phượng vĩ... Du khách, công chức, cư dân nơi đây đều có thể nhẹ nhàng tản bộ quanh hồ để hít thở không khí trong lành một buổi sớm mai. Hoặc thư thả ngắm nhìn cảnh vật, với Tháp Bút uy nghi dáng thẳng “viết thơ lên trời cao”...

Thủ đô Hà Nội còn biết bao hồ khác nằm rải rác khắp nơi tạo nên một không gian xanh trời, xanh nước, xanh Thủ đô: Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, Hồ Bảy Mẫu, Hồ Ba Mẫu, Hồ Thủ Lệ, Hồ Ngọc Khánh, Hồ Linh Đàm, Hồ Hai Bà Trưng... Mỗi hồ một nhan sắc, với vẻ đẹp và truyền thống lịch sử riêng biệt. Đi đâu trên mảnh đất Hà thành cũng thấy hiển hiện tên hồ, ao gắn liền với lịch sử, truyền thuyết, văn hóa và con người đất kinh kỳ. Điều này đã làm cho Thăng Long - Hà Nội không chỉ đẹp mà còn thêm thiêng liêng.

Xung quanh các ao, hồ, từ mờ sáng cho đến tối khuya, thường là nơi diễn ra nhiều hoạt động như tập thể dục, ngắm cảnh, dạo mát của người dân. Vào những ngày hè nắng lửa, nhiều người còn ước, hồ sẽ biến thành “nhà” của người dân xung quanh. Tuy vậy, hồ không chỉ hữu ích mỗi khi nắng nóng. Hồ còn là những tấm gương để thành phố nghiêng mình duyên dáng soi bóng. Nếu Hà Nội không có hồ, nghĩa là thành phố không có không gian để thở, giảm bớt sự duyên dáng, trữ tình và lãng mạn.

Nhưng cảnh quan của nhiều hồ nước xinh đẹp đang bị ảnh hưởng. Người dân vứt bừa bãi rác thải nhựa, thức ăn thừa, nước thải sinh hoạt... xuống mặt nước xanh. Người ta đổ đất lấn chiếm diện tích mặt hồ. Người ta bẻ và phá hoại cây xanh và thậm chí vi phạm các công trình văn hóa nơi đây… Đó là những hành vi thiếu tinh thần xây dựng và là điều khó chấp nhận với cách ứng xử văn hóa.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), tâm sự: “Hà Nội thật đẹp với các hồ tự nhiên. Tuy nhiên, những năm gần đây với tốc độ phát triển đô thị một cách chóng mặt, các hồ ở Hà Nội ngày càng bị ô nhiễm nặng và thu hẹp. Đó cũng chính là lý do tôi thành lập Trung tâm CECR với mong muốn kêu gọi, gắn kết các tổ chức, các cá nhân cũng như cộng đồng cùng tham gia bảo vệ các hồ ở Hà Nội”.

Chung tay bảo vệ

Một thống kê gần đây nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn Thủ đô hiện chỉ còn lại 111 hồ với tổng diện tích 1.165ha. Nhiều diện tích ao hồ đã bị lấp và bị lấn chiếm. Riêng hồ Tây đã thu hẹp hơn 500ha. Chỉ trong vòng gần 30 năm, tính từ 1990 trở lại đây, ở Hà Nội đã có tới 21 hồ bị “xóa sổ” và hơn 150ha diện tích mặt nước hồ “bốc hơi”. Người dân vừa là thủ phạm cũng lại chính là nạn nhân của thực trạng ao, hồ mất dần.

Trước tốc độ ô nhiễm, xuống cấp hạ tầng các ao, hồ, từ năm 2009, UBND TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp bảo vệ ao, hồ. Cụ thể là tiến hành thí điểm công tác xử lý ô nhiễm đối với 7 hồ gồm: hồ Quỳnh, hồ Xã Đàn, hồ Ngọc Khánh, hồ Hai Bà Trưng, hồ Ao đình Ngọc Hà, hồ Dài và hồ Kim Liên. Năm 2010, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội tiến hành xử lý ô nhiễm tại 26 hồ lớn trong nội đô để trả lại vẻ đẹp cảnh quan cũng như bảo đảm môi trường xanh sạch đẹp khu dân cư xung quanh.

Chiều 20/1/2011 tại Hội nghị giới thiệu Đề án và công tác xã hội hóa cải tạo môi trường các hồ nội thành Thủ đô UBND TP Hà Nội cũng kêu gọi các doanh nghiệp tiến hành đăng ký cải tạo các ao hồ ô nhiễm. Ngay sau đó, các doanh nghiệp có mặt đã trực tiếp và gián tiếp đăng ký ủng hộ chủ trương của thành phố tổng cộng 296 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng trong chiều 20/1, nhiều ao, hồ đã được các doanh nghiệp đăng ký cải tạo với tổng vốn đầu tư khoảng 430 tỷ đồng.

Cũng dịp đó, Trung tâm CECR cũng mới thành lập trang web “Hồ Hà Nội” tại địa chỉ http://www.cecr.vn với mục đích kết nối cộng đồng nhằm gìn giữ và bảo vệ các hồ ở Hà Nội, hỗ trợ sự hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các chuyên gia môi trường, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư quanh hồ. Đây là nơi truy cập thông tin khoa học, giúp tìm hiểu các phương thức truyền thống và hiện đại để bảo vệ hồ, đóng góp các sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm để chung tay bảo vệ, giám sát môi trường xung quanh các hồ.

Bên cạnh trang web “Hồ Hà Nội”, CECR còn xây dựng một số bản đồ định vị các hồ trong 6 quận trên bản đồ Hà Nội. Từ bản đồ này sẽ xác định được toàn cảnh hiện trạng các hồ một cách tương đối chính xác, xây dựng các mô hình bảo tồn, du lịch văn hóa liên quan, các con đường sinh thái, du lịch nối liền các hồ lại với nhau, tạo ra những cảnh quan sinh thái đẹp cho Hà Nội.

Tháng 3/2014, UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt Quy hoạch Hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030 đưa Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch, cơ bản giải quyết các vấn đề ô nhiễm khu vực nội thành cũ, cải thiện môi trường sinh hoạt của người dân.

Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C, và đã xử lý được 88 hồ khu vực nội thành, 44 hồ khu vực ngoại thành. Đồng thời các đơn vị chức năng đã nạo vét bùn 8 hồ (Giáp Bát, Công viên Ngọc Lâm, cầu Tình, Kim Liên lớn và nhỏ, Hồ Trúc Bạch (phần eo hồ), Đền Lừ, Quỳnh) để hỗ trợ công tác duy trì chất lượng hồ.

Nói về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho hay, những năm qua các chính sách cụ thể, việc cải tạo và hiệu quả trong công tác bảo vệ ao hồ vẫn chưa được nâng cao. Kết quả là nhiều ao hồ còn bị ô nhiễm, tiếp tục bị lấn chiếm. Thậm chí đến bây giờ vẫn bị lấn chiếm mà chưa có phương án để giải quyết dứt điểm. “Phải mặc lại áo cho ao, hồ. Nói cụ thể hơn là cần phải quan tâm hơn, bảo vệ ao hồ không bị ô nhiễm, cải tạo lại tránh để nhếch nhác đến khuôn mặt của ao hồ, cũng là của chung thành phố. Bởi giá trị của ao hồ là vô cùng lớn lao đối với người dân đô thị. Ao hồ như những lá phổi của thành phố”, ông Đăng nhấn mạnh.

Thực tế, ngay trong quá trình cải tạo mặt nước, hoặc vừa cải tạo xong, đã có hiện tượng hồ vẫn ô nhiễm, cá vẫn chết hàng loạt. Bởi vậy, cuộc chiến giải cứu các ao, hồ trên địa bàn thành phố vô cùng tốn kém và phải có sự kết hợp của nhiều ngành chức năng, đồng thời dựa vào ý thức người dân. Mỗi người phải ý thức chung, gìn giữ bảo vệ môi trường sống của mình.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đang hoạt động sinh sống cạnh ao, hồ phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; bắt buộc 100% các cơ sở mới đầu tư xây dựng phải có các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Diên Khánh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chung-tay-vi-la-phoi-xanh-thanh-pho-90570.html