Chuỗi cung ứng của Apple gặp khó vì lệnh phong tỏa tại Thành Đô

Các chính sách 'Zero Covid-19' nghiêm ngặt của Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau khi chịu ảnh hưởng bởi hạn hán.

Thành phố Thành Đô (Trung Quốc), một trong những trung tâm sản xuất iPad và MacBook của Apple, đã gia hạn biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự bùng phát Covid-19, đe dọa gây ra gián đoạn mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lệnh phong tỏa ban đầu dự kiến kết thúc vào hôm 7/9, nhưng có khả năng sẽ kéo dài thêm một tuần nữa, sau khi thành phố tuyên bố "đưa số ca mắc xuống còn 0" trong vòng một tuần.

Các biện pháp phòng tránh Covid-19 bị kéo dài trong bối cảnh các nhà cung cấp mới chỉ phục hồi gần đây, sau làn sóng mất điện liên quan đến hạn hán ở tây nam Trung Quốc.

Tương tự, các nhà sản xuất ở Thâm Quyến, một trung tâm công nghệ khác, cũng phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên do hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt ảnh hưởng đến một số quận trong thành phố, các nguồn tin nói với Nikkei Asia.

Không có dấu hiệu cho thấy khi nào những hạn chế đó có thể được nới lỏng.

 Người dân xếp hàng để xét nghiệm ở Thành Đô vào ngày 3/9. Ảnh: Future Publishing.

Người dân xếp hàng để xét nghiệm ở Thành Đô vào ngày 3/9. Ảnh: Future Publishing.

Tiếp tục gián đoạn

Thành phố cho biết họ sẽ điều chỉnh các biện pháp phòng chống Covid-19 "cho phù hợp" dựa trên tình hình dịch bệnh.

Chỉ những cơ sở hạ tầng thiết yếu liên quan đến nước, điện, dầu, khí đốt và thông tin liên lạc, cũng như các nhà cung cấp thực phẩm và nhà sản xuất đáp ứng yêu cầu của chính quyền, mới được phép tiếp tục hoạt động, giới chức thành phố cho biết vào tối 7/9.

Người dân tại những khu vực "rủi ro cao" không được phép rời khỏi nhà, trong khi cư dân ở khu vực "nguy cơ trung bình" không được phép rời khỏi khu dân cư. Thành Đô, nơi sinh sống của hơn 20 triệu dân, sẽ tiến hành hai đợt xét nghiệm hàng loạt vào ngày 9/9 và 11/9 đối với các khu vực hiện được xác định là "đã được kiểm soát".

Đối với các khu vực có nguy cơ trung bình và cao, việc xét nghiệm được tiến hành hàng ngày với tất cả cư dân.

Trong bối cảnh đó, các nhà cung cấp của Apple là Foxconn và Jabil vận hành cơ sở của họ ở Thành Đô dưới sự quản lý "khép kín", yêu cầu tất cả nhân viên phải làm việc và sinh sống tại chỗ, các nguồn tin cho biết.

Họ cho biết công ty sản xuất màn hình BOE - biểu tượng công nghệ của Trung Quốc - cũng đang áp dụng chính sách như vậy.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin thân cận với chính quyền địa phương, chỉ các nhà máy nằm trong "danh sách trắng" của chính phủ mới được lựa chọn sản xuất khép kín. Một số nhà sản xuất vật liệu trưng bày gần đó đã phải tạm ngừng hoạt động vì họ không thể đáp ứng yêu cầu có mặt trong danh sách này.

 Những con phố gần như vắng bóng người sau lệnh phong tỏa ở Thành Đô. Ảnh: China News Service.

Những con phố gần như vắng bóng người sau lệnh phong tỏa ở Thành Đô. Ảnh: China News Service.

Dù vậy, theo hai nguồn tin, khoảng 30% đến 50% sản lượng theo kế hoạch của Foxconn và Jabil tại các cơ sở ở Thành Đô trong tháng 8 đã bị ảnh hưởng, bởi việc phân bổ điện khi Trung Quốc trải qua mùa hè nóng nhất trong hơn 60 năm qua.

"Vòng phong tỏa Covid-19 mới có thể tiếp tục mang lại những gián đoạn cho kế hoạch sản xuất... Đây thực sự là một mùa đầy biến động và chúng tôi lo ngại không biết lệnh cấm có thể sớm được nới lỏng hay không", một người cho hay.

Dù vậy, sau hai năm chuẩn bị cho Covid-19, các nhà sản xuất ở Trung Quốc đã học được cách vận hành trong thời kỳ phong tỏa.

"Tác động dự kiến sẽ nhỏ hơn nhiều so với tình trạng mất điện trước đó", một người khác cho biết.

Thách thức

Cơ sở Thành Đô của Foxconn là cơ sở sản xuất chính máy tính bảng iPad, đồng thời cũng sản xuất máy tính xách tay MacBook. Trong khi đó, Jabil là nhà cung cấp module điện tử chính cho MacBook.

Các biện pháp phong tỏa mới nhất được đưa ra khi các nhà cung cấp quan trọng của Apple từ Foxconn đến BYD đã bắt đầu tăng cường sản xuất mẫu iPad mới để ra mắt vào mùa thu này.

Một công nhân hợp đồng làm việc tại bộ phận IQC (kiểm soát chất lượng đầu vào) ở cơ sở Thành Đô của Jabil cho biết anh đã không được vào đây kể từ khi nó bị phong tỏa vào đầu tháng 9, vì anh không sống trong ký túc xá thuộc khuôn viên.

“Chỉ những công nhân sống bên trong cơ sở mới được phép làm việc”, anh nói. "Tôi đã bị buộc phải nghỉ khoảng 20 ngày khi cơ sở này bị cắt giảm điện vào tháng trước, nhưng chỉ hai ngày sau khi tôi bắt đầu lại công việc, tôi không được phép đi làm. Tôi không biết mình sống sót như thế nào khi giờ đây, thu nhập của tôi bằng không”.

 Công nhân lắp ráp các sản phẩm điện tử tại một nhà máy Foxconn ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Công nhân lắp ráp các sản phẩm điện tử tại một nhà máy Foxconn ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, cơ sở Thâm Quyến của nhà sản xuất iPad chủ chốt BYD đang phải “tranh giành” để đảm bảo có đủ nhân viên bổ sung trong bối cảnh thành phố phong tỏa.

Vào cuối tháng 8, công ty đã khẩn cấp yêu cầu các nhà cung cấp của mình gửi công nhân tới sống tại địa điểm Thâm Quyến trong khoảng một tháng để tạo điều kiện sản xuất, theo một thông báo Nikkei Asia tiếp cận được.

"Tất cả nhà cung cấp, vui lòng cử nhân viên trong hai ngày tới để hỗ trợ sản xuất tại cơ sở của BYD ở Thâm Quyến", thông báo cho biết.

Tại thành phố Thâm Quyến, một trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng khác của Trung Quốc, hầu hết cơ sở sản xuất đã được yêu cầu vận hành với các biện pháp khép kín kể từ đầu tháng 9.

Theo phân tích của Nomura, tính đến ngày 6/9, 49 thành phố trên khắp Trung Quốc đang áp dụng một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến khoảng 291,7 triệu người.

Các chính sách “Zero Covid-19” nghiêm ngặt của Trung Quốc đã tiếp tục đè nặng lên lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau khi thành phố lớn nhất Thượng Hải bị phong tỏa nghiêm ngặt trong hơn hai tháng đầu năm nay.

Theo tính toán của Nikkei Asian Review, hơn 50% trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple có nhà máy ở Thượng Hải hoặc các vùng lân cận. Khu vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh phong tỏa nhằm chống dịch trước đó.

Cụ thể, hơn 30 nhà cung cấp của Apple có cơ sở ở Thượng Hải - tâm chấn của làn sóng Covid-19 tại Trung Quốc đầu năm nay. Hơn 70 công ty sở hữu các nhà máy sản xuất ở Giang Tô. Phần lớn trong số đó nằm tại Côn Sơn và Tô Châu - 2 thành phố gần Thượng Hải.

Minh An

Theo Nikkei Asia

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuoi-cung-ung-cua-apple-gap-kho-vi-lenh-phong-toa-tai-thanh-do-post1353363.html