'Chúng tôi sẽ mất kỳ Giáng sinh': Biểu tình 'vùi dập' ngành bán lẻ Hồng Kông
Nhiều tháng biểu tình đường phố rầm rộ, có lúc biến tướng thành biểu tình bạo động, đang bắt đầu gây hậu quả đối với nền kinh tế Hồng Kông, làm suy giảm lòng tin của người dân và xua đuổi du khách nước ngoài khỏi một trong những trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất thế giới.
Giới kinh tế học nói rằng, ảnh hưởng từ làn sóng biểu tình chống chính quyền kéo dài suốt 8 tuần qua thậm chí còn tồi tệ hơn so với năm 2014 - thời điểm mà làn sóng biểu tình có tên "Cách mạng ô dù" làm tê liệt khu tài chính của thành phố này trong suốt 79 ngày liên tiếp.
Trong phong trào biểu tình năm nay, người biểu tình đổ ra khắp các tuyến phố chứ không riêng gì khu tài chính, và tình trạng bạo lực căng thẳng hơn, khiến cho các chủ cửa hiệu địa phương và nước ngoài phải tránh một số khu vực nhất định. Nhiều cửa hàng, thậm chí là cả các chi nhánh ngân hàng, đã buộc phải đóng cửa dài ngày.
Rất nhiều doanh nghiệp ở thành phố cảng nằm ở bờ biển phía Nam Trung Quốc vốn đã đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn do đà giảm của nền kinh tế Trung Quốc và tầm ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hàng loạt cuộc đình công dự kiến sẽ diễn ra trong các tuần tới đây, trong khi các cuộc biểu tình diễn ra thường nhật, được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong nhiều tháng.
Hôm thứ Ba vừa qua, hàng trăm người biểu tình còn ngăn chặn hoạt động của các tuyến tàu điện, gây ra khung cảnh khá hỗn loạn.
Hiệp hội các nhà bán lẻ lớn nhất của Hồng Kông đã cảnh báo các thành viên của họ về mức giảm doanh số lên tới 2 con số trong tháng 7 và tháng 8 năm nay. Trong ngày 1/8, chính quyền thành phố cũng sẽ công bố bản thống kê về doanh số bán lẻ trong tháng 6.
"Ngành công nghiệp bán lẻ ở Hồng Kông sẽ chịu ảnh hưởng cả từ bên trong lẫn bên ngoài" - Angela Cheng, chuyên gia kinh tế thuộc Công ty CMB International Capital, nhận định. Bà Cheng nói thêm rằng có thể đưa ra mức dự báo giảm doanh số bán lẻ 10%, tăng gấp đôi so với mức dự báo trước đó.
Hãng xếp hạng Brokerage CLSA cũng hạ mức đánh giá của họ đối với hãng trang sức Chow Tai Fook - một trong những nhãn hiệu nổi tiếng nhất của Hồng Kông đối với du khách đến từ đại lục - vào ngày 23/7 vừa qua, sau khi cho rằng các cuộc biểu tình có thể gây ảnh hưởng lâu dài tới nhãn hiệu này.
Tập đoàn Richemont trong tháng 7 cảnh báo rằng các cuộc biểu tình đang làm giảm doanh số bán hàng của họ, trong khi hãng sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Swatch cũng thừa nhận rằng tình trạng bất ổn chính trị khiến doanh số bán hàng của họ ở Hồng Kông giảm tới 2 con số.
Xung quanh quận Admiralty - nơi được coi là tâm điểm diễn ra các cuộc biểu tình - nhân viên của một số cửa hiệu, nhà hàng nói với Reuters rằng lượng khách mà họ tiếp nhận đã giảm tới 1/3 kể từ hồi đầu tháng này.
Các cửa hàng bán lẻ vắng khách bên trong một trung tâm thương mại ở Yuen Long, Hồng Kông (Ảnh: Reuters)
Bobby Tang - 21 tuổi, đại diện bán hàng của hãng Gucci ở khu vực mua sắm Causeway Bay, nơi mà người biểu tình lập nhiều rào chắn trong hôm Chủ nhật tuần trước - cho hay anh ủng hộ phong trào biểu tình. Tang cho rằng chính quyền thành phố đã thất bại trong việc đáp ứng nguyện vọng của người dân, khiến cho phong trào biểu tình ban đầu chỉ là chống lại dự luật dẫn độ, sau biến thành một phong trào dân chủ rộng khắp.
Nhưng mặt khác, Tang cũng rất lo lắng về công việc của mình tại cửa hiệu hạng sang của Pháp. Trước khi biểu tình bùng phát, cửa hiệu mà anh làm việc cứ mỗi phút lại tiếp nhận một khách hàng, nhưng giờ thì phải 3 - 4 giờ đồng hồ mới có một khách tới, trong khi doanh thu hàng ngày giảm từ 100.000 đôla Hồng Kông xuống còn 20.000 đôla Hồng Kông (2.560 USD).
"Nếu biểu tình kéo dài tới tháng 10, tôi lo rằng sẽ không thể nhận được đủ lương tháng" - Tang nói.
Các cửa hiệu mua sắm thường được những người biểu tình tận dụng như chỗ nghỉ ngơi. Người biểu tình phần lớn là tôn trọng chủ cửa hiệu, không có hành động phá hoại, nhưng đã có thời điểm một cửa hàng bị biến thành "chiến trường". Trong lúc cảnh sát cố gắng giải tán đám đông biểu tình ở quận Sha Tin ngày 14/7, vụ việc biến thành cuộc rượt đuổi bên trong một trung tâm mua sắm của công ty Sun Hung Kai Properties.
Những hình ảnh đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát, nhân viên trong các cửa hiệu tháo chạy... đã được phát đi khắp thế giới. Điều này khiến cho lượng du khách đến từ Trung Quốc đại lục giảm đáng kể. Anh, Nhật Bản, Singapore cùng nhiều nước khác công bố cảnh báo du lịch tới Hồng Kông.
Hội Liên hiệp Thương mại Hồng Kông cho hay, tỷ lệ khách thuê phòng trong các khách sạn đã giảm 20% trong tháng 6, so với cùng kỳ năm ngoái, và có thể giảm tới 40% trong tháng 7. Một quản lý tour du lịch có tên Yu cho hay, khoảng 2/3 lượng khách đến từ đại lục đã hủy chuyến.
Người biểu tình tuần hành tại khu du lịch Nathan Road hôm 7/7 (Ảnh: Reuters)
Hãng xếp hạng Fitch Ratings hôm 30/7 đưa ra cảnh báo rằng tình trạng bất ổn ở Hồng Kông có thể gây tổn hại tới niềm tin của giới doanh nghiệp và chất lượng quản lý. Hãng này cũng nêu quan ngại về tình trạng tê liệt chính sách và xói mòn thượng tôn pháp luật tại thành phố này.
Đạo luật Chính sách Mỹ-Hồng Kông 1992 cho phép Washington áp dụng cơ chế hải quan khác biệt với Hồng Kông so với Trung Quốc đại lục. Đạo luật này đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của thành phố này. Theo quan điểm của mình, chính quyền Mỹ cần phải thấy được sự độc lập nhất định của Hồng Kông trước chính quyền Bắc Kinh, bởi vậy họ sẽ theo dõi sát sao động thái của Trung Quốc trong các cuộc biểu tình này.
Phòng Thương mại Mỹ mới đây đưa ra cảnh báo rằng, các doanh nghiệp quốc tế đang cảm thấy hết sức bi quan về triển vọng hoạt động ngắn hạn và rằng chính quyền Hồng Kông cần có hành động khẩn cấp để giải quyết tận gốc rễ tình trạng biểu tình.
"Làn sóng biểu tình này có khả năng sẽ kéo dài đến hết năm nay. Chúng tôi có thể mất luôn kỳ Giáng sinh, vốn là mùa mua sắm nhộn nhịp nhất năm" - bà Fung, giám đốc bán hàng của một công ty mỹ phẩm chăm sóc da, cho hay.