'Chúng tôi đã thất bại': Sự tuyệt vọng của nhà khoa học Brazil trước dịch COVID-19
Natalia Pasternak đã trải qua chiến dịch truyền thông không ngừng nghỉ để chống lại kế hoạch phản khoa học của Tổng thống Jair Bolsonaro trước tình hình dịch bệnh COVID-19 hỗn loạn ở nước này. Tuy nhiên, cô đã trở nên tuyệt vọng khi số lượng tử vong do COVID-19 tại Brazil đã lên đến hơn 100.000 người.
Trong nhiều tháng, Natalia Pasternak đã kêu gọi người dân Brazil phải quan tâm đến sự nguy hiểm của coronavirus trong các lần xuất hiện trên TV, bài báo và các chương trình phát trực tuyến (live stream). “Tôi từng phải đi phỏng vấn lúc 2 giờ sáng”, nhà vi sinh vật học và phát thanh viên Natalia Pasternak - người điều hành một nhóm có tên là Viện Khoa học câu hỏi cho biết.
Khi dịch COVID-19 hoành hành tại Brazil, Pasternak đã lên án kế hoạch phản khoa học của Tổng thống Jair Bolsonaro, tố cáo các tin tức giả mạo cùng phương pháp điều trị chưa được chứng minh dựa trên thuốc chloroquine. Cô kêu gọi 210 triệu công dân của đất nước này tôn trọng các biện pháp kiểm dịch để có thể kiểm soát được dịch bệnh.
“Việc mở cửa trở lại… là công thức cho sự thảm họa”, nhà khoa học 43 tuổi cảnh báo trong một chương trình truyền hình gần đây, khi các nỗ lực ngăn chặn dần đi vào ngõ cụt với số ca lây nhiễm và tử vong tăng vọt. 5 tháng sau khi ca tử vong đầu tiên của Brazil được xác nhận, Pasternak thất vọng và lo sợ rằng nỗ lực của mình sẽ trở nên vô ích.
Vào thứ Bảy tuần trước, số liệu tử vong chính thức đã lên đến 100.000 người, tăng lên từ 10.000 người vào đầu tháng 5. Brazil đã ghi nhận hơn 3 triệu ca lây nhiễm chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ.
Như bao người dân Brazil khác, Pasternak lên án ông Bolsonaro, một người theo chủ nghĩa dân túy và gọi COVID-19 là “bệnh cảm cúm thông thường”. Chính quan điểm này đã khiến Bolsonaro bỏ qua các biện pháp phòng ngừa mà ông cho là gây tổn hại cho nền kinh tế và khiến hai Bộ trưởng Y tế Brazil từ chức trong cuộc khủng hoảng.
“Là tổng thống, đích thân ông ấy phải chịu trách nhiệm. Hành động của ông ấy thật đáng trách”, Pasternak nói.
Natalia Pasternak đã kêu gọi người dân Brazil quan tâm đến sự nguy hiểm của coronavirus - Ảnh: Paulo Vitale
Pasternak là một phần của cộng đồng các nhà khoa học, phóng viên và các nhà hoạch định chính sách đang đấu tranh để truyền tải mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 ở Brazil và xác định các lối thoát khả thi. Kể từ tháng 3, cô đã cảnh báo và đưa ra kiến nghị với chính phủ, bằng cách viết hơn 50 bài báo, xuất hiện trên 19 chương trình phát sóng và thực hiện gần 300 cuộc phỏng vấn.
“Tôi đã làm mọi thứ có thể để tuyên truyền cho người dân về cách thức hoạt động của khoa học. Chúng tôi cần tin tưởng vào khoa học để thực hiện các quyết định của mình vì đó là công cụ tốt nhất để chống lại đại dịch này”, Pasternak chia sẻ.
Nhưng với việc Tổng thống Jair Bolsonaro ủng hộ các phương pháp điều trị COVID-19 không hiệu quả dựa trên hoạt chất trị sốt rét hydroxychloroquine và xóa bỏ giãn cách xã hội, đây là một cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn.
“Ông ấy khiến người dân hoang mang về mức độ nghiêm trọng của đại dịch và các giải pháp chữa bệnh thực sự hiệu quả. Nếu thực hiện các biện pháp cách ly hợp lý, chúng tôi có thể đã tránh được ít nhất một nửa trong số 100.000 ca tử vong này”, Pasternak tuyên bố và nói rằng vào tháng 3, báo cáo của một trường đại học cho rằng các hành động khẩn cấp có thể giữ số người chết ở Brazil xuống còn 44.000.
“Chúng tôi đã có thể tránh được điều này. Tất nhiên là không hoàn toàn nhưng con số 100.000 người chết là mốc lẽ ra có thể tránh được”, cô nói thêm.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro và những người ủng hộ đã có những phản ứng tích cực hơn đối với các quan điểm trước đại dịch của ông. “Brazil không chống dịch tệ như một số người đã nói”, Thống đốc Minas Gerais, bang đông dân thứ hai nước này, nhấn mạnh hồi đầu tháng.
Một chiến dịch tuyên truyền của chính phủ có tên là “Placar da Vida” đã thổi phồng số người được “cứu” nhờ nỗ lực của chính phủ, nhưng lại bỏ qua số liệu tử vong.
Tổng thống Jair Bolsonaro chào mừng những người ủng hộ bên ngoài dinh thự tại Cung điện Alvorada, Brazil vào ngày 24.7 - Ảnh: Eraldo Peres
Khi so sánh với các nước khác, phản ứng của chính phủ Brazil đối với đại dịch là một thảm họa. Nền kinh tế số 1 khu vực Mỹ Latinh có số lượng người nhiễm bệnh và chết vì COVID-19 đứng thứ hai thế giới. Số lượng người chết trên một triệu người được xác nhận đứng thứ 11. Kể từ cuối tháng 5, tỷ lệ tử vong trung bình trong 7 ngày của Brazil đã gần bằng hoặc trên 1.000 người/ngày.
Mặc dù vậy, nhiều khu vực đang mở cửa trở lại, với các bãi biển ở Rio đông nghẹt người, người mua sắm đổ xô đến các trung tâm thương mại và tỷ lệ giãn cách xã hội giảm mạnh.
“Điều nguy hiểm là chúng tôi đang bình thường hóa điều này, đến mức mà nhiều người suy nghĩ rằng mọi thứ đã ổn và dịch bệnh đã kết thúc. Không, nó vẫn chưa kết thúc. 1.000 người chết mỗi ngày vì bệnh truyền nhiễm là điều không bình thường. Vai trò của chúng tôi với tư cách những người truyền thông khoa học là tiếp tục nói ra sự thật để thu hút mọi người và khiến họ nhận ra rằng đại dịch vẫn đang diễn ra”, Pasternak cảnh báo.
Viện của Pasternak là một trong số các nhóm tuyên truyền đang cố gắng nâng cao nhận thức của người dân trước COVID-19. Kể từ tháng 4, một đài tưởng niệm trực tuyến có tên “Inumeráveis” đã tôn vinh các nạn nhân như một cách để nhấn mạnh sự nguy hiểm của dịch bệnh.
Rayane Urani (31 tuổi), người điều hành dự án chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng chống lại sự bình thường hóa này bằng yêu thương. Họ không chỉ là số người tử vong. Họ từng là bố, từng là mẹ hay là người yêu của ai đó. Điều cuối cùng là, tất cả đều là những người đáng được trân trọng”.
Khi Brazil tiến đến con số tàn khốc mới nhất, Pasternak nói rằng cô nghĩ mọi thứ có thể sẽ khác đi. Một mạng lưới lớn gồm các nhân viên y tế cộng đồng trực thuộc dịch vụ y tế quốc gia đã có thể được huy động để tuyên truyền với người dân Brazil, cách ly mọi người dựa trên các triệu chứng và theo dõi các tiếp xúc của họ.
“Sự kiểm dịch thích hợp đáng lẽ phải được thực hiện, giống như ở Đức và New Zealand. Nếu thế thì giờ đây chúng tôi đã có cùng kết quả với các quốc gia này, đó là mở cửa trở lại một cách an toàn với cuộc sống hầu như bình thường. Nhưng chúng tôi không có được sự lãnh đạo quyết đoán, thậm chí không có một bộ trưởng y tế thường trực. Chính phủ đang xử lý khủng hoảng một cách ngớ ngẩn… và đây là một trong những lý do lớn nhất khiến Brazil rơi vào hoàn cảnh này”, Pasternak khẳng định.
Chỉ xếp sau Mỹ, Brazil hiện vẫn là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới. Tổng số ca mắc COVID-19 được ghi nhận đến ngày 10.8 đã vượt mốc 3 triệu ca và hơn 101.000 ca tử vong. Riêng tại Sao Paulo, bang đông dân nhất của Brazil và cũng là tâm dịch của cả nước, đã ghi nhận 627.126 ca mắc bệnh và 25.114 ca tử vong.
Hoàng Phương (theo The Guardian)