Kỷ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7): Sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ bảo hiểm y tế

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phạm Minh Thành.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phạm Minh Thành.

Nhờ có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), gặp khi chẳng may ốm đau, tai nạn, phải nhập viện điều trị dài ngày hoặc phẫu thuật, nhiều bệnh nhân đã được quỹ bảo hiểm chi trả số tiền lớn.

Trả lời Báo Đồng Nai, ông PHẠM MINH THÀNH, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh nhấn mạnh, tham gia BHYT không chỉ đảm bảo an sinh xã hội mà còn mang tính nhân văn, sẻ chia sâu sắc.

Số người tham gia BHYT tăng nhanh chóng

Luật BHYT số 25/2008/QH12 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 46/2014/QH13 ngày 13-6-2014) có ý nghĩa ra sao, thưa ông?

- Hệ thống BHYT quốc gia là hệ thống an sinh xã hội nhằm đạt được sự đoàn kết xã hội bằng cách chia sẻ rủi ro và cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết. Trong hệ thống này, người dân đóng góp phí bảo hiểm hoặc được nhà nước đóng/hỗ trợ mức đóng. Cơ quan BHXH thu và quản lý các khoản đóng góp đó để cung cấp cho người dân các quyền lợi BHYT khi họ cần. BHYT giúp người dân tránh được việc phải chi trả các chi phí y tế đắt đỏ liên quan đến bệnh tật và thương tích.

Luật BHYT được ban hành đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, là cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân.

Chủ đề của Ngày BHYT năm 2024 là: Sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở.

Thưa ông, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn Đồng Nai thay đổi như thế nào?

- Ngày 7-9-2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. Suốt 15 năm qua, chính sách BHYT ở nước ta ngày càng được hoàn thiện theo hướng mở rộng và đảm bảo tốt nhất quyền lợi BHYT của người tham gia. Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, Đồng Nai đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện dịch vụ y tế với kết quả tích cực.

Nếu như năm 2009, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn Đồng Nai mới đạt 52,8% dân số thì đến cuối năm 2023 đã tăng lên 93%. Mục tiêu đến cuối năm 2024 sẽ đạt 94% và đến năm 2030 đạt 97%.

Lãnh đạo BHXH tỉnh và lãnh đạo Sở Y tế trao thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội cho người dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Biên Hòa tại lễ kỷ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh:H.Dung

Lãnh đạo BHXH tỉnh và lãnh đạo Sở Y tế trao thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội cho người dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Biên Hòa tại lễ kỷ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh:H.Dung

Quyền lợi của người tham gia BHYT được tăng lên đáng kể. Năm 2009, Đồng Nai có trên 2,8 triệu lượt người tham gia khám, chữa bệnh BHYT với số tiền được chi trả hơn 362 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, số lượt khám, chữa bệnh BHYT trong tỉnh đã tăng lên hơn 7,4 triệu lượt với số tiền hơn 3,2 ngàn tỷ đồng. Tổng giai đoạn 2009-2024, quỹ BHYT đã đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho khoảng 70 triệu lượt người trên địa bàn tỉnh với số tiền hơn 26 ngàn tỷ đồng.

Ngoài những chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Đồng Nai có chính sách riêng gì về BHYT, thưa ông?

- Đồng Nai là một trong số ít các tỉnh, thành phố trong cả nước không bị bội chi quỹ BHYT. Quỹ BHYT luôn đảm bảo cân đối và có kết dư. Từ nguồn quỹ BHYT kết dư, tỉnh đã trích một phần theo quy định của Luật BHYT để đầu tư cho các cơ sở y tế mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh BHYT ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tại kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh khóa X (tháng 7-2022), HĐND tỉnh đã thông qua 3 nghị quyết sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ BHYT, BHXH cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, đã có hơn 130 ngàn người trên địa bàn tỉnh (gồm: người dân tộc thiểu số; người mắc bệnh hiểm nghèo; người từ 70-79 tuổi; học sinh, sinh viên khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh và học sinh tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật; người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống theo quy định chuẩn hộ có mức sống trung bình của tỉnh…) đã được thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT từ 3 nghị quyết này.

Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT

Thưa ông, làm thế nào để những người chưa tham gia BHYT hiểu và tích cực tham gia vào hệ thống này?

- Bên cạnh những người dân có hoàn cảnh gia đình thật sự khó khăn, chưa có điều kiện mua thẻ BHYT, vẫn có những người có tâm lý chủ quan cho rằng sức khỏe của mình tốt, không cần phải đi khám bệnh hoặc chỉ khi bị bệnh mới mua thẻ BHYT.

Đổng Nai hiện có hơn 2,9 triệu người có thẻ BHYT. Hiện còn khoảng 350 ngàn người, bao gồm nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, chưa tham gia BHYT.

Như chúng ta biết, sức khỏe là vốn quý nhất của con người, không có sức khỏe thì không thể làm được việc gì. Tham gia BHYT, mỗi năm người dân chỉ phải đóng chưa đến 1 triệu đồng nhưng khi chẳng may ốm đau, tai nạn, bị bệnh mạn tính (là những việc xảy ra không ai lường trước được), vào viện cấp cứu, điều trị, người dân sẽ được quỹ BHYT thanh toán số tiền cao gấp nhiều lần số tiền đã bỏ ra để mua thẻ BHYT. Thậm chí, có những người bị bệnh mạn tính, bệnh hiếm, ghép tạng đã được quỹ BHYT thanh toán số tiền hàng tỷ đồng.

Các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ra sao để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, thưa ông?

Bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn phải điều trị suốt đời, được hưởng đầy đủ chế độ bảo hiểm y tế, giảm rất nhiều chi phí cho bản thân và gia đình. Ảnh: Hạnh Dung

Bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn phải điều trị suốt đời, được hưởng đầy đủ chế độ bảo hiểm y tế, giảm rất nhiều chi phí cho bản thân và gia đình. Ảnh: Hạnh Dung

- Các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến xã đã và đang không ngừng nỗ lực, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh. Các bệnh viện thường xuyên triển khai những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như: mổ tim hở, mổ tim nội soi, thay khớp gối, khớp háng…, hợp tác với các chuyên gia đầu ngành ở trong và ngoài nước để khám, chữa bệnh cho người dân trong tỉnh. Qua đó, giúp người dân trong tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương mà vẫn được quỹ BHYT chi trả, không phải tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí khi phải lên các bệnh viện tuyến trên như trước.

Ngành bảo hiểm có giải pháp gì để đảm bảo việc sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả, tránh lãng phí, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, thưa ông?

- BHXH tỉnh tăng cường công tác giám định tập trung đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, chủ động kiểm soát việc sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT chặt chẽ, đúng quy định, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; đồng thời, thường xuyên phối hợp với Sở Y tế phân bổ thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu phù hợp với năng lực phục vụ của các cơ sở y tế; đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh có các giải pháp đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã chủ trì, phối hợp tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT cho từng cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Sở Y tế tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ công tác giải quyết vướng mắc trong thực hiện BHYT; tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách BHYT với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT, phát hiện, xử lý kịp thời các cá nhân, tập thể sai phạm.

Để sớm đạt mục tiêu bao phủ BHYT 100%, tỉnh có giải pháp gì, thưa ông?

- Mặc dù có rất nhiều nỗ lực nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 350 ngàn người dân chưa tham gia BHYT, trong đó có những người yếu thế, khó khăn nhưng không thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT.

Với tinh thần tương thân, tương ái, chung tay vì sức khỏe cộng đồng, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân, tổ chức xã hội tích cực tham gia hỗ trợ, mua và tặng thẻ BHYT cho những người có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có chỗ dựa khi ốm đau, bệnh tật thông qua chương trình Mang Tết ấm cho người khó khăn được tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình do ngành BHXH Việt Nam phát động.

Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202406/ky-niem-15-nam-ngay-bao-hiem-y-te-viet-nam-1-7-su-dung-co-hieu-qua-nguon-quy-bao-hiem-y-te-c064944/