Chung tay xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

Từ trước đến nay, xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định không chỉ là mối quan tâm của riêng doanh nghiệp và người lao động mà cả các cấp, ngành, đơn vị liên quan. Phát huy vai trò, vị trí của mình, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đã có nhiều nỗ lực vun đắp mối quan hệ doanh nghiệp, người lao động. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh LÊ NGUYỄN HUYỀN TRANG xoay quanh vấn đề này.

- Trước tiên, xin cảm ơn Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Lê Nguyễn Huyền Trang đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Bà có thể cho biết về vai trò quan trọng của việc xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp?

- Trước tiên, xin cảm ơn Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Lê Nguyễn Huyền Trang đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Bà có thể cho biết về vai trò quan trọng của việc xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp?

- Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng, không những giúp việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đạt kết quả tốt, mà còn góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đây cũng chính là động lực để thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh. Trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau COVID-19, việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp càng có ý nghĩa lớn. Vì thế, không chỉ riêng doanh nghiệp, người lao động, công tác này còn thu hút sự quan tâm lớn đến từ các cấp, ngành, đơn vị liên quan.

- Thời gian qua, Sở LĐ,TB&XH đã có nỗ lực như thế nào để góp phần giúp doanh nghiệp và người lao động xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định?

- Để góp phần giúp doanh nghiệp và người lao động xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, thời gian qua, Sở LĐ,TB&XH đã chủ trì, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh phối hợp với công đoàn cùng cấp nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, ý kiến, kiến nghị của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong quá trình thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động cùng các chính sách liên quan để kiến nghị với UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Sở cùng các cấp công đoàn chú trọng thực hiện công tác tư vấn pháp luật lao động, pháp luật công đoàn. Trung bình mỗi năm, riêng ngành LĐ,TB&XH tư vấn bình quân cho trên 450 lượt lao động.

Hằng năm, sở đều phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động. Cùng với LĐLĐ tỉnh và công đoàn cấp huyện, chúng tôi hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở tham gia với doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho công nhân lao động...

Cùng với các đơn vị liên quan, Sở LĐ,TB&XH đã rà soát những doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng chưa ký kết thỏa ước lao động tập thể để hỗ trợ công đoàn cơ sở hoặc đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết. Nhiều lớp tập huấn hướng dẫn quy trình, nội dung thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể đã được tổ chức. Kết quả, đến nay có 75% số doanh nghiệp trên địa bàn có tổ chức công đoàn cơ sở thực hiện được việc ký thỏa ước lao động tập thể với các điều khoản có lợi hơn cho công nhân lao động so với quy định pháp luật.

- Xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định là điều mà cả doanh nghiệp lẫn người lao động hướng đến. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, mối quan hệ này không phải lúc nào cũng “cơm lành, canh ngọt”. Vậy, ngành LĐ, TB&XH cùng với các cấp, ngành, đơn vị liên quan đã vào cuộc như thế nào khi những tranh chấp lao động nảy sinh, thưa bà?

- Trong 5 năm qua, Quảng Trị xảy ra 10 vụ tranh chấp lao động. Nguyên nhân của các vụ việc chủ yếu là do doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động hoặc vi phạm các quyền lợi khác. Theo ghi nhận, số đơn kiến nghị của tập thể người lao động trong 5 năm qua có tăng.

Khi xảy ra tranh chấp lao động, cùng các cấp công đoàn và cơ quan chức năng, cán bộ Sở LĐ,TB&XH đã chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động, kịp thời giải quyết vụ việc. Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 3 buổi đối thoại trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp để kịp thời giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; tiếp thu những đề xuất hợp lý của người lao động để kịp thời kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết... Đặc biệt, năm 2023, Sở LĐ,TB&XH phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức thành công hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đoàn viên, cán bộ, viên chức, lao động năm 2023. Hằng năm, sở đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên lao động.

Công nhân Công ty Cổ phần May Quảng Trị đối thoại với người sử dụng lao động - Ảnh: T.L

Công nhân Công ty Cổ phần May Quảng Trị đối thoại với người sử dụng lao động - Ảnh: T.L

Không dừng lại ở đó, Sở LĐ,TB&XH đã tích cực phối hợp với LĐLĐ tỉnh, cùng các ngành liên quan trong việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người lao động. Trong giai đoạn 2018 - 2023, có 105 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người lao động gửi đến các cấp chính quyền và tổ chức công đoàn đã được giải quyết. Ngành LĐ,TB&XH, cơ quan BHXH đã phối hợp với công đoàn các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, pháp luật công đoàn, các chính sách có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công nhân lao động. Hằng năm, có bình quân 50 doanh nghiệp trên địa bàn được thanh tra, kiểm tra.

- Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, đề nghị bà cho biết việc giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn còn những khó khăn, hạn chế gì?

- Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện vẫn còn nhiều người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở chưa chú trọng đến quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Điều này dẫn đến việc vẫn còn nhiều thỏa ước lao động tập thể hạn chế về chất lượng, chưa đảm bảo nhu cầu của người lao động. Công tác tham gia xây dựng thang lương, bảng lương của công đoàn cơ sở cũng còn hạn chế. Phần lớn công đoàn cơ sở nhất trí theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng, chưa đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động về mức lương, thời hạn nâng bậc lương phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp và nguyện vọng của người lao động. Năng lực hòa giải của hòa giải viên tuy đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu hòa giải lao động.

- Thời gian tới, Sở LĐ,TB&XH cùng các ngành, đơn vị liên quan có giải pháp như thế nào để phòng ngừa, giải quyết những vấn đề nảy sinh giữa doanh nghiệp và người lao động?

- Để phòng ngừa, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn dù là nhỏ nhất giữa doanh nghiệp và người lao động, thời gian tới, Sở LĐ,TB&XH sẽ tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tuyên truyền, tư vấn cho người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn, lấy quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động làm động lực ổn định doanh nghiệp. Cùng với đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể; ký kết, thực thi thỏa ước lao động tập thể; giải quyết tranh chấp lao động, đình công trong doanh nghiệp...

Một nhiệm vụ quan trọng khác là chúng tôi thường xuyên nắm bắt tình hình về an ninh trật tự tại các doanh nghiệp; chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các dấu hiệu móc nối, lôi kéo, kích động người lao động đình công, ngừng việc không đúng quy định; đầu tư nguồn lực cho công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có đông công nhân để làm tốt chức năng quan hệ lao động; ưu tiên đầu tư cho công tác tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động và công tác đối thoại, thương lượng tập thể...

Không dừng lại ở đó, sở sẽ tiếp tục cùng LĐLĐ tỉnh và các ngành liên quan triển khai các giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về quan hệ lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ công chức làm công tác quản lý quan hệ lao động; kiện toàn số lượng và chất lượng đội ngũ thanh tra lao động; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp...

- Xin cảm ơn bà!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/chung-tay-xay-dung-quan-he-lao-dong-hai-hoa-on-dinh-tao-dong-luc-cho-doanh-nghiep-phat-trien/182438.htm