Chúng tôi luôn ở tư thế sẵn sàng, quên ăn, quên ngủ vì loạt bài này...
Loạt bài 3 kỳ 'Sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3: Nỗi đau và bài học' của nhóm tác giả Báo Thừa Thiên Huế ngay sau khi đăng tải đã được dư luận đánh giá cao bởi sự nhanh nhạy, thông tin sâu, đa chiều, hơn nữa lại khá bắt mắt khi thể hiện qua hình thức Longform.
Để hiểu thêm về quá trình tác nghiệp loạt tác phẩm được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020 đánh giá cao này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi cùng nhà báo Ngô Phú Giang (bút danh Tuệ Ninh), đại diện nhóm tác giả.
Ban Biên tập báo Thừa Thiên Huế họp chỉ đạo về truyền hình đa phương tiện với bộ phận phóng viên.
Tiếp cận thông tin qua nhiều cách, nhiều nguồn, cập nhật giờ, từng phút
+ Để thực hiện loạt bài công phu như “Sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3: Nỗi đau và bài học”, nhóm tác giả chắc hẳn đã gặp rất nhiều khó khăn, thưa nhà báo?
- Khi nhận được thông tin ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 có người mất tích nhưng chưa công bố thiệt hại về người, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng “trực chiến”. Nhóm “Rào Trăng” ra đời chủ yếu là những phóng viên của Phòng Điện tử và Phòng Phóng viên dưới sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp từ Ban Biên tập cùng sự phối hợp của các phòng khác. Chúng tôi đã sản xuất loạt bài trong khoảng 2 đến 3 tuần và đã huy động một nửa số phóng viên cơ quan trực tiếp tham gia tuyến bài này.
Khó khăn nhất với chúng tôi là không được vào hiện trường bởi khi ấy theo quy định chỉ có Báo Quân đội Nhân dân và Báo Quân khu 4 được tiếp cận hiện trường. Phải nói là ban đầu chúng tôi rất ức chế về việc này vì sự việc xảy ra trên địa bàn tỉnh mình nhưng sau đó thay vì ức chế chúng tôi phải tôn trọng quy định đó, đó cũng là lý do mà kỳ 2 tìm kiếm các liệt sỹ, một số ảnh chúng tôi phải dẫn nguồn. Tuy nhiên khi sự việc xảy ra huy động lực lượng thế nào và khâu cuối tìm kiếm nạn nhân thì chúng tôi đã có thông tin khá đầy đủ, chi tiết. Chúng tôi đã tiếp cận thông tin qua nhiều cách, nhiều nguồn và phải cập nhật từng giờ, từng phút.
Khi Ban Biên tập giao chúng tôi làm Longform loạt bài này thì thấy đây là vấn đề rất khó vì mình không có được hình ảnh tốt về tìm kiếm 13 liệt sỹ. Một áp lực nữa là thời gian, phải làm thật nhanh vì vấn đề đang rất nóng. Ngoài việc anh em trực tiếp tác nghiệp, chúng tôi ngồi ở tòa soạn nhận bài phải xâu chuỗi lại 3 kỳ, tổ chức phát triển thông tin phụ, ngoài ra còn trao đổi với đồng nghiệp, ban ngành ở hiện trường để có thông tin thêm và cập nhật liên tục những gì liên quan đến Thủy điện Rào Trăng 3.
+ Dù không dễ nhưng tôi nghĩ, Longform quả thực là thể loại “thách thức thú vị” đối với những người làm báo hiện đại. Với những người làm báo tỉnh Thừa Thiên Huế thì sao, thưa chị?
- Vâng, chúng tôi cũng nghĩ như vậy. Báo Thừa Thiên Huế Online bắt đầu “trình làng” tác phẩm đa phương tiện (longform, emagazine) vào năm 2019. Từ tác phẩm “20 năm lụt 99: Chuyện cũ không quên, ký ức mãi còn”, “Chủ Nhật xanh: Xanh cả con đường “xanh cả lòng người”, đến nay đã nhiều tác phẩm trong đó có “Bảo tồn Bảo tàng nước lớn nhất Đông Nam Á”, “Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Nỗi đau và bài học”… Các tác phẩm này đều đạt giải báo chí cấp bộ, ngành, Giải Báo chí Hải Triều (tỉnh Thừa Thiên Huế) và Giải Báo chí Quốc gia.
Trong thời buổi cạnh tranh thông tin, trước nhiều lựa chọn thì chính câu chuyện sống động, lôi cuốn ở bài longform, emagazine đã giữ chân người đọc. Bằng chứng là lượt xem ở hệ thống gấp vài lần đến vài chục lần báo in... Đằng sau sự đón nhận của độc giả, giải thưởng các bộ ngành là mồ hôi, trí tuệ, hiểm nguy trong tác nghiệp và cả sự giúp đỡ tận tình từ đồng nghiệp, cơ sở. Những tác phẩm đa phương tiện ấy tựa như món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo mà đội ngũ những người thực hiện chăm chút từ thiết kế “khung sườn”, đến gia công từng lớp, rồi qua cả “KCS” kỹ càng trước khi đến với công chúng. Áp lực thời gian, chất lượng, tiến độ… đến nỗi những người làm bao giờ cũng “ám ảnh” chuyện “hạ loại thi đua” vì không hoàn thành nhiệm vụ. Một biên tập viên kỳ cựu cũng có lúc thốt lên rằng: “Làm thể loại ni… đau tim quá”!
+ Thể hiện qua hình thức longform phải có sự tham gia của tập thể mà mỗi người viết lại có phong cách, lối diễn đạt khác nhau, nhóm tác giả đã làm gì để dung hòa điều đó, thưa nhà báo?
- Đúng là làm longform thì ê-kíp phải tập hợp được sức mạnh của tập thể, phải tận dụng tối đa ưu điểm của mỗi người nhưng cũng phải dung hòa cách viết của mỗi tác giả để làm nên tuyến bài xuyên suốt, chặt chẽ, logic. Tôi nghĩ longform đòi hỏi các khâu từ thô, gia công và cuối cùng là ra sản phẩm. Ban đầu, chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu về thủy điện để khi dựng bài cần gì sẽ trích xuất sử dụng.
Trong thời gian làm loạt bài này, trong ê-kíp có 2 tác giả ra Hà Nội nhận giải Nhất Giải Báo chí Phòng chống thiên tai cho tác phẩm “Kinh nghiệm 20 năm nhìn lại trận lụt năm 1999” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi về đến Thừa Thiên Huế có bạn ngay lập tức sắp hành lý vào Rào Trăng luôn.
Có thể nói, thời điểm đó, chúng tôi luôn ở tư thế sẵn sàng, quên ăn, quên ngủ vì loạt bài này. Nhưng phải nói thêm rằng, để có loạt bài này, sự chỉ đạo của Ban Biên tập giữ vai trò rất quan trọng. Chính Ban Biên tập đã vừa động viên, khuyến khích nhưng cũng vừa tạo áp lực để nhóm kịp sản xuất ra tuyến bài chất lượng phục vụ mong mỏi của bạn đọc.
Quả thực thời gian triển khai loạt bài này là những ngày rất vất vả của cả ê-kíp thực hiện, nhiều anh em trong nhóm còn bị hạ loại thi đua từ hạng A xuống hạng B. Sau sự kiện này, chúng tôi cũng gấp rút tổ chức buổi sinh hoạt nghiệp vụ để rút kinh nghiệm, soi chiếu với các báo bạn, nhìn lại cách phối hợp vòng trong vòng ngoài ra sao, từ đó rút ra những bài học nghề nghiệp trong tác nghiệp các sự kiện lớn...
2 kỹ thuật bàn thiết kế Longform tác phẩm “Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Nỗi đau và bài học”.
Đưa vấn đề... vượt ra khỏi Rào Trăng
+ Sự kiện Sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3 là sự kiện lớn, rất nóng mà cả đất nước quan tâm và thu hút gần như tất cả các cơ quan báo chí truyền thông “vào cuộc”. Với một tờ báo tỉnh, để có một loạt bài hấp dẫn được đánh giá cao, điều đặc biệt của loạt bài này là gì, thưa chị?
- Đúng như chị nói. Một sự kiện lớn, các cơ quan báo chí cùng vào cuộc nên các thông tin sẽ gần như đồng loạt với các diễn tiến của sự kiện. ê-kíp thực hiện đã chia nhỏ từng nhóm triển khai, thu thập liên tục, toàn diện thông tin sau đó đưa về tòa soạn. Tôi cùng với chị Kim Oanh lúc này là Phó Thư ký tòa soạn trực tiếp phân kỳ bài viết, đặt hàng thêm phóng viên, cộng tác viên để có thông tin phụ trợ bên lề...
Chúng tôi hướng đến mục tiêu là phải đưa vấn đề ấy vượt ra khỏi Rào Trăng, vượt khỏi quy mô của một tỉnh, làm sao thông tin phải được lan tỏa mạnh mẽ. Đó chính là lý do mà ở kỳ 3 chúng tôi đặt vấn đề xây dựng thủy điện - khi nó được dư luận làm nóng tại các kỳ họp Quốc hội nên chúng tôi đã liên hệ và trao đổi với các đại biểu Quốc hội của tỉnh.
Từ đó, loạt bài đặt ra được vấn đề phải nâng cao mức độ quản lý thủy điện vừa và nhỏ nhằm ứng phó với thiên tai. Đặt Thừa Thiên Huế trong tương quan chung với toàn quốc và soi chiếu toàn quốc với Thừa Thiên Huế. Chúng tôi cũng nhờ sự tư vấn của các chuyên gia phòng chống thiên tai, thủy văn để loạt bài được thể hiện bằng những từ ngữ khoa học chuẩn xác, lý luận chặt chẽ, thuyết phục bạn đọc.
+ Sau khi loạt bài được đăng tải đã có sức lan tỏa thế nào trên địa bàn tỉnh xung quanh vấn đề mà loạt bài đặt ra, thưa nhà báo?
- Làm báo ở tỉnh, chúng tôi xác định đưa thông tin thế nào là đủ, tránh đưa sâu vào vấn đề nhạy cảm và luôn phải đứng trên tinh thần đúng, trúng, mang tính góp ý, xây dựng. Sau khi loạt bài được đăng tải, ngoài sự đón nhận tích cực của công chúng với nhiều lượt chia sẻ, bình luận thì lãnh đạo tỉnh đã tiếp nhận thông tin, đưa ra những quyết định hợp lý về việc xây dựng nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.
Quả thực, dưới góc độ của người làm báo, chúng tôi thấy may mắn là lãnh đạo tỉnh rất cởi mở với báo chí, bằng chứng là hằng tháng Tỉnh ủy và hằng tuần có UBND tỉnh luôn tổ chức giao ban báo chí. Tại đó, các bên đã có những chia sẻ, phản hồi xung quanh vấn đề báo chí nêu để tìm cách tháo gỡ, đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân.
+ Xin cảm ơn nhà báo!