Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Gần 60 năm trôi qua kể từ khi xảy ra thảm họa da cam ở Việt Nam (1961 - 2020), nhưng nỗi đau vẫn còn mãi trong cơ thể của những người bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH). Với đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) đã thường xuyên quan tâm chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin (CĐDC) vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Những hoạt động thiết thực

Sở LĐ, TB&XH cho biết: Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng (sửa đổi), Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI); 5 năm qua, sở triển khai chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH đạt nhiều kết quả. Từ năm 2015, Sở LĐ, TB&XH phối hợp với Sở Y tế, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố rà soát số lượng người nghi nhiễm CĐHH. Qua rà soát toàn tỉnh có trên 5.000 người nghi nhiễm CĐHH. Để các đối tượng chính sách, NCC “không ai bị bỏ lại phía sau”, từ năm 2016 đến nay, sở phối hợp với các cơ quan, ban ngành giải quyết chế độ kịp thời cho hơn 1.000 đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH hưởng trợ cấp hàng tháng. Hiện nay, số đối tượng còn sống và đang hưởng trợ cấp hàng tháng người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm CĐHH là 910 người. Trong đó có 666 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ là 244 người.

Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP. Phan Thiết tặng quà cho con của người bị nhiễm CĐDC

Bên cạnh đó, Sở LĐ, TB&XH còn phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương giải quyết hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH theo đúng quy định và không có hồ sơ trễ hạn. Nhờ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu cụ thể đạt 100% người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi NCC theo quy định hiện hành. Ngoài ra, các đối tượng nghi nhiễm CĐHH (đối tượng bảo trợ xã hội) cũng được giải quyết chế độ theo quy định hiện hành. Ngoài ra, các chế độ ưu đãi khác đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH được triển khai rộng khắp. Cụ thể là cấp BHYT; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào tình trạng bệnh tật của từng người và khả năng của Nhà nước. Các đối tượng được đưa đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe 2 năm 1 lần; trường hợp người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm…

Huy động các nguồn lực trong xã hội

Theo nhận định của Sở LĐ, TB&XH, quá trình thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Đáng chú ý, mức hỗ trợ giữa NCC với cách mạng và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH so với người nghi nhiễm CĐHH (đối tượng bảo trợ xã hội) còn chênh lệch nhiều. Mặt khác, nhiều trường hợp ghi nhận có tham gia ở chiến trường thuộc vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH bị mắc bệnh hiểm nghèo nhưng loại bệnh không thuộc danh mục quy định của Bộ Y tế nên không đủ điều kiện xem xét hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH. Các chính sách hỗ trợ đối với nạn nhân còn thấp nên chỉ giải quyết được một phần cuộc sống của nạn nhân.

Chính vì vậy, thời gian tới Sở LĐ, TB&XH sẽ tiếp tục quán triệt và phổ biến Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi), Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và các chính sách liên quan đến giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH. Đồng thời, tập trung giải quyết chế độ đối với đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH kịp thời, đảm bảo quy định và không để hồ sơ tồn đọng. Mặt khác, tiếp tục đề xuất, kiến nghị và xin ý kiến bộ, ngành Trung ương các vấn đề còn vướng mắc và chưa phù hợp trong thực hiện giải quyết chế độ để được hướng dẫn cho đối tượng; không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH. Song song, tiếp tục huy động các nguồn lực trong xã hội chung tay giúp đỡ các nạn nhân CĐDC khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

K.Anh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/chung-tay-xoa-diu-noi-dau-da-cam.-132841.html