Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai

Đây là chủ đề của Tuần lễ quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) năm nay. Để giảm thiệt hại, các cấp, ngành, địa phương phải chủ động phòng ngừa theo phương châm 'bốn tại chỗ'.

Xã Thanh Quang (Thanh Hà) có 7/10 km mặt đê đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại trên mặt đê

Xã Thanh Quang (Thanh Hà) có 7/10 km mặt đê đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại trên mặt đê

"Bốn tại chỗ"

Thanh Quang (Thanh Hà) là xã duy nhất của tỉnh và là một trong 6 xã của khu vực đồng bằng sông Hồng được chọn để xây dựng thí điểm mô hình "Xã bảo đảm đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chóng thiên tai tại chỗ trong xây dựng nông thôn mới". Xã có gần 10 km đê bao quanh bởi các sông Gùa, Thái Bình, Văn Úc. Hầu hết các tuyến đê có địa chất kém, chủ yếu là đất pha cát, sông sát chân đê. Nhiều năm trước, xã có nhiều điểm đê, kè xung yếu dễ xảy ra thiên tai khi có mưa lớn. Những năm gần đây, do được quan tâm đầu tư nên các sự cố đê điều đã cơ bản được xử lý. Hiện toàn xã đã được đầu tư xây dựng 4 tuyến kè với tổng chiều dài gần 2 km; 7/10 km mặt đê được bê tông hóa.

Ông Đồng Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Quang cho biết: "Xã được bao bọc bởi nhiều sông và có hệ thống đê dài nhất huyện nên dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Việc chuẩn bị vật tư, phương tiện, con người theo phương châm "bốn tại chỗ" được địa phương đặc biệt quan tâm. Mới đây, Tổng cục PCTT đã hỗ trợ xã nhiều áo phao, máy nổ và nhiều loại máy móc, thiết bị với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng để bổ sung trang thiết bị phục vụ cho công tác PCTT tại chỗ".

Chuẩn bị vật tư dự trữ là một trong số các nhiệm vụ chính của công tác PCTT. Tại Cụm chống lụt Ba Hàng (TP Hải Dương) các loại vật tư cứu hộ, cứu nạn được sắp xếp gọn gàng, đầy đủ với hơn 30 chủng loại. Các loại vật tư cũ, hỏng không bảo đảm điều kiện đều được rà soát để kịp thời bổ sung, thay mới. Nhiều loại vật tư như rọ thép, vải lọc, bao nilon, bạt chống sóng, nhà bạt, lều bạt cùng nhiều loại cuốc, xẻng, dây điện, máy phát điện, máy cưa… luôn sẵn sàng khi có thiên tai xảy ra.

Ngoài vật tư, phương tiện, các địa phương đã xây dựng được lực lượng PCTT ở cơ sở lên tới gần 30.000 người. Với nguồn nhân lực, vật lực được chuẩn bị đầy đủ sẽ giúp các cấp, ngành chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, sự cố phát sinh ngay từ giờ đầu, qua đó giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Cán bộ Cụm chống lụt Ba Hàng (TP Hải Dương) kiểm tra vật tư phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão

Cán bộ Cụm chống lụt Ba Hàng (TP Hải Dương) kiểm tra vật tư phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão

Giảm tối đa thiệt hại

Hải Dương có hệ thống công trình đê điều lớn gồm 19 tuyến đê với tổng chiều dài hơn 373 km. Trong đó, đê từ cấp III trở lên dài 255,9 km, 117,3 km đê dưới cấp III; 78 tuyến kè, 12 vị trí bờ lở, 278 cống dưới đê, 8 tuyến đê bối dài 28,8 km. Do có hệ thống đê điều, thủy lợi lớn nên các khu vực trong tỉnh dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nhiều vị trí đê điều, bờ lở, kè, cống xảy ra sự cố nên có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình đê điều. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh, Hải Dương có thể xảy ra 21/23 loại hình thiên tai (trừ gió mạnh trên biển và sóng thần). Trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra các loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất... Các đợt thiên tai đều gây thiệt hại lớn cho nhiều địa phương.

Những năm gần đây, các đợt thiên tai ít gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đã chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó với thiên tai. Theo Ban chỉ huy PCTT - TKCN, PCTT phải được thực hiện theo hướng quản lý rủi ro tổng hợp theo lưu vực, liên vùng và liên ngành. Khi xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư công trình phải đánh giá đầy đủ các yếu tố làm gia tăng rủi ro thiên tai. PCTT phải lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" gắn với xây dựng cộng đồng và nông thôn mới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải coi công tác PCTT là nhiệm vụ trọng tâm, tránh tư tưởng chủ quan, chuẩn bị chu đáo các mặt, chủ động sẵn sàng đối phó với mọi tình huống thiên tai ác liệt nhất có thể xảy ra theo phương châm "bốn tại chỗ" để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/chung-tay-xay-dung-xa-hoi-an-toan-truoc-thien-tai-167961