Chung tay vì nguồn năng lượng bền vững

Việc bùng nổ các dự án điện năng lượng tái tạo (NLTT) nối lưới và điện mặt trời mái nhà thời gian qua không chỉ mang lại lợi ích cho đất nước, nhà đầu tư và người dân, mà còn tạo cơ hội cho hàng nghìn doanh nghiệp (DN) tham gia thị trường điện NLTT ở tất cả các lĩnh vực... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số bất cập, cần được tháo gỡ trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời

Dự kiến từ nay đến năm 2030, nhu cầu điện tại Việt Nam tăng trưởng từ 8-10%. Trong bối cảnh nguồn năng lượng sơ cấp như thủy điện, điện than chậm tiến độ và không còn nhiều, chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương là xây dựng các cơ chế khuyến khích để phát triển hiệu quả nguồn NLTT, nhất là điện gió và điện mặt trời, nhằm nhằm bổ sung nguồn điện trong giai đoạn tới.

Với sự chỉ đạo của Chính phủ cùng các cơ chế như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg; Quyết định 13/QĐ-TT; Quyết định 39/2018/QĐ-TTg… nhờ đó khuyến khích được nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện của đất nước.

Tuy nhiên, việc phát triển nhanh nguồn điện NLTT thời gian qua cũng còn một số hạn chế, do hạ tầng lưới điện truyền tải chưa theo kịp với tiến độ của các dự án điện NLTT do thiếu vốn, vướng công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, một số dự án điện mặt trời, nhất là các dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã hoàn thành đưa vào vận hành, nhưng ở một số thời điểm chưa thể giải tỏa hết công suất.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã tích cực xây dựng các chính sách cũng như giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NLTT, nhất là điện gió, mặt trời. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà nhất là ở khu vực miền Trung và miền Nam. Trong đó, việc phát triển điện mặt trời mái nhà được đánh giá sẽ mang lại hiệu quả, vì không chỉ giúp người dân tiết kiệm được một phần chi phí tiêu dùng điện, mà còn có nguồn thu từ việc bán điện dư thừa cho ngành điện…

Nhằm khuyến khích điện mặt trời mái nhà, trong Quyết định 13 của Chính phủ cũng đưa ra giá cố định là 8,35 cent/kWh. Tôi cho rằng, đây là cơ chế giá hấp dẫn, khuyến khích người dân khai thác, góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện trong thời gian tới.

Ông Phạm Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận: Đầu tư đúng giúp kinh tế - xã hội "cất cánh"

Hiện, tỉnh Ninh Thuận đã cấp 34 dự án điện mặt trời, trong đó có 21 dự án với công suất hơn 1.300 MW đã hoàn thành phát điện, hơn 11 dự án đang triển khai với công suất hơn 2.200 MW, bao gồm hơn 50 MW điện mặt trời mái nhà. Hoàn thành và đưa vào vận hành 3 dự án điện gió với 229 MW và 278 MW dự án thủy điện vừa và nhỏ. Đến cuối năm 2020, tổng nguồn phát điện đưa vào vận hành trên địa bàn Ninh Thuận là 2.680 MW, sản lượng điện phát tối đa 3,5 tỷ kWh.

Bên cạnh đó, có gần 10 dự án truyền tải điện 110/220/500kV đang triển khai đồng bộ, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, góp phần giải quyết các vướng mắc liên quan đến giải tỏa công suất của các nhà máy điện NLTT trên địa bàn.

Các dự án đi vào hoạt động đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Năm 2019, ngành công nghiệp-xây dựng đã có tốc độ tăng tới 39,7%; GPDR của tỉnh đạt 13,18%, nằm trong top 5 của cả nước. Đặc biệt, thu ngân sách của tỉnh từ hoạt động đầu tư, xây dựng sản xuất của dự án năng lượng đã đạt hơn 4.300 tỷ đồng, vượt trước một năm chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra là 3.000 tỷ đồng vào năm 2020… Như vậy, sự đầu tư đúng hướng, đã giúp kinh tế-xã hội của địa phương “cất cánh”.

Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương đã đưa ra những chính sách kịp thời, nhằm khuyến khích phát triển nguồn NLTT. Hiện, trong số 55.000 MW nguồn điện thì điện NLTT đã chiếm 10,9% và hỗ trợ tích cực hệ thống điện trong giờ cao điểm.

Tuy nhiên, việc phát triển nhanh điện NLTT, nhất là điện mặt trời nối lưới ở một số khu vực đã gây áp lực lên lưới điện truyền tải, vì vậy, EVN đã có những giải pháp kịp thời để giải tỏa tối đa nguồn điện này. Cụ thể, chúng tôi đã báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ, bổ sung vào quy hoạch một số dự án truyền tải (đường dây, trạm biến áp) và cho triển khai ngay. Đồng thời, phối hợp với UBND các tỉnh - nơi có dự án hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhanh để triển khai các dự án truyền tải giải tỏa công suất.

Đối với điện mặt trời mái nhà, EVN đã đơn giản hóa thủ tục và ứng dụng công nghệ thông tin… tạo điều kiện cho người dân, DN có nhu cầu lắp đặt được ký hợp đồng mua-bán điện và các thủ tục khác nhanh, thuận tiện nhất. Theo đó, chỉ trong vòng 2 ngày kể từ khi tiếp nhận thông tin, khách hàng và ngành điện có thể hoàn tất mọi giao dịch…

Thời gian tới, EVN sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn một số nhà cung cấp vật tư, thiết bị, dịch vụ cao đưa lên trang website để người dân tham khảo. Ngoài ra, kết hợp với Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội kỹ sư của Đức xây dựng và hoàn thiện các công cụ tính toán, trên cơ sở tính toán mức độ bức xạ để người dân đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến – Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Xanh: Cần cơ chế linh hoạt hơn

Những khách hàng đã gắn điện mặt trời đều nhận thấy rất hữu ích, không chỉ giảm tiền điện hàng tháng, mà còn dư điện để bán ngược lại cho ngành điện. Theo đó, nhiều gia đình đã mở rộng công suất.

Hiện tại, Công ty TNHH Năng lượng Xanh đang hướng đến các nhà máy, nhà xưởng và khu nông nghiệp công nghệ cao có thể lắp đặt dưới 1 MW theo quy định. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị nhà nước nên nới giới hạn công suất điện mặt trời áp mái lên trên 1 MW, thậm chí có thể lên tới 70-80% tổng nhu cầu sử dụng điện của họ, vì nhiều DN có mặt bằng lớn, nhu cầu sử dụng điện rất cao. Việc lắp đặt cũng không ảnh hưởng tới lưới điện phân phối, vì họ lấy xuống bao nhiêu MW thì chúng ta cho phép lắp đặt thấp hơn số đó khoảng 20% đề phòng trường hợp họ bán điện ngược trở lại lên lưới.

Với cơ chế giá điện mặt trời mái nhà đã được ban hành thì người dân, DN rất phấn khởi. Nếu có những cơ chế linh hoạt hơn, tôi tin rằng phong trào lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ tiếp tục được nhân rộng, mang lại lợi ích cho xã hội.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chung-tay-vi-nguon-nang-luong-ben-vung-140149.html