Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát
Xóa nhà tạm, nhà dột nát đang là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đậm 'tình đồng chí, nghĩa đồng bào', mang tính toàn dân, toàn diện của cả hệ thống chính trị. Hưởng ứng phong trào này, thời gian qua TP. Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nỗ lực huy động các nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Hỗ trợ đúng người, đúng hoàn cảnh
Với tinh thần “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của; ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, trong thời gian qua Đà Nẵng đang triển khai đồng bộ các giải pháp để sớm có thêm những căn nhà được xây bằng nghĩa đồng bào; giúp người dân sớm được sống trong những ngôi nhà an toàn, an cư lạc nghiệp.
Cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động các nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội để hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong đó, rà soát kỹ toàn địa bàn với yêu cầu “3 không” (không sai đối tượng; không bỏ sót đối tượng; không để xảy ra đơn thư, khiếu kiện trong và sau quá trình triển khai thực hiện); triển khai đồng bộ các giải pháp để sớm có thêm những căn nhà nghĩa tình; giúp người dân sớm được sống trong những ngôi nhà an toàn, an cư lạc nghiệp.
Với nhiều nỗ lực trong năm 2024, tại Đà Nẵng, trên cơ sở Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công cách mạng và Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo năm 2024, từ nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ Vì người nghèo thành phố, UBND các địa phương phối hợp với UBMTTQ Việt Nam các cấp đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 903 nhà với tổng kinh phí 30,665 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 496 nhà hộ gia đình có công cách mạng với tổng kinh phí 17,07 tỷ đồng; hỗ trợ 407 nhà hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền 13,595 tỷ đồng.
Bên cạnh hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho người có công, Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước đầu tư xây dựng chung cư xã hội cho người có công với cách mạng từ ngân sách nhà nước. Từ năm 2020, UBND thành phố đã ban hành đề án Xây dựng các khu chung cư xã hội để bố trí cho gia đình người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu xây dựng 400 căn hộ chung cư cho người có công, tổng kinh phí đầu tư 400 tỷ đồng.
Theo đề án, trong giai đoạn 1 (2020-2024), thành phố hoàn thành chung cư cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên (quận Ngũ Hành Sơn) với số lượng 209 căn hộ để ưu tiên bố trí cho các hộ gia đình người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở. Trong giai đoạn 2 (2023-2025), thành phố tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng một số căn hộ tại khu vực quận Hải Châu hoặc Thanh Khê. Giai đoạn 3 (2024-2025), đầu tư xây dựng số căn hộ còn lại tại khu đất đường Trương Vĩnh Ký (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang).

Đà Nẵng - địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng chung cư xã hội cho người có công với cách mạng từ nguồn ngân sách
Nỗ lực “về đích” sớm
Đến nay, toàn thành phố còn 997 nhà ở xuống cấp, hư hỏng đủ điều kiện hỗ trợ xây, sửa chữa nhà, trong đó: 504 nhà người có công, 493 nhà hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhiệm vụ từ nay đến trước ngày 2/9/2025, Đà Nẵng phấn đấu tập trung nguồn lực hỗ trợ toàn bộ nhà ở xuống cấp, đủ điều kiện hỗ trợ xây, sửa chữa nhà. Đồng thời, tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá hỗ trợ nhà ở cho hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân đang ở nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thành phố theo phát động của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với cả nước, nhằm huy động sự đồng thuận, chung tay của các tầng lớp nhân dân góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát, mới đây, Ban Chỉ đạo Thành ủy về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát phối hợp với UBMTTQ Việt Nam thành phố tổ chức lễ phát động ủng hộ chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” năm 2025 trên địa bàn thành phố; kêu gọi toàn thể nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức hưởng ứng, chung tay ủng hộ chương trình từ nay đến ngày 31/7/2025. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động ủng hộ một ngày lương; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, người dân ủng hộ theo tinh thần tự nguyện.
Đặc biệt, ngay sau Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thành phố với 22 thành viên; tất cả các quận, huyện và phường, xã cũng đã hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo.
Để tạo không khí thi đua sôi nổi và triển khai thực hiện có hiệu quả, tiến độ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, UBMTTQ Việt Nam các cấp, các đoàn thể, cơ quan, địa phương, đơn vị tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, góp phần tạo động lực, truyền cảm hứng xã hội; tạo sự đồng thuận để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng cộng đồng trách nhiệm trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tác động bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, cùng chung tay ủng hộ với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Đồng thời, ông Vĩnh cũng lưu ý, chính quyền địa phương các cấp có vai trò quyết định sự thành công của chương trình, đặc biệt là phát huy vai trò, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc rà soát, nắm chắc số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ bảo đảm chính xác, đúng đối tượng, đúng tiêu chí; đa dạng hóa các nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm; huy động tối đa mọi nguồn lực từ xã hội, cùng với nguồn lực của nhà nước để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chung-tay-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-160589.html