Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo
Ngày 16/3/2024, chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông báo trước về một phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ sớm được phát động trên toàn quốc, bởi nhà ở là một trong ba trụ cột của an sinh xã hội, 'an cư mới lạc nghiệp'.
Và đến ngày 13/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương đã phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên cả nước trong năm 2025. Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ tháng 4/2024 và tổng kết vào cuối năm 2025.Thủ tướng chia sẻ, mọi người dân, doanh nghiệp, ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, không màu mè, không hình thức, giúp người nghèo hiện thực hóa ước mơ bao đời nay, là “an cư lạc nghiệp”. Tại lễ phát động, Thủ tướng đã đưa ra mục tiêu là vận động xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước từ nay đến hết năm 2025.
Nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tập trung mọi nguồn lực để đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn cả nước, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; tạo tiền đề để tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 19/6/2024 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 539/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”.
Thông qua phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và toàn xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở. Đồng thời, khích lệ sự đồng hành, hỗ trợ trực tiếp của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước...
Phát huy truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, nhân ái, nghĩa tình, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương), tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi công dân tập trung thi đua: Huy động, vận động các nguồn lực của Nhà nước, của xã hội, doanh nghiệp, của toàn dân thực hiện thành công mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 với sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân. Trong đó, nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng với nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở; kết hợp nội lực với ngoại lực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Xây dựng các công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đảm bảo an toàn, có chất lượng, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc, các vùng miền và đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với nguyên tắc hỗ trợ đến từng hộ gia đình, phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi tầng lớp Nhân dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.
Để phong trào đạt được kết quả như mong đợi, rất cần sự nỗ lực của cả cộng đồng, sự sẻ chia của những tấm lòng, cần có thêm những vòng tay kết nối thiết thực hơn nữa... Xóa nhà tạm, nhà dột nát phải với tinh thần “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”.Trong đó, các địa phương phải: Ban hành đề án, kế hoạch hỗ trợ việc xây dựng nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, hộ gia đình người có công trên địa bàn với mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và hỗ trợ gia đình có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 để mọi người dân có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn đúng quy định, kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích và có hiệu quả; chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền địa phương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tổ chức kêu gọi, vận động các nguồn lực ủng hộ, giúp đỡ hộ gia đình thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, hộ gia đình người có công đến người dân bằng hình thức phù hợp. Công bố công khai các tiêu chí, đối tượng được thụ hưởng chính sách đảm bảo dân chủ, công bằng, minh bạch, đúng quy định để mọi người dân đều nắm rõ, hiểu biết đầy đủ và giám sát việc thực hiện các chính sách được hỗ trợ.
Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, mà đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên từ chính các hộ nghèo với tinh thần đoàn kết để chiến thắng đói nghèo.
Thực tế những năm qua, Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, trở thành một hình mẫu về xóa đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chung-tay-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-cho-nguoi-ngheo-214512.htm