'Chúng tôi đang sống thay những người hy sinh'

Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam gồm 31 tác phẩm của 31 tác giả, trong đó mỗi tác giả trở về từ chiến trường đều có một số phận riêng biệt.

“Các cựu chiến binh của mãi mãi tuổi 20 đã sống thay cho những người đã hy sinh, sống thay cho những ngôi mộ chỉ có một dòng chữ mờ nhạt theo thời gian chưa có tên liệt sĩ” - bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Mãi mãi tuổi 20, bày tỏ.

Hiệu ứng cho hàng triệu trái tim

Ngày 22-7, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm, gặp gỡ tác giả và nhân chứng lịch sử của bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam.

Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam gồm 31 tác phẩm của 31 tác giả, trong đó mỗi tác giả trở về từ chiến trường đều có một số phận riêng biệt; mỗi tác phẩm trước khi đến với bạn đọc đều có một hành trình hàng chục năm với bao tình tiết ly kỳ.

Đứng trên bục phát biểu, bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Mãi mãi tuổi 20, lại nhớ hơn cả về thời điểm cách đây 15 năm, khi hai cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc được xuất bản.

Theo bà Dung, hai cuốn nhật ký đã tạo nên hiệu ứng cho hàng triệu con tim Việt Nam. Chính hiệu ứng xuất bản và lan tỏa của cuốn sách mà Quỹ Mãi mãi tuổi 20 được thành lập. Lực lượng chính của quỹ chính là những cựu sinh viên, trong đó cựu sinh viên 69-71 chiếm số đông.

“Đó là thời điểm tổng động viên cả nước. Đúng ngày 6-9-1971, tất cả sinh viên ngồi trên ghế nhà trường đã xếp bút nghiên lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước” - bà Dung hồi tưởng.

Khi đất nước đã hòa bình, đội quân tuổi 20 của những năm 69-71 bây giờ theo bà Dung đã có mặt ở mọi miền đất nước, họ hành quân, trèo đèo lội suối như những người lính, như những thanh niên xung phong ngày xưa. Chỉ có điều, như bà Dung nói: Chúng tôi không đi dưới làn bom đạn của Mỹ nhưng đều gặp rất nhiều khó khăn. Có những nơi mà đội quân mãi mãi tuổi 20 đặt chân đến mà lãnh đạo địa phương chưa một lần tới đó.

Bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Mãi mãi tuổi 20. Ảnh: V.THỊNH

Bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Mãi mãi tuổi 20. Ảnh: V.THỊNH

Chưa có bộ sách về chiến tranh ngang tầm cuộc chiến

Trong những cuộc hành quân của Quỹ Mãi mãi tuổi 20, bà Dung vẫn có nhiều kỷ niệm mà mỗi khi nhắc lại bà đều không kìm được giọt nước mắt của mình. Bà kể có những đồn biên phòng giữa thời bình ngày nay, nơi bà đặt chân đến, phó đồn trưởng không dám lấy vợ.

“Bởi vì họ đã tự tay mình nhiều lần mai táng đồng đội, họ không muốn một người phụ nữ lại phải chịu cảnh này nếu mình lại nằm xuống” - bà Dung thổn thức.

“Chúng tôi cũng mong muốn những tập tiếp theo hoặc khi có điều kiện tái bản, bộ sách sẽ được bổ sung thêm những tác phẩm một thời thuộc “pháo bên kia chiến tuyến nhưng bây giờ đều là người Việt Nam, để góp phần làm sáng tỏ trang sử oai hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc.”

Nhà văn ĐẶNG VƯƠNG HƯNG, chủ biên bộ sách
Nhật ký thời chiến Việt Nam

Ở một câu chuyện khác, bà nức nở khi nhắc đến một người cựu chiến binh chỉ muốn gặp được những đồng đội không chiến đấu cùng nhau với tâm niệm: Chỉ cần là cựu chiến binh đã là đồng đội. Người lính đó bị nhiễm chất độc màu da cam và hai con mình cũng vậy. Sau cuộc gặp với những người đồng đội đó, người lính kia đã yên tâm nhắm mắt ra đi.

Cũng có mặt tại buổi tọa đàm, cựu chiến binh Trương Công Đạo, Giám đốc Quỹ Mãi mãi tuổi 20, cầm theo đến tọa đàm cuốn Sông Đông êm đềm, bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất của nhà văn Nga Mikhail Aleksandrovich Sholokhov với lời trăn trở:

Lịch sử chiến tranh của chúng ta cực kỳ vĩ đại nhưng chúng ta chưa có bộ sách nào viết về chiến tranh để ngang tầm với cuộc chiến của dân tộc, ngang tầm với sự hy sinh.

Từ đó ông bày tỏ hy vọng: 10 đến 20 năm sau, các nhà văn của chúng ta có thể viết được những tác phẩm, những tiểu thuyết văn học xứng đáng, ngang tầm với cuộc chiến đấu oanh liệt của tổ quốc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Câu lạc bộ Trái tim người lính

Tại tọa đàm, Câu lạc bộ Trái tim người lính (Soldier’s Heart Club) - một diễn đàn của các cựu chiến binh trên mạng xã hội Facebook đã công bố cuộc vận động sưu tầm thư và nhật ký được viết trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, nhằm bổ sung tư liệu cho bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam.

Đồng thời, câu lạc bộ cũng phát động cuộc thi viết và kể chuyện “Tình yêu trong chiến tranh” với mục đích phát hiện, tìm kiếm những chuyện tình đẹp, cảm động nhất, đã giúp cho nhiều người vượt qua bom đạn, cái chết và chiến thắng chính mình.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/chung-toi-dang-song-thay-nhung-nguoi-hy-sinh-925842.html