Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn - đường đi ngắn, lợi ích dài

Liên kết trong sản xuất, chế biến và kinh doanh, nhằm tạo thành một chuỗi thực phẩm an toàn (TPAT), là hướng phát triển bền vững cho các mặt hàng nông sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người sản xuất, kinh doanh lẫn người tiêu dùng.

Mô hình rau thủy canh trong nhà kính tại Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, xã Quảng Tân (Quảng Xương). Ảnh: Trần hằng

Chất lượng được khẳng định

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa) là đơn vị chuyên sản xuất và tiêu thụ trứng gà tươi, trứng vịt tươi, trứng cút tươi với quy mô 6 triệu quả/năm. Để xây dựng thương hiệu và khẳng định chất lượng cho các sản phẩm, năm 2016, công ty làm hồ sơ đăng ký với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và đã được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn. Chị Tống Thị Hiền, Giám đốc Công ty cho biết: Để sản phẩm được xác nhận đảm bảo an toàn thì ngay từ khâu chọn đất cũng phải lựa chọn nơi có mạch nước ngầm (chứ không phải nước bề mặt) để chuẩn bị cho công tác xử lý môi trường sau này. Toàn bộ quá trình chăm sóc gà, từ cho ăn, đẻ trứng, đến xử lý chất thải đều thực hiện theo dây chuyền tự động. Khái niệm an toàn ở đây đã đạt đến mức gần như tuyệt đối. Bởi, từ khâu chọn giống, thức ăn, chăm sóc đến thành phẩm, chỉ cần một khâu không bảo đảm và để gà ốm phải sử dụng kháng sinh, thì coi như không còn khái niệm “sạch” nữa.

Cùng hướng đến mục tiêu tạo ra các sản phẩm an toàn, Công ty CP Chế biến súc sản xuất khẩu Thanh Hóa (phố Nghĩa Sơn 3, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa), thì khái niệm TPAT đồng nghĩa với 100% thịt gia súc, gia cầm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, phải được đóng dấu kiểm soát giết mổ, dán tem vệ sinh thú y và đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Với quy mô giết mổ 1.000 lợn sữa/ngày và 50 lợn thịt/ngày, nhờ tuân thủ các quy định về ATTP, nên khu giết mổ của công ty đã được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn ATTP từ năm 2016. Đến năm 2017, công ty được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Trung tâm chứng nhận phù hợp QUACERT đánh giá, cấp giấy chứng nhận ATTP trong giết mổ. Cũng nhờ bảo đảm chất lượng, nên sản phẩm của công ty đã có được thị trường tiêu thụ tương đối rộng, từ các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, đến siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn và trường học trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Ngoài một số cái tên điển hình nêu trên, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều chuỗi cung ứng TPAT được xác nhận đã và đang khẳng định được chất lượng. Trong đó phải kể đến các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ vịt Cổ Lũng (Bá Thước); rau an toàn tại xã Phú Lộc (Hậu Lộc); khoai tây thương phẩm tại huyện Quảng Xương; dưa Kim Hoàng hậu tại xã Nga Yên (Nga Sơn); chuỗi cung ứng lúa gạo tại xã Đông Văn (Đông Sơn)...

Trong các chuỗi liên kết này, doanh nghiệp có chức năng khảo sát, tìm kiếm, mở rộng thị trường để điều tiết sản xuất, xây dựng chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm. Người nông dân được đảm bảo quyền lợi, nâng cao thu nhập từ việc tham gia sản xuất sản phẩm nông sản an toàn. Sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng là sản phẩm sạch, an toàn. Trường hợp, nếu không may xảy ra bất cứ sự cố nào đối với người tiêu dùng hay nông sản thì thông qua việc kiểm tra lại quy trình lưu thông nông sản trong chuỗi sẽ truy xuất được nguyên nhân, như vậy lợi ích của người tiêu dùng luôn được đảm bảo. Sự tham gia tích cực doanh nghiệp, người sản xuất, sự quyết tâm của các cấp chính quyền và sự lựa chọn thông minh của mỗi người tiêu dùng sẽ là những điều kiện để tiếp tục nhân rộng những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, đảm bảo cung cấp cho thị trường thực phẩm, nông sản an toàn.

Còn nhiều rào cản

Hướng phát triển bền vững cho các mặt hàng nông sản chính là đảm bảo quy trình ATTP trong từng công đoạn, liên kết tạo thành một chuỗi TPAT. Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất, kinh doanh TPAT trên địa bàn tỉnh ta mới chỉ dừng lại ở từng công đoạn đơn lẻ, hầu hết đi từ khâu sản xuất sau đó trực tiếp ra thị trường tiêu thụ, chưa hình thành được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, việc xây dựng chuỗi liên kết TPAT đang gặp những khó khăn nhất định. Một trong những nhân tố đang khiến cho việc xây dựng các chuỗi liên kết TPAT gặp trở ngại, lại xuất phát từ chính nhận thức của người sản xuất. Nhiều người dân vẫn còn “xa lạ” với khái niệm chuỗi liên kết, vì vậy, việc áp dụng đúng quy trình sản xuất theo chuỗi gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà để sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, do có thể gặp nhiều rủi ro, chi phí lớn, quay vòng vốn chậm. Ngoài ra, các dấu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt sản phẩm đã được kiểm soát và sản phẩm chưa được kiểm soát, trong thực tế vẫn chưa nhiều.

Trao đổi với chúng tôi về những bất cập khi thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, ông Trương Văn Chiến, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ thương mại Kiết Linh Tâm (đóng tại chợ 217, xã Hà Phong, huyện Hà Trung) chuyên kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, cho rằng: Bất cập trong việc tạo chuỗi liên kết TPAT xuất phát ngay trong quá trình sản xuất. Đó là việc người nông dân sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm cho chi phí đầu vào tăng và gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Đồng thời, sản xuất theo chuỗi cần tuân thủ theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Chẳng hạn như, việc sản xuất lúa theo chuỗi phải tuân theo các quy định rất khắt khe, về thời vụ gieo sạ, giống, kỹ thuật sạ, cũng như quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý cỏ dại, dịch hại theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa... Điều này có thể gây khó cho người nông dân, vốn đã quá quen với lối sản xuất, canh tác truyền thống và dựa theo kinh nghiệm là chính.

Một thực trạng hiện nay là, hầu hết các loại nông sản như rau, nước mắm, lạc, ngô... có sản lượng tương đối lớn, nhưng tính thời vụ cao. Vì vậy, khối lượng và chủng loại các sản phẩm nông sản chưa đủ và không đáp ứng yêu cầu tiêu thụ. Điều này cũng gây khó khăn cho việc gắn kết giữa các cơ sở sản xuất với kinh doanh để tạo chuỗi. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 97 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung, được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhưng vì sản xuất theo kiểu “mùa nào thức đó” và chỉ có một số thương lái thu mua quy mô nhỏ và quy trình thu gom, sơ chế cũng chưa bảo đảm theo quy định. Trong khi đó, một số cơ sở sản xuất rau an toàn đã được công nhận đạt tiêu chuẩn rau VietGAP nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng tiêu thụ với đối tác nào, nên tất cả các loại rau, quả đạt tiêu chuẩn chỉ bán ở các chợ truyền thống hoặc bán trôi nổi trên thị trường, lẫn lộn cùng các loại không đạt VietGAP.

Như vậy, khi thu hoạch nông sản, người nông dân chưa có ý thức kết nối với người chế biến, mà hầu hết dựa vào thương lái. Trong khi đó, người kinh doanh nông sản cũng chưa thực sự tin tưởng cơ sở sản xuất và chưa nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông sản vẫn trong vòng luẩn quẩn, không tìm được lối ra. Mặt khác, hệ thống hỗ trợ, phân phối sản phẩm nông sản chưa đủ mạnh, khiến cho đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Cần đồng bộ các giải pháp

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 783 chuỗi cung ứng TPAT (32 chuỗi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, 751 chuỗi do UBND cấp huyện xây dựng). Trong đó có 193 chuỗi cung ứng lúa gạo, 219 chuỗi cung ứng rau quả, 258 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm, 11 chuỗi cung ứng trứng gia cầm, 102 chuỗi cung ứng thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Hằng năm cung ứng ra thị trường khoảng 362.600 tấn sản phẩm thực phẩm các loại, trong đó có 357 chuỗi, 254.500 tấn sản phẩm thực phẩm, 2,2 triệu lít nước mắm, 7,5 triệu quả trứng gia cầm được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng TPAT.

Có thể khẳng định, sản phẩm từ các mô hình chuỗi bước đầu đã và đang tạo được niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh TPAT trên địa bàn tỉnh. Để có được thành quả đó, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP; tập trung hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về phân công, phân cấp theo đúng thẩm quyền; xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan để phục vụ sản xuất, tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật theo phân cấp; tập trung xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu các vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Ông Lê Xuân Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Với sự quan tâm của UBND tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã tham mưu xây dựng và hình thành một số mô hình sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy sản, bước đầu hình thành được chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, nhiệm vụ xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và đặc biệt là người tiêu dùng.

Cũng theo ông Đồng, để khắc phục những khó khăn đồng thời phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn cần tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, chủng loại sản phẩm; duy trì, nâng cấp điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo VietGAP, GMP/SSOP, HACCP, ISO 22000... trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng yêu cầu ngày một cao hơn của đơn vị kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, để xây dựng và phát triển các chuỗi TPAT, rất cần có sự quan tâm, khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước và sự đồng bộ trong triển khai thực hiện của các ngành liên quan, bởi khi chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ hình thành, ngoài người tiêu dùng nhận được lợi ích, thì người sản xuất, kinh doanh cũng được bảo đảm đầu ra, ổn định sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần phối hợp với địa phương nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm theo hướng giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng sàn giao dịch mua bán sản phẩm từ mô hình chuỗi, giới thiệu mạng lưới đặt hàng giao dịch mua bán, địa chỉ bán sản phẩm để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, lựa chọn sản phẩm “sạch” theo đúng nghĩa.

Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chuoi-cung-ung-thuc-pham-an-toan-duong-di-ngan-loi-ich-dai/106067.htm