Chúng tôi đã bật khóc khi biết tuổi hưu tăng lên 60
Ở độ tuổi U60, các cô giáo vùng cao liệu còn sức để đi đến trường, điểm trường để dạy học nữa hay không? Thời gian xa gia đình của các cô sẽ phải kéo dài thêm.
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, Bộ luật lao động (sửa đổi) với 17 chương, 220 điều đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11 với tỉ lệ phiếu tán thành 93,79%, khép lại những tranh luận về độ tuổi nghỉ hưu, khung giờ làm thêm, ngày nghỉ lễ...
Quốc hội đã quyết định tăng độ tuổi nghỉ hưu theo phương án tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Tuy vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu này đã gây ra rất nhiều hoang mang cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, đặc biệt là giáo viên mầm non vùng cao.
Liệu rằng ở cái tuổi 60 các “bà” giáo mầm non này còn đủ sức leo núi, cắm bản nữa hay không?
Đường đi lại vùng cao lúc đó có thể sẽ tốt hơn nhưng những lúc mưa nắng thất thường, trái gió, trở giời ai sẽ đảm bảo các “bà” giáo mầm non an toàn khi đến trường?
Hầu hết, các giáo viên đều tỏ ra rất hoang mang trước quy định nữ 60 tuổi mới được về hưu.
Bày tỏ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thị Hồng, hiệu trưởng trường Mầm non Chà Tở (Nậm Pồ, Điện Biên) cho biết, các giáo viên vùng cao đang khá tâm tư với quy định này.
Theo cô Hồng, các giáo viên tại trường Chà Tở tỏ ra rất bất ngờ và hi vọng các cấp lãnh đạo sẽ có những quy định cụ thể, đặc thù đối với giáo viên vùng cao, đặc biệt là giáo viên mầm non.
“Đối với các giáo viên vùng thuận lợi, dạy trẻ mầm non đến 60 tuổi đã là quá sức. Đằng này, giáo viên vùng khó như chúng em không thể tải nổi. Vì ngoài áp lực trong công việc, nghề nghiệp chúng em còn phải cắm bản, giao thông đi lại khó khăn.
Chúng em sẽ phải sống xa ra đình thêm nhiều năm nữa…”, cô giáo Hồng tâm sự.
“Đâu phải ai cũng có điều kiện chuyển về vùng thuận lợi, gần nhà được. Ở vùng cao, địa hình miền núi như vậy mà giáo viên nữ từ 50 tuổi trở lên đi xe máy liệu có an toàn nữa không? Những người như giáo viên vùng cao, giáo viên cắm bản như các cô cả một đời xa gia đình, xa con cái mà phải đến 60 tuổi mới được về nhà…
Nghĩ đến viễn cảnh đó chúng em đã thấy sợ hãi….”, cô Hồng cho biết thêm.
Còn cô giáo Tòng Thị Thoa (sinh năm 1991), giáo viên trường mầm non Chà Tở khi được hỏi về việc 60 tuổi mới được nghỉ hưu cô giáo chỉ trả lời ngắn gọn: “Chắc đến lúc bọn em xin nghỉ trước thôi, chứ 60 tuổi đi bộ còn mệt huống chỉ bọn em phải đi bản đường xá đi lại khó khăn.
Bây giờ còn trẻ, mùa khô còn đi xe máy được chứ mùa mưa chúng em toàn phải đi bộ thôi. Cũng chẳng biết đến lúc ấy thế nào”.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Thu, Hiệu trưởng trường Mầm non Nà Khoa (Nậm Pồ, Điện Biên) cho biết: “Theo em để giáo viên mầm non đến 60 tuổi mới được về hưu sẽ có rất nhiều bất cập. Đặc biệt là giáo viên vùng cao.
Lúc đó, học sinh nhìn các cô giáo già đã không thích rồi chứ chưa nói đến lúc phải múa hát. Ở tuổi trên 50 các cô giáo đã không còn độ dẻo dai, sức khỏe đi xe máy leo núi sẽ không thể đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, việc dạy và học lúc đó chắc chắn sẽ có nhiều đổi mới, chuyên môn nghiệp vụ lúc nó các cô nắm bắt được cũng đã rất vất vả rồi chứ chưa nói đến nói đến cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin…”
Theo cô Thu, các cô ở trường cũng bàn tán nhiều về việc 60 tuổi mới được cầm sổ hưu, chưa nói đến việc các cô còn ốm đau, gia đình, con cái…
Với kinh nghiệm của mình cô giáo Thu kết luận rằng cô giáo mầm non vùng cao không thể 60 tuổi mới được nghỉ hưu. Hiện tại trường mầm non Nà Khoa, giáo viên cao tuổi nhất là 37 tuổi.
Cũng bày tỏ tâm tư với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Khoàng Hà Pơ, giáo viên trường Mầm non Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cho rằng lúc đó không biết còn sức để đi dạy nữa hay không nhưng nếu đi được cô vẫn dạy, nếu đủ sức leo núi nữa cô vẫn leo núi.
Bao giờ không có sức dạy nữa thì thôi, cô Pơ cho biết.