'Chúng tôi như trở lại đáy khủng hoảng hồi tháng 3'

Quốc hội Mỹ mới đạt thỏa thuận về gói cứu trợ mới trị giá 900 tỷ USD. Nhưng đối với nhiều chủ nhà hàng Mỹ, các chương trình cứu trợ này không đủ để giúp họ vượt khủng hoảng.

Hôm 20/12, Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận về gói cứu trợ Covid-19 mới trị giá 900 tỷ USD, bao gồm khoản hỗ trợ lên tới 600 USD cho những người Mỹ đủ điều kiện và 300 USD bảo hiểm thất nghiệp tăng cường (kéo dài 11 tuần).

Dự luật cũng phân bổ 284 tỷ USD cho Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) đối với các doanh nghiệp nhỏ cần hỗ trợ.

Để nhận được khoản hỗ trợ, các doanh nghiệp phải có ít hơn 300 nhân viên và chứng minh được doanh thu sụt giảm 25%. Tuy nhiên, theo CNBC, ông Luca Di Pietro, chủ sở hữu của chuỗi nhà hàng Tarallucci e Vino (quận Manhattan, thành phố New York), tiết lộ rằng gói cứu trợ không đủ để cứu vãn ngành công nghiệp này.

 Hàng trăm nghìn nhà hàng Mỹ phải đóng cửa trong năm nay. Ảnh: Reuters.

Hàng trăm nghìn nhà hàng Mỹ phải đóng cửa trong năm nay. Ảnh: Reuters.

"Giống deja vu"

Hồi tháng 4, ông Di Pietro phải đóng cửa bốn trong tổng số năm nhà hàng và sa thải 60 nhân viên. Thời điểm đó, ông nhận khoản vay cứu trợ sáu chữ số từ đợt đầu của chương trình PPP. "Nhưng số tiền bốc hơi chỉ sau 24 tuần", ông than thở.

Dù các cửa hàng đã mở cửa trở lại vào mùa hè, ông Di Pietro hiện vẫn phải đóng cửa ba cơ sở. Ông cũng giãn việc 40 nhân viên.

"Nó giống như deja vu. Dường như chúng ta đang quay trở lại hồi tháng 3, tháng 4", ông chủ chuỗi nhà hàng than thở. Các đợt bùng phát mới buộc Thống đốc bang New York Andrew Cuomo phải đưa ra lệnh cấm phục vụ ăn uống trong nhà ở thành phố New York.

"Nhưng giờ đây, tôi không thể sử dụng chương trình PPP nữa", ông Di Pietro tuyệt vọng. Ông chỉ còn khoảng 12 nhân viên. "Tôi không biết liệu đợt PPP thứ hai có thay đổi số phận của các nhà hàng không. Chúng tôi chứng kiến những nhà hàng đóng cửa mỗi ngày. Một số trong số đó không bao giờ mở trở lại", vị doanh nhân nói thêm.

“Chúng tôi cần một dự luật kích cầu không chỉ giúp trả lương mà còn thanh toán cho các nhà cung cấp và trả tiền thuê nhà”, ông nói.

 Ngoài trả lương nhân viên, các nhà hàng cần thanh toán cho nhà cung cấp và trả tiền thuê nhà. Ảnh: Reuters.

Ngoài trả lương nhân viên, các nhà hàng cần thanh toán cho nhà cung cấp và trả tiền thuê nhà. Ảnh: Reuters.

Không những thế, tính đến tháng 9, có đến 96.000 khoản vay từ đợt PPP đầu tiên vẫn chưa được chấp thuận hoặc bị từ chối xóa nợ vì nhiều lý do. Đó là vấn đề mà bà Amanda Cohen, chủ nhà hàng chay Dirt Candy ở Manhattan, đang đối mặt.

Hồi tháng 3, bà Cohen phải đóng cửa nhà hàng và sa thải toàn bộ 35 nhân viên. Bà nhận được một khoản vay PPP sáu chữ số, tuyển lại bảy nhân viên vào mùa hè và cứu vãn hoạt động của nhà hàng. "Tôi không chắc liệu chúng ta có còn ở đây nếu thiếu nó hay không", bà nói. "Nhưng nó chỉ là chiếc băng nhỏ dán lên vết thương lớn", bà Cohen than thở.

Bà Cohen cho biết cửa hàng từng có đến 100 khách hàng mỗi tối. Nhưng giờ, khi trời lạnh giá, cửa hàng không được phép phục vụ trong nhà, Dirty Candy chỉ có khoảng 4-20 khách hàng.

"Trước đây, chúng tôi kiếm 10.000-20.000 USD vào ngày thuận lợi. Nhưng giờ, chúng tôi chỉ kiếm khoảng 2.000-3.000 USD, thậm chí có những hôm 300-400 USD. Doanh số này không đủ để duy trì ở New York", bà chán nản.

Bà Cohen nhận xét chương trình PPP "không đủ và thiếu sót". Hiện, bà và nhiều chủ nhà hàng khác vẫn chưa được xóa nợ khoản vay PPP. "Nếu thực hiện một khoản vay PPP khác và tiếp tục không được xóa nợ, tôi sẽ nợ một khoản tiền lớn, trong khi không kiếm được đồng nào", bà nói thêm.

Cần thêm gói hỗ trợ

Giới chuyên gia nhận định chương trình PPP mới có thể gặp nhiều vấn đề. Chẳng hạn, chủ các doanh nghiệp lo lắng về quá trình đăng ký vay PPP, hoặc sợ rằng sẽ không được xóa nợ khoản vay PPP.

"Một sự thiếu sót đáng kinh ngạc của gói hỗ trợ mới là không cung cấp cho 11 triệu nhân viên nhà hàng độc lập một sự đảm bảo mà họ cần trước kỳ nghỉ", CNBC dẫn tuyên bố của Liên minh Nhà hàng Độc lập (IRC).

"Thật khó hiểu khi Quốc hội Mỹ không cứu trợ cho các nhà hàng", ông Di Pietro bình luận. Trong khi đó, dự luật cứu trợ mới dành 15 tỷ USD cho những rạp chiếu phim độc lập, điểm biểu diễn trực tiếp...

Ông Di Pietro và bà Cohen đều ủng hộ Đạo luật Nhà hàng được trình Thượng viện hồi tháng 6. Theo đó, 120 tỷ USD sẽ được đưa ra để giúp các nhà hàng và quán bar độc lập duy trì hoạt động. "Không giống với chương trình PPP, nó là một khoản trợ cấp, và là 'phao cứu sinh' mà chúng tôi cần", bà Cohen bình luận.

 Với nhiều doanh nghiệp, Chương trình Bảo vệ Tiền lương là không đủ khi tình hình dịch bệnh phức tạp kéo dài. Ảnh: Reuters.

Với nhiều doanh nghiệp, Chương trình Bảo vệ Tiền lương là không đủ khi tình hình dịch bệnh phức tạp kéo dài. Ảnh: Reuters.

"Nó sẽ giúp các nhà hàng mở cửa mà không cần phải lo lắng có bị đóng cửa trong vài tuần tới hay không. Nó cho phép chúng tôi tiêu tiền vào nhiều thứ hơn PPP. Và chúng tôi cũng có thể chọn cách để tiêu tiền", bà giải thích.

Theo khảo sát của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia, khoảng 17%, tương đương 110.000 nhà hàng ở Mỹ đã đóng cửa vĩnh viễn trong năm nay. Và 87% nhà hàng báo cáo doanh thu trung bình chỉ còn 36%.

Theo CNN, ngay cả khi Quốc hội Mỹ đã thông qua gói kích thích mới, các nhà hàng vẫn còn con đường dài phía trước. "Quyết định hôm nay của Quốc hội sẽ ngăn hàng chục nghìn nhà hàng đóng cửa trong những tháng tới”, ông Tom Bene, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia, bình luận.

"Tuy nhiên, những thách thức kinh tế dài hạn mà họ phải đối mặt sẽ không kết thúc vào năm tới. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các lãnh đạo liên bang và bang tăng hỗ trợ những nhà hàng này trên con đường phục hồi", ông nhấn mạnh.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chung-toi-nhu-tro-lai-day-khung-hoang-hoi-thang-3-post1165919.html