'Chúng tôi đi tìm bệnh nhân nặng...'

BS. Lê Minh Ngọc - BV ĐH Y Hà Nội, là 1 trong 10 gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2021. Nói về những tháng ngày hào hùng trên mảnh đất phương Nam, Bình Dương ngày đó, là cả câu chuyện dài nhiều kỷ niệm của anh.

Đánh chặn từ xa giảm tải bệnh nhân nặng

Cuối tháng 7/2021, thời điểm dịch bệnh đang khốc liệt nhất tại các tỉnh phía Nam, nhận được sự phân công của Bộ Y tế, đoàn bác sĩ của Bệnh viện Đại học (BVĐH) Y Hà Nội lên đường hỗ trợ Bình Dương chống dịch.

Khi đó đoàn gồm 6 người do PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV dẫn đầu, vào Bình Dương thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19.

Ngày 25/7, trên chuyến bay chở hàng, đoàn chuyên gia của BVĐH Y Hà Nội trong đó có BS. Lê Minh Ngọc - Trung tâm Tim mạch - Phó đoàn công tác lên đường vào tâm dịch.

Trên chuyến bay chở hàng, đoàn y bác sĩ BVĐH Y Hà Nội vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch. Ảnh: NVCC

Trên chuyến bay chở hàng, đoàn y bác sĩ BVĐH Y Hà Nội vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch. Ảnh: NVCC

Nhớ lại những ngày đầu hỗ trợ chống dịch, BS. Ngọc (sau này nhận nhiệm vụ Trưởng khoa A51 và A52 - Đơn vị hồi sức người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch, Bệnh viện Dã chiến Hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương) kể: "Ngày đầu tiên bước chân vào phòng hồi sức, tất cả chúng tôi đều rất choáng ngợp. Phòng bệnh khoảng 30 m2, mà đến 20 bệnh nhân thở máy, trong đó một nửa là đang hấp hối, có thể tiên lượng 6 ca tử vong nhãn tiền không thể làm gì khác".

Nhân viên y tế quá mỏng so với nhu cầu về dịch, hàng trăm bệnh nhân cần thở máy nhưng chỉ có 20 máy thở. Các y bác sĩ, điều dưỡng đã làm việc liên tục 24 giờ trong ICU, sức đã kiệt nhưng không có lực lượng để thay ca.

Khi đó, đoàn công tác của BVĐH Y Hà Nội gần như là đoàn đầu tiên đến hỗ trợ Bình Dương chống dịch, sau đó là các đoàn từ Phú Thọ, BV Trung ương Huế… lần lượt vào tiếp viện.

Các y, bác sĩ đưa thuốc đến từng phòng bệnh.

Các y, bác sĩ đưa thuốc đến từng phòng bệnh.

Là một thủ phủ khu công nghiệp, nhưng hệ thống y tế của Bình Dương rất thiếu, cả tỉnh chỉ có 4 bác sĩ hồi sức, lực lượng nội khoa, hồi sức tích cực rất mỏng. 2 chuyên khoa phát triển mạnh nhất tại đây là Sản khoa và Nhi khoa.

Nhiệm vụ đoàn bác sĩ BVĐH Y Hà Nội là vào khảo sát để thiết lập Trung tâm ICU ở Bình Dương. Tuy nhiên chứng kiến sự khốc liệt trong khu hồi sức, các chuyên gia nhận định nếu cứ tập trung chiến đấu trong ICU trận chiến sẽ thất bại.

"Thời điểm đó, tỉnh Bình Dương đang đối diện với thách thức lớn khi bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt vượt xa hơn rất nhiều so với năng lực hiện tại. Sau nhiều lần bàn bạc, cân nhắc chúng tôi quyết định chuyển hướng tiếp cận mới. Thay vì vào ICU chiến đấu trận chiến không cân sức, cầm chắc đến 8-9 phần thua, chúng tôi thay đổi chiến lược điều trị, không chỉ tập trung vào ICU mà cần phải sàng lọc và điều trị rất sớm từ những khu cách ly", BS. Ngọc nhớ lại.

Đoàn thầy thuốc BVĐH Y Hà Nội chia thành các nhóm nhỏ, "lê la" các huyện của Bình Dương, "sục sạo" từng khu cách ly tìm bệnh nhân trở nặng, kịp thời chuyển tầng điều trị. Đồng thời cảnh báo, tập huấn cho các đồng nghiệp phải chủ động đi tìm triệu chứng chứ không thể chờ bệnh nhân chuyển nặng; dự trữ thuốc, oxy, chú ý điều trị dự phòng kháng đông đúng chỉ định… để giảm tải bệnh nhân phải chuyển lên tầng trên.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cùng với đoàn thầy thuốc BVĐH Y Hà Nội, triển khai chiến lược "đánh chặn từ xa" bằng cách chủ động tìm kiếm "giảm oxy máu thầm lặng" trong các khu cách ly, triển khai phân tầng và chủ động điều trị sớm bằng thuốc kháng đông và kháng viêm ngay tại các cơ sở y tế tầng 1, nhờ đó tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương giảm nhanh.

Bữa cơm đạm bạc sau ca làm việc.

Bữa cơm đạm bạc sau ca làm việc.

Nỗ lực hơn nữa để cứu sống được nhiều người bệnh nhất có thể

Hỗ trợ Bình Dương đúng thời điểm dịch bệnh khó khăn nhất, có rất nhiều hình ảnh, câu chuyện khiến thầy thuốc nhói lòng khi nhắc đến quãng thời gian đau thương này. BS. Lê Minh Ngọc trải lòng: "Tôi còn nhớ hình ảnh một bệnh nhân nam, rất trẻ, được chuyển từ tầng 1 lên, trước đó người bệnh dùng thuốc 3 ngày nhưng không đáp ứng, tình trạng ngày càng nặng, phải đặt nội khí quản, nếu không chắc chắn sẽ tử vong. Tuy nhiên, thời điểm này tỷ lệ tử vong ở người bệnh đặt nội khí quản cũng rất cao lên 90%. Chúng tôi rất đắn đo, bệnh nhân còn quá trẻ, mà phương án nào nguy cơ cũng rất cao. Sau một hồi cân nhắc tất cả quyết định cho bệnh nhân cơ hội đặt nội khí quản".

"Trước khi đặt ống, tôi gọi điện cho bệnh nhân nói chuyện với người nhà. Nhìn thấy chồng, người vợ òa khóc nức nở bởi chị biết đây có thể là lần cuối cùng được nói chuyện với anh... Hỏi anh còn điều gì dặn dò chị không, anh mở mặt nạ ra, muốn nói nhưng không thể nói được, rồi lại úp mặt nạ vào, cứ như vậy 3 lần, đến lần thứ 3 cố gắng hết sức "a" lên một tiếng, sau đó úp mặt nạ vào và lắc đầu… Chúng tôi làm nhiệm vụ, hạ đầu giường, đặt nội khí quản cho anh" - BS. Ngọc nói.

Sẽ là một cái gì đó rất ám ảnh nếu bệnh nhân tử vong. Do vậy, tất cả các bác sĩ, điều dưỡng cùng nhiều tua tình nguyện viên chăm chút tỉ mỉ, không giây phút nào lơ là... Rất may mắn bệnh nhân đã chiến thắng lưỡi hái tử thần.

Sự hồi sinh của người bệnh thực sự là một kỳ tích, là tia sáng chiếu rọi, giúp vực dậy tinh thần y bác sĩ chúng tôi trong hoàn cảnh đang rất khó khăn khi đó.

BS. Ngọc bồi hồi.

Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân không được may mắn như vậy. Nhiều bệnh nhân trở nặng rất nhanh không kịp cứu chữa. Có lẽ chứng kiến sự ra đi của những người bệnh xung quanh khiến tinh thần họ suy sụp nhanh chóng.

Có bệnh nhân đi cách ly mang theo rất nhiều tiền vàng, vào viện cứ khăng khăng đòi bác sĩ đặt ống thở cho mình. "Có bao nhiêu tiền vàng tôi cho bác sĩ hết, bác sĩ đặt nội khí quản để tôi được sống", người bệnh đề nghị. Nhưng họ đâu biết rằng, đặt nội khí quản tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Trong hoàn cảnh này mới thấy sự sống trân quý nhường nào.

BS. Lê Minh Ngọc (thứ 4 từ trái sang) cùng lãnh đạo Bộ Y tế, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội và đoàn công tác tại Bình Dương tháng 9/2021.

BS. Lê Minh Ngọc (thứ 4 từ trái sang) cùng lãnh đạo Bộ Y tế, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội và đoàn công tác tại Bình Dương tháng 9/2021.

Từ ô cửa sổ phòng làm việc dõi xuống khu điều trị, BS. Ngọc trầm ngâm suy tính hướng điều trị cho một ca bệnh nặng.

Từ ô cửa sổ phòng làm việc dõi xuống khu điều trị, BS. Ngọc trầm ngâm suy tính hướng điều trị cho một ca bệnh nặng.

Để lại nhiều xót thương rất với thầy thuốc, có lẽ là sự ra đi của những người vô gia cư, những người con xa quê Nam lập nghiệp. Họ cả một đời vất vả, lúc bệnh tật không người quan tâm hỏi han, khi sống chỉ có một mình và khi chết cũng rất cô độc. "Những hình ảnh đó rất ám ảnh, có lẽ cả đời này chúng tôi không thể nào quên", BS. Ngọc nói.

Mỗi sự ra đi đều để lại trong thầy thuốc những day dứt, cảm giác bất lực. Để rồi mỗi khi đêm về, những người thầy thuốc lại kiểm thảo, tìm phương pháp cứu chữa tốt hơn...

"Chúng tôi lấy công việc khỏa lấp nỗi buồn, ai nấy đều tự hứa nỗ lực, nỗ lực hơn nữa để giúp được nhiều người bệnh nhất...." - vị bác sĩ trẻ trải lòng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ngọc Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//chung-toi-di-tim-benh-nhan-nang-169220402105531098.htm