'Chúng tôi có thể giúp Việt Nam sản xuất 5.000 - 10.000 máy thở mỗi tháng'
'Cha đẻ' của máy thở Hummingbird dự kiến cung cấp 15.000 máy thở cho thị trường Việt Nam, đợt đầu sẽ chuyển giao 2000 máy nhằm chống dịch Covid-19.
Nhà phát minh, doanh nhân Trần Ngọc Phúc là cái tên được quan tâm tại Việt Nam những ngày gần đây sau thông tin chuyển giao công nghệ để sản xuất 2.000 máy thở cho Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam đang gồng mình chống dịch Covid-19, hành động ý nghĩa này đã khiến cho nhiều người Việt hết sức cảm kích. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Ngọc Phúc:
- Ông là nhà phát minh, doanh nhân thành công tại Nhật Bản nhưng lại luôn hướng về quê mẹ Việt Nam. Được biết, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ông cũng sẽ tiếp tục chung tay cùng Chính phủ Việt Nam?
Chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở. Khi tiếp nhận công nghệ của chúng tôi, Việt Nam sẽ sản xuất được rất nhiều máy thở trong thời gian ngắn.
- Kế hoạch cụ thể thế nào, thưa ông?
Metran dự kiến sẽ hợp tác với một đối tác trong nước để thực hiện một số dự án, trong đó có dự án sản xuất máy thở. Metran sẽ chia sẻ đối tác này bản quyền sáng chế máy thở.
Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp 15.000 máy thở cho thị trường Việt Nam, đợt đầu sẽ chuyển giao 2000 máy phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
- Việc sản xuất số lượng sản phẩm lớn như vậy liệu có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Metran sẽ chế tạo một phiên bản máy thở để đáp ứng cho đợt dịch Covid-19 lần này.
Doanh nhân thì luôn phải quan tâm đến lợi nhuận. Nhưng cá nhân tôi lại quan tâm sản phẩm tôi làm ra có lợi cho bệnh nhân hay không.
Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc
Hiện tại, chúng tôi đang phải đối mặt với hai vấn đề. Thứ nhất là có linh kiện hay không. Một trong các linh kiện quan trọng nhất trong máy thở là flow sensor (cảm biến lưu lượng) để đo lưu lượng và pressure sensor (cảm biến áp lực) để đo áp lực. Các công ty sản xuất máy thở trên thế giới đều đã đặt trước các linh kiện này.
Nhật Bản và Việt Nam đi chậm hơn so với các quốc gia khác. Trong bối cảnh đó, vấn đề hiện nay là làm thế nào để mua được các linh kiện này. Do vậy, Metran đang làm việc với các công ty tư vấn lớn nhất trên thế giới có mối quan hệ với các chuỗi cung ứng cảm biến để nhanh chóng tìm kiếm nguồn cung cấp linh kiện và đưa ra danh sách các linh kiện mà Metran cần mua.
Hiện nay, các công ty này đang triển khai việc tìm kiếm nguồn linh kiện. Tôi nghĩ rằng với mạng lưới quan hệ và sức mạnh của các công ty tư vấn này, họ sẽ nhanh chóng tìm được nguồn cung cấp linh kiện, đồng thời giúp đẩy nhanh tốc độ giao hàng.
Một vấn đề khác là nguồn nhân lực để phục vụ cho việc lắp ráp máy thở. Hiện tại Metran đang có một nhà máy sản xuất trang thiết bị Y tế ở Việt Nam, ngoài ra em trai của tôi đang điều hành công ty sản xuất linh kiện cho xe ô tô, với 2.500 nhân viên ở tỉnh Bình Dương và Trà Vinh. Việc kiểm soát chất lượng tại công ty này được thực hiện rất nghiêm ngặt. Chúng tôi có thể huấn luyện và huy động nguồn nhân lực này cho việc sản xuất máy thở.
Như vậy, nếu khó khăn về nguồn cung cấp linh kiện được giải quyết, chúng tôi có thể sản xuất từ 5.000 đến 10.000 máy thở/tháng. Trong tháng đầu, dự kiến sẽ sản xuất từ 1.000 đến 2.000 chiếc. Sau đó sẽ tự động hóa một số công đoạn nhằm tăng sản lượng để đạt mục tiêu sản xuất từ 5.000 đến 10.000 chiếc/tháng.
Video: Cận cảnh công tác điều trị tại tâm dịch Bệnh viện Bạch Mai
Trong những ngày vừa qua thì có khoảng 30 quốc gia đã liên lạc với chúng tôi trao đổi về việc hiện tại chúng tôi có thể cung cấp sản phẩm như thế nào, giá cả ra sao?
Hiện có nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản đang đề nghị đặt hàng mua máy thở của Metran.
Tuy nhiên, do năng lực sản xuất của Metran có hạn nên chúng tôi đang làm việc với các công ty tư vấn lớn nhất trên thế giới để chuyển nhượng bản quyền sáng chế máy thở cho các đơn vị tuân thủ các chính sách của Metran. Điều này sẽ giúp tăng năng lực sản xuất máy thở trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã nghiên cứu chế tạo một phiên bản máy thở đơn giản hơn để đáp ứng nhu cầu cấp bách về phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, phiên bản này đang chờ sự cấp phép của Chính phủ Nhật Bản.
- Ông là nhà phát minh đồng thời cũng là doanh nhân. Ông quan tâm đến điều gì nhất khi sản xuất những chiếc máy thở?
Doanh nhân thì luôn phải quan tâm đến lợi nhuận. Nhưng cá nhân tôi lại quan tâm sản phẩm tôi làm ra có lợi cho bệnh nhân hay không. Tôi luôn cho rằng khởi nghiệp không khó, giữ nghiệp mới khó. Tôi nghĩ làm kinh doanh không chỉ tính đến lợi nhuận mà còn phải có đạo đức.
Nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc sinh năm 1947, quê ở Thừa Thiên Huế. Ông Phúc có bằng kỹ sư đại học Tokai University (Nhật Bản).
Năm 1982, ông Phúc phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO) cho trẻ em sinh non. Hummingbird đã vượt qua 7 đối thủ đến từ các nước trên thế giới, giành giải nhất trong cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard do Viện Y tế Hoa Kỳ tổ chức.
Trước khi có Hummingbird, 90% trẻ sinh non tại Nhật Bản tử vong. Sau khi có chiếc máy này, 99,7% trẻ sinh non được cứu sống. Có thể nói phát minh năm 1982 của người Việt Nam sống tại Nhật Bản - Trần Ngọc Phúc đã tạo ra bước ngoặt.
Năm 1984, ông sáng lập Công ty Metran, giữ chức vụ tổng giám đốc và sau này là chủ tịch. Tháng 7/2012, Nhật hoàng Akihito đã ghé thăm Công ty Metran.
Năm 2016, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng máy thở Hummingbird do công ty của ông tài trợ. Tháng 11/2018, ông nhận Huân chương Mặt trời mọc tia sáng bạc.
Ông Trần Ngọc Phúc hiện là hội trưởng Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản.